Đường dẫn truy cập

Cử tri Anh bỏ phiếu rút khỏi EU, Thủ tướng Cameron sẽ từ nhiệm


Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rút ra khỏi EU ngày 24/6/2016.
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rút ra khỏi EU ngày 24/6/2016.

Nước Anh đã làm một quyết định lịch sử là rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu trong một cuộc trưng cầu dân ý châm ngòi cho những cảm xúc phẫn nộ về vấn đề di trú và chủ quyền, và khiến Thủ tướng David Cameron phải từ chức.

Nói chuyện với các nhà báo hôm thứ Sáu trước tư thất và văn phòng ở số 10 Phố Downing, Thủ tướng Cameron nói:

“Nhân dân Anh đã đưa ra một quyết định rõ ràng là chọn một con đường khác, và như thế tôi cho rằng đất nước cần có một ban lãnh đạo mới để đưa đất nước đi theo hướng này”.

Thủ tướng Cameron cho biết cuộc chuyển tiếp quyền lực sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.

Giới phân tích nói quyết định gây chấn động của cử tri Anh, rời khỏi Liên hiệp Âu Châu (EU), có nghĩa là ông Cameron đã mất nhiệm quyền. Người dẫn đầu chiến dịch vận động để nước Anh rút ra khỏi EU, cựu Thị trưởng London Boris Johnson, cũng thuộc đảng Bảo thủ của ông Cameron, được nhiều người cho là sẽ lên thay thế ông Cameron trong chức vụ thủ tướng.

Vào lúc tất cả các quận báo cáo kết quả vào sáng sớm 24/6, bên đòi “Rời EU” đã chiếm được 51,89% số phiếu. Tin này đã gây ra phản ứng tiêu cực trên các thị trường Á châu, khiến đồng bảng Anh rớt giá xuống mức thấp kỷ lục trong 3 thập niên.

Tỷ lệ cử tri đi bầu cao, tới 72%, mức cao nhất trong một cuộc bầu cử toàn quốc trong hơn 2 thập niên qua, bất chấp trời mưa như trút vào ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý. Sự kiện này phản ánh những cảm nghĩ mãnh liệt rằng cuộc tranh luận đã khơi ra tại một quốc gia nơi mà tỷ lệ di trú đã tăng gấp đôi trong 16 năm qua.

Quyết định dường như được mồi thêm lửa bởi những tình cảm chống các thế lực đương quyền, và cảm nghĩ rằng cơ chế lãnh đạo EU đã tước đi quá nhiều quyền kiểm soát ra khỏi tay của người công dân Anh bình thường.

Phát biểu trước những người ủng hộ ông ở Westminster hôm 24/6, ông Nigel Farage, một người vận động chống EU nói: “Hãy để ngày 23/6 đi vào lịch sử như ngày độc lập của chúng ta”.

Người dân theo dõi tin tức về cuộc trưng cầu dân ý tại London, Anh, ngày 22/6/2016.
Người dân theo dõi tin tức về cuộc trưng cầu dân ý tại London, Anh, ngày 22/6/2016.

Ông Farage là thủ lãnh của đảng Độc lập UK, có lập trường siết chặt những biện pháp hạn chế di trú. Ông nói nếu những dự báo kết quả bầu cử là đúng thì “đây sẽ là một thắng lợi cho những người thật, một thắng lợi cho những con người bình thường, tử tế”.

Quyết định rút ra khỏi EU mở ra một giai đoạn bất định mới cho nước Anh, giờ sẽ phải xây dựng các quan hệ thương mại với lục địa châu Âu, và khởi sự tiến trình gỡ bỏ những mối liên hệ với khối EU gồm 28 nước, lật ngược một tiến trình đã khởi sự hơn 4 thập niên về trước, khi nước Anh gia nhập vào khối lúc đó mang tên ‘Cộng đồng Kinh tế châu Âu’.

Những người ăn mừng quyết định rời bỏ EU bên ngoài số 10 đường Downing vào sáng sớm 24/6, trong khi những chiếc xe chạy qua bóp còi để ủng hộ quyết định này.

Giới phân tích nói việc tách khỏi EU sẽ cần ít nhất 2 năm hay nhiều hơn mới hoàn tất.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo những hạn chế di trú mới do kết quả bầu cử rút ra khỏi EU có thể buộc họ phải chuyển hàng ngàn công việc làm ăn sang những nước còn là thành viên EU.

Cử tri Anh rốt cuộc dường như chọn những rủi ro của giải pháp độc lập thay vì điều mà nhiều ủng hộ viên của chiến dịch vận động rời EU coi là cánh tay quá dài của một guồng máy lãnh đạo EU phản dân chủ, dường như ngày càng lớn hơn và can thiệp sâu hơn vào chuyện nội bộ ở nước họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG