Công nhân tại các khu công nghiệp ở Việt Nam đã tiến hành gần 30 cuộc đình công, mà truyền thông trong nước gọi là “ngừng việc tập thể”, trong 6 tuần đầu năm nay để đòi quyền lợi, chủ yếu liên quan đến mức lương thưởng.
Đây không phải là lần đầu tiên có nhiều cuộc đình công xảy ra vì trong những năm gần đây, việc công nhân nhảy việc hoặc ngừng việc để đòi tăng lương thường diễn ra vào dịp đầu năm.
Thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được các báo trong nước cho biết rằng từ đầu năm đến nay đã có 28 cuộc “tranh chấp lao động” và “ngừng việc tập thể” trên cả nước. So sánh với con số này trong cùng kỳ năm trước, Tổng LĐLĐVN cho biết số lượng này giảm 7 cuộc.
Tuy nhiên theo Dân Việt, phong trào đình công gia tăng trong thời gian gần đây khi liên tiếp có các cuộc ngừng việc tập thể kéo dài tại nhiều doanh nghiệp từ Bắc tới Nam.
Trong những ngày sau Tết Nguyên đán, theo truyền thông trong nước, nhiều cuộc đình công liên tiếp xảy ra tại Công ty TNHH Phúc Mậu ở Thái Bình, Viet Glory ở Nghệ An và Vienergy ở Ninh Bình, đều sản xuất giày dép, Công ty TNHH Cresyn Hà Nội và TNHH EM-Tech Việt Nam ở Nghệ An, chuyên sản xuất sản phẩm và linh kiện điện tử, và Công ty Haivina Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh, chuyên sản xuất đồ thể thao.
Nguyên nhân, được các báo trích dẫn, là do người lao động yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại, bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc COVID-19, việc trả lương tháng thứ 13 chưa công bằng.
Gần đây nhất hôm 15/2, hàng nghìn công nhân công ty Em-Tech chi nhánh Nghệ An, do Hàn Quốc sở hữu và là nhà cung cấp loa điện thoại cho các đối tác như Samsung và LG, đã mặc đồng phục nhưng không làm việc mà ngồi tại sân trước nhà máy với mục đích đòi quyền lợi, theo Lao Động.
Trước đó, khoảng 5.000 công nhân công ty Viet Glory tại Diễn Châu của Nghệ An hôm 7/2 cũng đã ngừng việc tập thể đòi quyền lợi và sau đó được chủ doanh nghiệp giải quyền các yêu cầu. Toàn bộ các công nhân đình công đã đi làm trở lại, theo Lao Động. Công ty này sau đó đồng ý tăng trợ cấp hàng tháng cho công nhân từ 200,000 đồng lên 260.000 đồng, nhưng từ chối tăng lương cơ bản và trợ cấp thâm niên cho công nhân.
Một cuộc đình công lớn cũng xảy ra trong tuần này khi hơn 2.000 công nhân tại một nhà máy của hãng điện tử Hàn Quốc ở Bắc Ninh cùng ngừng việc để yêu cầu tăng lương và thưởng cho những ngày lễ sắp tới gồm 30/4 và 1/5, tức ngày Lao động Quốc tế. Theo Tiền Phong, các công nhân của Cresyn Hà Nội, được đặt tại cụm công nghiệp Đông Thọ ở Bắc Ninh, đã được tăng lương và trợ cấp sau một ngày đình công.
Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được Zing News trích dẫn, chỉ có hơn 60% doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động dịp cuối năm vừa qua, với mức thưởng bình quân bằng một tháng lương, tương đương 6,17 triệu đồng/người. Theo đó, thưởng Tết, tức tháng lương thứ 13, đã giảm hai năm liên tục do tác động của đại dịch, theo Zing News.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh được Thanh Niên trích lời cho biết rằng một số nguyên nhân khác dẫn đến các cuộc đình công của công nhân còn bao gồm mâu thuẫn do chủ sử dụng lao động không tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động, không minh bạch các chế độ của người lao động, và điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh.
Không chỉ riêng công nhân tại các doanh nghiệp, các y bác sỹ ở một số bệnh viện tại Việt Nam gần đây cũng đã biểu tình đòi quyền lợi. Hàng chục nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh vào tháng trước đã cùng xuống đường phản đối việc chậm trả lương trong 8 tháng liên tiếp.
Một chuyên gia trong lĩnh vực lao động, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nói với Dân Việt rằng “nhìn nhận từ góc độ tích cực thì việc đình công cũng là tín hiệu tốt cho thấy vai trò, sức mạnh của người lao động trong việc đòi hỏi thương thảo quyền lợi.” Theo bà Hương, điều này “góp phần cải thiện quan hệ lao động theo hướng tiến bộ, bình đẳng.”
Trước tình trạng nhiều cuộc đình công diễn ra trong thời gian gần đây, Tổng LĐLĐVN hôm 16/2 đã ra công văn hoả tốc gửi các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện không có công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi cho công nhân, trong khi Tổng LĐLĐVN, cơ quan được xem là đại diện cho công nhân trên toàn đất nước, thuộc sự quản lý của Đảng và chính phủ do đó vẫn nằm trong hệ thống chính trị của Việt Nam.
Trong các điều khoản thương thảo về Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) có các quy định về quyền lợi người lao động. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết gần đây khi nói chuyện với cộng đồng người Việt ở Nam California, việc Tổng thống Donald Trump khi lên nắm quyền rút Mỹ ra khỏi hiệp định này đồng nghĩa với việc xoá bỏ hiệp định về quyền lao động mà Việt Nam đã ký với Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Để tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được ký kết sau khi Mỹ rút lui, và Hiệp định Thương mại Tự do với liên minh châu Âu (EVFTA), chính phủ Việt Nam phải cam kết cho phép thành lập các công đoàn độc lập. Tuy nhiên cho đến nay chưa có một công đoàn độc lập nào được công bố ở Việt Nam.