Đảng cầm quyền sắp tới của Đài Loan ra chỉ dấu là sẽ nghiêm khắc hơn đối với gián điệp của Trung Quốc vào lúc các mối quan hệ xuyên eo biển trở nên xấu đi và sự tiếp xúc ngày càng tăng giữa hai bên làm cho những hoạt động gián điệp dễ dàng hơn.
Chính phủ thuộc Đảng Dân Tiến của Tổng thống đắc cử Thái Anh Văn dự định tăng ngân sách quân sự và các chuyên gia nói chính phủ này có thể lập thêm một đơn vị chống gián điệp trên mạng vào Bộ Quốc phòng. Quốc hội cũng do Đảng Dân Tiến kiểm soát dự trù thông qua một đạo luật vào cuối năm nay cắt tiền hưu đối với những giới chức quân đội về hưu làm gián điệp cho Trung Quốc.
Các nhà phân tích nói những trường hợp gián điệp làm Đài Loan lúng túng trong tháng 11 năm ngoái và trong tuần này, có khuynh hướng gia tăng vì Trung Quốc sẽ thiếu những kênh hợp pháp để hiểu chính phủ mới tại Đài Loan sau ngày 20 tháng 5 tới khi bà Thái nhậm chức. Bà và Bắc Kinh không đồng ý về những diều kiện để vẫn giữ những cuộc đối thoại thân hữu hai bên đã thực hiện kể từ năm 2008 dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu.
Ông William Sharp một học giả thỉnh giảng tại Học viện Sinica ở Đài Bắc và là một tác giả nghiên cứu về gián điệp mới đây nói là Đảng Dân Tiến đặc biệt lo ngại về những hoạt động gián điệp của Trung Quốc.
“Tôi chắc chắn là hoạt động gián điệp này sẽ được tăng cường. Hoa lục sẽ không ngưng việc này. Người Trung Quốc rất tinh khôn và họ sẽ có những ý kiến rất quỷ quyệt.”
Trung Quốc và Đài Loan được cai trị riêng biệt kể từ cuộc nội chiến Trung Quốc vào những năm 1940. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan và cương quyết là cuối cùng hai bên sẽ thống nhất. Trung Quốc cũng đòi hỏi là hai bên tự xem như là một phần của một nước Trung Hoa duy nhất trước khi có bất cứ những cuộc thảo luận nào. Tuy nhiên bà Thái thích Đài Loan củng cố sự tự trị hơn là tiến dần về phía Trung Quốc.
Ông Sharp nói trong 6 năm qua, dù có những liên hệ thân hữu với Trung Quốc, Đài Loan đã phát hiện được ít nhất 33 trường hợp liên hệ đến các công dân đảo quốc này bán những tin tức nhạy cảm liên hệ đến quốc phòng.
Những trường hợp gián điệp này được đưa ra ánh sáng vào tháng 11 năm ngoái khi Đài Loan cho biết Trung Quốc trả lại hai cựu đại tá thuộc Cơ quan Tình báo Quân đội của Đài Loan. Những người này bị bắt vào năm 2006 vì những hoạt động gián điệp. Cùng thời điểm này, Đài Loan trả lại ông Lý Chí Hào mà truyền thông Đài Loan gọi là “Đặc vụ áo đen” của Trung Quốc. Ông bị Đài Loan kết án tù chung thân.
Việc trao trả những người này diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh đầu tiên chưa từng có trước đây giữa người đứng dầu hai nước.
Ngày hôm qua, Tòa Phúc thẩm Đài Loan giữ nguyên bản án 4 năm tù đối với ông Trấn Tiểu Giang, cựu đại úy Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Truyền thông địa phương cho biết ông này đến Đài Loan trong tư cách du lịch và sau đó truyển mộ những giới chức quân đội về hưu làm gián điệp.
Việc ký kết 23 thỏa thuận quá cảnh, mậu dịch và đầu tư với Trung Quốc dưới chính phủ hiện hành cũng đã tăng cường những cuộc tiếp xúc, mở rộng số người Trung Quốc có thể lựa chọn để mua hay bán các bí mật. Các khách du lịch Trung Quốc đã viếng thăm Đài Loan 3,4 triệu lần trong năm qua.
Giáo sư Hoàng Giới Chính, nghiên cứu về chiến lược tại trường đại học Tamkang ở Đài Loan nói:
“Thật khó cho các cơ quan phản gián theo dõi mỗi đầu mối nghi ngờ và nỗ lực khám phá ra các sự việc. Chúng ta có nguồn nhân lực giới hạn và số lượng các du khách cũng gia tăng.”
Một số người lo ngại là dưới chính phủ mới, Bắc Kinh sẽ nhắm vào những người thuộc Quốc Dân Đảng mất chức vì họ có những tin tức cập nhật về những hoạt động của quân đội.
Bà Thái nói bà sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng từ 2,2% đến 3% Tổng Sản lượng Quốc gia GDP của Đài Loan, khoảng 532 tỉ đô la trong năm nay. Một khoản tiền trong ngân sách này có thể dùng để thành lập một đơn vị chống gián điệp trên mạng. Gián điệp trên mạng có thể là một bộ phận mới trong những nỗ lực của Trung Quốc.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đầu năm nay nói Trung Quốc đã dùng gián điệp trên mạng chống lại Hoa Kỳ.
Giáo sư Hoàng nói chính phủ mới của Đài Loan sẽ tăng cường các biện pháp ngăn ngừa gián điệp trên mạng. Ông cho biết thêm là những tài liệu thuộc đảng của bà Thái cho thấy những kế hoạch thành lập một “bộ chỉ huy trên mạng”trực thuộc bộ quốc phòng.
Hơn 20 nhà lập pháp thuộc đảng của bà Thái cũng đang thúc đẩy việc ban hành một đạo luật cắt tiền hưu trí đối với những giới chức quân đội về hưu bị kết án làm gian điệp cho Trung Quốc.
Ông Chiêm Thủ Trung, quản lý văn phòng bảo trợ dự luật của nhà lập pháp Trịnh Vân Bằng thuộc đảng cầm quyền cho biết luật này hy vọng sẽ được thông qua vào cuối năm nay. Ông nói các nhà lập pháp lo ngại các trường hợp gián điệp sẽ gia tăng sau khi bà Thái nhậm chức nhưng họ thấy rằng các luật lệ hiện hành quá nhẹ để có thể làm nãn lòng các gián điệp.
Ông Chiêm nói các giới chức quân đội về hưu được xem như dễ trở thành gián điệp vì họ tiếp cận được những bí mật khi còn đang tại chức.
Nhà lập pháp thuộc Đảng Dân Tiến La Chí Chính nói:
“Việc xâm nhập của Trung Quốc vào Đài Loan trở nên càng ngày càng mạnh mẽ hơn và đôi khi rất mạnh mẽ, đặc biệt vào các cơ sở quân đội tại Đài Loan, nên chúng ta cần phải có một cơ chế để ngăn chận những hoạt động gián điệp này. Trong quá khứ, các tướng lãnh hồi hưu hay các nhân viên quân sự về hưu, ngay cả khi bị tù về tội gián điệp, vẫn còn được hưởng hưu bổng.”