Đường dẫn truy cập

Cuộc đột kích của Nga ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ thử thách quyết tâm của ông Erdogan


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Cuộc đột kích của Nga vào một con tàu ngay ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa cuộc chiến Ukraine đến gần một biên giới nữa của NATO và làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng khi Ankara tìm cách thuyết phục Moscow quay trở lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc nhằm khôi phục lại sự bình lặng cho Biển Đen.

Các binh sĩ thủy quân lục chiến có vũ trang của Nga đã đột kích con tàu đăng ký tại Thổ Nhĩ Kỳ bằng máy bay trực thăng vào ngày 13/8, cách bờ biển phía tây bắc của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 60 km, trong vùng biển quốc tế nhưng gần Istanbul. Moscow nói họ kiểm tra con tàu trước khi nó lên đường đến Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước có quân đội lớn thứ hai trong NATO, đã không đưa ra bình luận công khai nào về vụ việc xảy ra ở phía nam của cuộc chiến đã diễn ra trong một năm rưỡi ở phía bắc Biển Đen.

Các nhà phân tích cho biết điều này thử thách quyết tâm của Tổng thống Tayyip Erdogan trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ông đã mời tới Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng này để thảo luận về việc nối lại thỏa thuận do Liên hiệp quốc làm trung gian nhằm bảo đảm xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Ông Yoruk Isik, một nhà phân tích địa chính trị tại công ty tư vấn Bosphorus Observer, nói: “Kiểu gây hấn này được thực hiện gần Istanbul đã không được kiểm soát và không tôn trọng các quyền chung của Thổ Nhĩ Kỳ”.

“Sự im lặng của Ankara là kỳ lạ nhưng cho thấy họ vẫn trông đợi vào việc ông Putin đến thăm và quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc.”

Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận vào tháng trước, cả Nga và Ukraine đã đưa ra cảnh báo và thực hiện các cuộc tấn công vào các tàu bè ngoài khơi bờ biển của họ, làm dấy lên lo ngại rằng vận chuyển thương mại có thể trở nên rủi ro hơn trên toàn bộ vùng biển.

Trong khi Ukraine và một số quốc gia phương Tây khác thúc đẩy các tuyến đường thay thế cho hàng xuất khẩu của Ukraine, thì Ankara, quốc gia cũng có quan hệ tốt với Kiev, lại lặng lẽ phản đối vì lý do an toàn. Thổ Nhĩ Kỳ muốn phương Tây chấp nhận một số yêu cầu của Nga và yêu cầu Nga nhượng bội những yêu sách khác, để khởi động lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine dưới sự giám sát của Liên hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 16/8, Nga đã tấn công thêm các cơ sở cảng của Ukraine ngay cả khi Kiev thông báo rằng một tàu container đã rời Odesa theo “hành lang nhân đạo” của chính họ, một trong những lựa chọn thay thế.

Bà Rebeca Grynspan, Tổng thư ký Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển, ngày 16/8 nói rằng họ đang liên hệ với tất cả các bên để quay lại bàn đàm phán mặc dù điều đó “khó khăn” một phần do vụ bắn phá cơ sở hạ tầng ngũ cốc gần đây.

Cân bằng tốt

Biển Đen và eo biển Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường chính mà Ukraine và Nga - hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới - sử dụng để tiếp cận thị trường thế giới.

Kể từ khi thỏa thuận ngũ cốc kéo dài một năm sụp đổ, làm tăng giá hàng hóa toàn cầu và khiến Liên hiệp quốc lo ngại về nạn đói trên thế giới, Nga và Ukraine cho biết họ sẽ coi các tàu tiếp cận cảng của nhau là có thể là tàu quân sự.

Ông Aydin Sezer, cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và nhà phân tích chính sách đối ngoại có trụ sở tại Ankara, cho biết việc Nga kiểm tra tàu Sukru Okan treo cờ Palau về mặt kỹ thuật diễn ra trong vùng chiến sự, vì các cảnh báo của Moscow và Kiev về tàu bè.

Do Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi máy bay không người lái có vũ trang và các vũ khí khác tới Ukraine đồng thời tuyên bố trung lập trong cuộc chiến, “rất khó để Thổ Nhĩ Kỳ tìm được tiếng nói của mình về vấn đề này”, ông nói.

Thổ Nhĩ Kỳ đã định vị mình để tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào giữa Ukraine và Nga. Ankara đã phản đối cuộc xâm lược của Nga cũng như các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, và tăng cường hợp tác kinh tế với Nga trong chiến tranh.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu giấu tên, cho biết Ankara đang xem xét cuộc đột kích ở Biển Đen nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, con tàu đã đi đến vùng biển Romania.

Nga chưa bình luận về chuyến thăm tiềm năng của ông Putin, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần thúc đẩy nó, kể cả trong cuộc điện thoại của hai nhà lãnh đạo vào ngày 2/8.

Nga cho biết sẽ quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc một khi phương Tây hoàn thành các nghĩa vụ nhằm đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của mình suôn sẻ, bao gồm cả các khoản thanh toán và hậu cần.

Ông Sezer cho biết hai yêu cầu chính của họ là đưa một ngân hàng Nga vào hệ thống thanh toán SWIFT toàn cầu và cho phép ngân hàng này nhập khẩu hàng hóa liên quan đến nông nghiệp.

“Vì vậy, ông Erdogan nên đàm phán và cố gắng thuyết phục các nước phương Tây, chứ không phải ông Putin, để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc”, ông nói.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG