Các quan chức Afghanistan và đặc sứ Mỹ Zalmay Khalilzad có những cuộc “trao đổi căng thẳng” ở Kabul trong vài ngày qua, sau khi nhà ngoại giao Mỹ thông báo vắn tắt với Tổng thống Ashraf Ghani và các cố vấn của ông về thỏa thuận đề xuất với Taliban, một nhà ngoại giao nước ngoài và hai cựu quan chức Hoa Kỳ cho hay.
Chính phủ của ông Ghani phản ứng "xấu" về buổi báo cáo ngắn đó và phần thảo luận có đầy "những lời tranh cãi dữ dội", một nhà ngoại giao nước ngoài nắm về cuộc đàm thoại cho biết.
Đề xuất thỏa thuận "trên nguyên tắc" với Taliban sẽ bao gồm việc Mỹ rút quân theo từng giai đoạn, đổi lại, Taliban đồng ý tham gia các cuộc hòa đàm với chính phủ Afghanistan và cam kết không để các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của họ bị al Qaeda, Nhà nước Hồi giáo hoặc các nhóm khủng bố khác sử dụng làm bàn đạp tấn công.
Trong tuần này, ông Khalilzad cho biết nếu thỏa thuận được Tổng thống Trump chấp thuận, ban đầu, Hoa Kỳ sẽ rút khoảng 5.000 quân trong vòng 135 ngày.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Năm 5/9 là ông Khalilzad đã bay tới thủ đô Qatari của Doha, nơi ông đàm thoại với Taliban trước đây.
Chính phủ Afghanistan lâu nay vẫn cảnh giác về các cuộc đàm phán Mỹ-Taliban và họ không bao giờ được mời tham gia. Họ lo ngại rằng quân đội Mỹ có thể rút đi trước khi chắc chắn có một hiệp định hòa bình được thực thi, và Washington có thể đã nhượng bộ quá nhiều trước đối thủ của họ, các nhà ngoại giao nước ngoài và các quan chức Afghanistan cho biết.
Nếu thỏa thuận với Taliban có hiệu lực, Taliban và chính phủ Afghanistan sẽ bắt đầu các cuộc hòa đàm ở Oslo vào cuối tháng này.
Chính quyền của Tổng thống Trump chỉ đưa ra một vài chi tiết về các cuộc đàm phán với Taliban và hiếm khi giải thích công khai về cách tiếp cận của họ.
Hiện tại có khoảng 14.000 quân nhân Mỹ ở Afghanistan, cố vấn cho các lực lượng Afghanistan và thực hiện các hoạt động chống khủng bố nhằm vào phiến quân al Qaeda và ISIS.
(NBC, CNN)