Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh tuyên truyền thất bại tại Đài Loan


Người ủng hộ bà Thái Anh Văn vui mừng trước chiến thắng trong bầu cử hôm 11 tháng Giêng, 2020.
Người ủng hộ bà Thái Anh Văn vui mừng trước chiến thắng trong bầu cử hôm 11 tháng Giêng, 2020.

Cuộc bầu cử tại Đài Loan kỳ này, theo Wu Jieh-min, nhà xã hội học tại Academia Sinica ở Đài Bắc, thì nó là cuộc bầu cử chủ yếu về Trung Quốc. Viết trên The New York Times ngày 10 tháng 1, trước ngày bầu cử, những phân tích của ông Wu dựa trên các khảo cứu khá xác thực. Cùng với nhà kinh tế học Liao Mei, ông Wu phân tích các dữ kiện thu thập từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2019. Theo dữ kiện có được, 73 phần trăm người tham gia cuộc khảo cứu cho rằng họ không muốn Đài Loan “thống nhất với Trung Quốc đại lục ngay cả khi nước này đạt cùng trình độ phát triển kinh tế và chính trị như Đài Loan”. Trong số tuổi 20 đến 34, tỷ lệ này cao đến 93 phần trăm. Và khi được hỏi quyền lợi kinh tế và an ninh quốc gia cái nào quan trọng hơn đối với quan hệ với bên đại lục, 62 phần trăm chọn an ninh quốc gia, 32 chọn quyền lợi kinh tế, còn lại chọn cả hai.

Ngày hôm sau 11 tháng 1, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử với chiến thắng áp đảo, đánh bại đối thủ của bà Hàn Quốc Du với hơn 2,6 triệu lá phiếu. Nó cho thấy rõ lập trường của đại đa số người dân Đài Loan về Bắc Kinh hiện nay. Trước đó, bà Thái đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình về chủ trương thống nhất và chấp nhận “một quốc gia, hai thể chế”. Ngoại trừ nền kinh tế mạnh giúp bà Thái chiến thắng, chính lập trường mạnh mẽ của bà Thái đối với Bắc Kinh đã được các cử tri Đài Loan tin tưởng mạnh mẽ rằng bà có khả năng lãnh đạo quốc gia này trước mối đe dọa bởi chế độ cường quyền Trung Quốc.

Nhưng điều đáng nói nhất ở đây, là Bắc Kinh đã thất bại nặng nề mặc dầu họ đã dồn nhiều nỗ lực và nguồn lực tuyên truyền để tung hỏa mù, để phao các thông tin thất thiệt, mà chủ yếu là gây thiệt hại cho phía bà Thái Văn Anh trong thời gian qua.

Theo Rush Doshi, Giám đốc Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc của Viện Brookings, với bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs ngày 9 tháng 1 vừa qua, thì cuộc vận động của Trung Quốc nhiều hơn việc đơn thuần truyền bá tin giả. Nó nên được hiểu là hoạt động ảnh hưởng bằng thông tin, một nỗ lực toàn diện để kiểm soát từng bước đi của các chuỗi cung cấp thông tin. Đối tượng là từ những người làm ra nội dung (nhà báo hay nghiên cứu) đến các định chế phát hành và thẩm định nó (cơ quan truyền hình và dịch vụ bằng dây/wire service), và cuối cùng đến các phương tiện mà thường cung cấp mối liên kết sau cùng tới người tiêu dùng (các trang truyền thông xã hội và cơ sở hạ tầng truyền hình kỹ thuật số). Trong thế kỷ qua, Trung Quốc đã xác định tư thế vào từng điểm trong chuỗi cung ứng thông tin này.

Doshi cũng biện luận: “Các tài liệu tuyên truyền của Trung Quốc quá rõ ràng: thông tin là một chiến trường vì quyền lực, không phải là phương tiện cho sự thật, tính trung lập hay tính khách quan. Bài viết của các nhân vật hàng đầu trong Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản tiết lộ một niềm tin rằng ‘cuộc cạnh tranh về tin tức và dư luận là. . . một cuộc tranh đấu về sức mạnh diễn ngôn’, hoặc khả năng để định hình dư luận từ trên xuống cho mục đích chính trị. Đó chính xác là những gì Trung Quốc đang tìm cách làm ở Đài Loan.”

Doshi liệt kê ra bao nhiêu nỗ lực mà Bắc Kinh muốn ảnh hưởng lên cuộc bầu cử vừa qua, và cảnh cáo các nước khác, kể cả Hoa Kỳ, về những mối rủi ro to lớn đối với trách nhiệm giải trình của các nền dân chủ trên thế giới.

Vào tháng Ba năm 2019, chính Ngoại trưởng Đài Loan ông Jospeh Wu đã nói với một cử tọa tại Hội đồng Vấn đề Thế giới tại Los Angeles rằng: “Chúng tôi cảm thấy gánh nặng của chiến dịch tăng cường của Trung Quốc nhằm lật đổ nền dân chủ Đài Loan hàng ngày, thông qua đe dọa quân sự, ép buộc kinh tế, tấn công ngoại giao, thông tin xuyên tạc, và lật đổ chính trị, tìm cách phá hoại chính phủ được bầu của chúng tôi và can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi.” Những gì ông Wu nói không sai sự thật bao nhiêu.

Một báo cáo từ Đại học Gothenburg của Thụy Điển cho biết: Đài Loan phải chịu nhiều thông tin từ Bắc Kinh và các chính phủ khác hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Các chiến dịch này sử dụng các câu chuyện dùng tin tức giả, dùng máy/bots và các tài khoản truyền thông xã hội giả mạo, và tuyên truyền, trong số các chiến thuật khác, để thao túng và lừa dối người nhận thông tin.

Chủ trương truyên truyền và đưa thông tin sai lệch nhằm gây hại cho đối phương mọi nơi là sở trường của các chế độ chế độ cường quyền. Được biết Trung Quốc đã tung ra hàng chục triệu cuộc tấn công mạng mỗi tháng tại Đài Loan. Nhưng trong cuộc bầu cử Đài Loan kỳ này, Bắc Kinh thất bại hoàn toàn. Một phần nào đó, các cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Hồng Kông hơn 7 tháng qua đã làm tổn thương hình ảnh của Bắc Kinh tại Đài Loan. Hơn nữa, hàng trăm ngàn người Đài Loan đã từng phản đối sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho các cơ quan truyền thông tại Đài Loan.

Tóm lại, những người dân sống trong các xã hội dân chủ và rộng mở, và được tiếp cận với thông tin đa chiều, sẽ khó bị lường gạt bởi thông tin không thật hay xuyên tạc, nhất là khi người ta bây giờ biết rằng nó đến từ Bắc Kinh hay tay chân của chúng ở khắp nơi.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG