Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, bày tỏ ủng hộ việc cần có một cấu trúc ở châu Á-Thái Bình Dương để duy trì hòa bình lâu dài ở khu vực.
Quan điểm của Đại sứ Vinh được đưa ra tại buổi công bố báo cáo mang tên “Bảo tồn hòa bình lâu dài ở châu Á”, diễn ra hôm 2/10 ở Washington.
Bản báo cáo, do một ủy ban độc lập thuộc Viện Chính sách Hội châu Á đặt ở Mỹ viết, nêu lên nhận định “không thể mặc nhiên cho rằng nền hòa bình ‘lâu dài’ của châu Á sẽ kéo dài vô hạn”.
Báo cáo này được đưa ra rất đúng thời điểm, nhất là xét đến việc các hội nghị thượng đỉnh Đông Á và ASEAN sẽ diễn ra vào tháng 11 sắp tới ... Tôi nghĩ các nước khu vực cần xem kỹ báo cáo này và cùng suy nghĩ để tìm ra cách thức tốt hơnĐại sứ Phạm Quang Vinh
Sau 1 năm rưỡi nghiên cứu, thảo luận, ủy ban do cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đứng đầu, nói hiện nay hơn bao giờ hết là lúc các nước “phải phân tích các cơ chế có thể giúp ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tương lai xuất hiện và chuẩn bị để đương đầu với các mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược”.
Báo cáo của ủy ban chỉ ra rằng môi trường an ninh của châu Á-Thái Bình Dương đang vật lộn với 4 thách thức lớn.
Thứ nhất, những biến đổi chính trị và kinh tế nhanh chóng làm thay đổi bức tranh chiến lược trong khu vực. Các yếu tố gây ra các biển đổi này là tiến bộ về công nghệ, sự dịch chuyển nhân khẩu học ở nhiều nước, các vấn đề khủng bố trên mạng, tư tưởng cực đoan, thiên tai và di cư quốc tế.
Thách thức lớn thứ hai là sự cạnh tranh chiến lược, nhất là hệ quả từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động sâu xa đến cấu trúc an ninh trên bình diện rộng. Những khác biệt địa chính trị giữa hai nước gây ra những chia rẽ, rạn nứt trong khu vực.
“Thâm hụt lòng tin” giữa các nước trong khu vực dẫn đến tình trạng mong manh, đó là thách thức đáng kể thứ ba, theo bản báo cáo. Nguyên nhân của điều này là sự thù ghét do lịch sử để lại và những tranh chấp lãnh thổ. Tình trạng thâm hụt lòng tin làm tăng nguy cơ bất ổn hoặc xung đột ở châu Á.
Không kém phần quan trọng, thách thức thứ tư là quản lý tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng và những tác động sâu xa của việc phổ biến các công nghệ quân sự tiến tiến hoặc các công nghệ lưỡng dụng.
Trong một số năm qua, tốc độ hiện đại hóa quân sự ở châu Á đã diễn ra chóng mặt. Tính toán của Viện Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy từ 2004 đến 2013, nhập khẩu vũ khí ở châu Á đã tăng 34%.
Riêng Việt Nam, chi tiêu quân sự năm 2016 là xấp xỉ 5 tỉ đôla, cao hơn gấp đôi so với mức trên 2 tỉ đôla ở thời điểm 10 năm trước. Tuy nhiên, con số của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với Singapore, Indonesia và Thái Lan.
Việc quân sự hóa ngày càng tăng trên biển, đặc biệt là ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như ở Bán đảo Triều Tiên càng làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra khủng hoảng khu vực.
Các thách thức này đòi hỏi phải có cải cách để có một cấu trúc an ninh khu vực hiệu quả hơn, theo báo cáo.
Trong phần thảo luận ngay sau khi báo cáo được công bố, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, nói ông đồng ý rằng “chúng ta cần một cấu trúc khu vực”:
“Báo cáo này được đưa ra rất đúng thời điểm, nhất là xét đến việc các hội nghị thượng đỉnh Đông Á và ASEAN sẽ diễn ra vào tháng 11 sắp tới. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dự các hội nghị này. Tôi cho rằng chúng ta cần phát huy những kết quả mà ASEAN đã đạt được, kể cả việc xây dựng cấu trúc khu vực, các chuẩn mực khu vực, các cơ chế để có sự tham gia của tất cả các cường quốc. Tôi nghĩ các nước khu vực cần xem kỹ báo cáo này và cùng suy nghĩ để tìm ra cách thức tốt hơn”.
Tại buổi công bố và thảo luận về bản báo cáo, trong số khoảng 40 khách mời bao gồm các nhà ngoại giao của hơn 15 nước, có tới 6 nhà ngoại giao Việt Nam.
Ông Kevin Rudd, hiện là Chủ tịch Viện Chính sách Hội châu Á, cho biết Đại sứ Vinh được mời làm một trong ba diễn giả chính tham gia thảo luận vì Việt Nam có vai trò trung tâm cả trong quá khứ lẫn tương lai của khu vực.
Nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu John Negroponte, từng là thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nói với VOA ông không nghĩ rằng đại sứ Việt Nam được mời làm diễn giả vì Việt Nam dễ bị tổn thương hay gặp nhiều nguy cơ an ninh ở khu vực:
“Đại diện của Việt Nam được mời vì ông ấy tham gia vào việc soạn bản báo cáo. Tôi nghĩ các yếu tố, trong đó có quan hệ ngày càng tăng giữa Việt Nam với Mỹ và việc Việt Nam là thành viên ASEAN, một điều tích cực, đều cho thấy có sự ổn định nhiều hơn và một tương lai sáng lạn hơn cho người dân Việt Nam”.
Nêu ra tầm nhìn về cách tốt nhất để các nước châu Á-Thái Bình Dương xây dựng một cấu trúc an ninh vững mạnh hơn, báo cáo do ông Rudd đứng đầu lập luận rằng tăng cường diễn đàn EAS có thể là một trong những bước đi quan trọng và thực tế nhất mà các nước có thể thực hiện.
EAS - Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á - gồm ASEAN, trong đó có Việt Nam, cùng với các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Để có hoặc để xây dựng một cấu trúc khu vực, chúng ta cần can dự với không chỉ các nước ASEAN mà còn với tất cả các đối tác chủ chốt. Ban Thư ký ASEAN cần được tăng cường. Bộ phận của Ban Thư ký phục vụ cho EAS [Thượng đỉnh Đông Á] cũng cần được tăng cường. Tôi nghĩ điều đó trong những năm tới có thể là cách khả thi nhất.Đại sứ Phạm Quang Vinh
Báo cáo cho rằng các thành viên EAS cũng có thể tiến hành các bước ban đầu để EAS có vai trò thiết thực hơn, làm cho diễn đàn này có thể tham gia một cách có ý nghĩa hơn vào hoạt động ngoại giao phòng ngừa, thiết lập các thủ tục quản lý khủng hoảng và xác định các cơ chế xây dựng lòng tin.
Đại sứ Việt Nam nói việc xây dựng một định chế mới ở châu Á là một “tiến trình phát triển dần”. Ông khẳng định hiện nay là lúc các nước, đặc biệt là ASEAN, phải chủ động can dự với các cường quốc chủ chốt, trong đó có Mỹ:
“Để có hoặc để xây dựng một cấu trúc khu vực, chúng ta cần can dự với không chỉ các nước ASEAN mà còn với tất cả các đối tác chủ chốt. Ban Thư ký ASEAN cần được tăng cường. Bộ phận của Ban Thư ký phục vụ cho EAS [Thượng đỉnh Đông Á] cũng cần được tăng cường. Tôi nghĩ điều đó trong những năm tới có thể là cách khả thi nhất mà chúng tôi nghĩ sẽ tăng cường cho cấu trúc khu vực nói chung và EAS nói riêng”.
Về dài hạn, báo cáo của Viện Chính sách Hội châu Á nói các nước có thể thực hiện các nỗ lực để cải cách EAS thành một tổ chức có tính chính thức hơn. Việc này sẽ bao gồm tiến trình soản thảo và thông qua các quy định vận hành của định chế này. Báo cáo đề xuất rằng một trong những việc quan trọng nhất trong cấu trúc EAS chính thức là lập các cơ chế ngăn ngừa khủng hoảng và giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.
Báo cáo nhấn mạnh việc tăng cường cấu trúc an ninh khu vực châu Á là cần thiết và cần bắt đầu ngay bây giờ. Báo cáo cũng nhận định rằng các nước có thể cùng nhau bắt đầu phát triển các cơ chế cần thiết mà sẽ ngăn ngừa khủng hoảng và tạo ra một trật tự an ninh vững chắc hơn có thể bảo tồn hòa bình và thịnh vượng của khu vực cho các thế hệ tương lai.