Lãnh đạo 12 nước bao gồm Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoan nghênh những tiến bộ đáng kể đạt được trong quá trình thương thảo mấy tháng gần đây.
Trong thông cáo chung hôm 10/11 cho biết lãnh đạo của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, và Việt Nam nhấn mạnh các tiến bộ này là bước đẩy đưa các cuộc thương lượng về TPP tới chung quyết.
Thông cáo bày tỏ niềm khích lệ trước việc đại diện đàm phán của các bên đã thu hẹp được những khoảng cách còn lại liên quan đến văn bản luật của thỏa thuận và nỗ lực hoàn tất các gói thỏa thuận mang tính cân bằng và đầy tham vọng để mở cửa thị trường qua lại.
Thông cáo nói với trọng tâm tập trung vào việc hoàn tất TPP, lãnh đạo các nước tham gia đã chỉ thị cho các thương thuyết gia của mình đặt mục tiêu chung quyết thỏa thuận này lên ưu tiên hàng đầu để người lao động, doanh nghiệp, và giới tiêu thụ ở các nước có thể bắt đầu thu hoạch những lợi ích quan trọng của Hiệp định TPP càng sớm càng tốt.
Lãnh đạo các nước khẳng định cam kết bảo đảm rằng thỏa thuận sau cùng sẽ phản ánh cái nhìn chung của các bên về một hiệp ước toàn diện, cân bằng, chất lượng giúp tăng cường tính cạnh tranh của các nền kinh tế, cổ xúy doanh nghiệp và phát huy tính sáng tạo nhằm tăng trưởng kinh tế phồn thịnh cũng như tạo ra công ăn việc làm cho người dân các nước tham gia.
Lãnh đạo 12 nước thành viên đàm phán TPP nói họ quyết tâm bảo đảm rằng lợi ích của thỏa thuận sẽ phục vụ cho việc phát triển bền vững-sâu rộng, cân nhắc tới mức độ phát triển đa dạng của các nước.
Các nước thương lượng cũng bày tỏ cam kết với một cơ cấu TPP có thể bao gồm những đối tác nào trong khu vực sẵn sàng chấp thuận các tiêu chuẩn cao của TPP.
Thông cáo chung của các đối tác tham gia TPP nêu rõ mục tiêu trong suốt quá trình thương thảo đều nhắm tới những hiệu quả có thể mang lại lợi ích to lớn nhất có thể cho mỗi bên.
Lãnh đạo các nước kêu gọi tiếp tục nỗ lực để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong quá trình đàm phán.
Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều bày tỏ hy vọng chung quyết TPP trước cuối năm nay, nhưng giới quan sát cho rằng các cuộc đàm phán có nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm sau.
Trở ngại chính cho Việt Nam đối với cơ hội gia nhập TPP vẫn xoay quanh thành tích nhân quyền bị quốc tế xem là đáng quan ngại.
Hà Nội đang đối mặt với những lời kêu gọi từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ và giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới yêu cầu không cho Việt Nam làm thành viên TPP chừng nào nhân quyền trong nước chưa được cải thiện một cách đáng kể và cụ thể như phóng thích tù nhân lương tâm hay sửa đổi các điều luật dùng để bỏ tù những tiếng nói bất đồng quan điểm với nhà nước và trấn áp các quyền tự do cơ bản của công dân trong đó có quyền thành lập công đoàn độc lập.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách về dân chủ-nhân quyền-lao động tuyên bố Việt Nam có thể trở thành thành viên của Hiệp ước Đối tác TPP do Hoa Kỳ dẫn đầu nếu Hà Nội nghiêm túc cải thiện nhân quyền.
Trả lời VOA Việt ngữ, Trợ lý Ngoại trưởng Tom Malinowski nhấn mạnh:
“Tôi nghĩ Việt Nam có cơ hội trở thành một thành viên của TPP nếu các cuộc thương lượng thành công và nếu như họ đáp ứng đề nghị mà đại diện đàm phán thương mại của chúng tôi đã đưa ra để nỗ lực nghiêm túc trong lĩnh vực quyền tự do lập hội. Nếu đạt được điều đó thì có cơ hội được Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận TPP. Trong Quốc hội Hoa Kỳ có rất nhiều quan ngại về việc có nên để cho Việt Nam gia nhập TPP hay không mà lý do là vì thành tích nhân quyền của Hà Nội. Chúng tôi đang trông đợi các cuộc đàm phán TPP đưa ra được những dấu hiệu tích cực từ Hà Nội để chúng tôi có thể nói với bên lập pháp Hoa Kỳ rằng Việt Nam thật sự quyết tâm đạt tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền. Một vấn đề đang nằm trên bàn thương thuyết là quyền của người lao động vì đó là một phần trong khuôn khổ của thỏa thuận TPP.”
Một kinh tế gia hàng đầu tại Việt Nam từng là cố vấn cho 2 đời Thủ tướng trong một lần trao đổi trước với VOA Việt ngữ nhận định vấn đề nhân quyền, trở ngại lớn nhất của Hà Nội trong nỗ lực gia nhập TPP, khó được giải tỏa.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:
“Có các điều kiện rất khó khăn đối với Việt Nam là quyền tự do thành lập công đoàn. Tôi chưa thấy có dấu hiệu gì Việt Nam nhượng bộ về việc này. Từ trước tới nay, Việt Nam không muốn thay đổi về nội dung này.”
Cố vấn kinh tế Lê Đăng Doanh đề nghị:
“Theo tôi là rất nên tiến tới có một lộ trình hợp lý để đi đến có quyền thành lập các công đoàn và có các tổ chức công đoàn cạnh tranh với nhau. Có như vậy sẽ giúp bảo vệ các lợi ích hợp pháp cần thiết của người lao động. Nhưng đối với Việt Nam, nên có một lộ trình nhất định để Việt Nam có thời gian thích nghi với các chuyển biến như vậy.”
Các áp lực về nhân quyền Việt Nam đặc biệt trỗi dậy mạnh mẽ mỗi khi Hà Nội sắp bước vào các sân chơi quốc tế như đã từng thấy trong quá khứ khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hay Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Chính phủ Việt Nam khẳng định tuy còn những điều cần khắc phục, nhưng nhân quyền trong nước luôn được tôn trọng.
Hà Nội thừa nhận có nhiều cách biệt trong quan điểm về nhân quyền giữa hai nước Việt-Mỹ và các cuộc đối thoại nhân quyền là cơ hội để thu hẹp các cách biệt đó.
Tuy nhiên, giới bảo vệ nhân quyền quốc tế khẳng định nhân quyền là các giá trị phổ quát toàn cầu, bất chấp khác biệt văn hóa, địa lý, lịch sử, hay chính trị.
Hà Nội lâu nay mô tả các cáo buộc từ quốc tế về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam là ‘xuyên tạc’ và ‘thiếu thiện chí.’