Đường dẫn truy cập

Dân Chủ nói dễ, làm khó


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Thiện Ý


Nói dân chủ thì dễ, làm dân chủ mới khó. Nhận định này của chúng tôi đã có từ lâu, nhưng được quan tâm nhiều hơn sau khi bản thân được trải nghiệm qua các sinh hoạt chống cộng vì mục tiêu dân chủ hóa cho Quê Mẹ Việt Nam, trên thực địa cũng như trên lãnh vực truyền thông sau khi ra hải ngoại (1992 -2018)

I - NÓI DÂN CHỦ THÌ DỄ

Nếu có ai hỏi “Dân chủ là gì” thì ai cũng có thể trả lời vắn tắt theo ý nghĩa của từ ngữ, rằng “Dân chủ là người dân làm chủ đất nước”. Nhưng nếu mở rộng hơn sự hiểu biết về nguồn gốc, sự thể hiện và nguyên tắc thực hành và bảo vệ dân chủ, thì câu trả lời ngắn dài tùy thuộc vào kiến thức về dân chủ của mỗi người. Vì vậy bài viết này chỉ xin trả lời khái quát theo sự hiểu biết của chúng tôi.

1.- Dân chủ theo ý nghĩa từ ngữ thông thường: là quyền làm chủ của nhân dân trong một quốc gia được qui định trong Hiến pháp, về những quyền lợi và nhiệm vụ của công dân trong tương quan với quyền và nhiệm vụ của các cơ quan công quyền quốc gia, các viên chức chính quyền dân cử cũng như công cử, được hưởng lương bổng bằng tiền thuế của nhân dân, để thay mặt dân quản trị đất nước theo đúng ý nguyện của nhân dân; vì tự do , ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vốn là những người chủ thực sự của đất nước.

Nhân dân cũng như các viên chức chính quyền các cấp, các ngành, dân cử cũng như công cử trong guồng máy công quyền quốc gia, từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở, đều phải thực thi theo đúng Hiến pháp và pháp luật; mọi vi phạm của người cầm quyền hay người dân đều bị chế tài theo Hiến pháp và pháp luật.

2.- Sự thể hiện quyền dân chủ

Sự thể hiện quyền dân chủ chính là sự thực thi các quyền dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Chính sự thực thi dân chủ mới cho thấy sự khác biệt giữa chế độ dân chủ pháp trị thật và dân chủ giả. Vì thực tế cho thấy, có những chế độ độc tài các kiểu, mà vẫn có Hiến pháp, luật pháp có vẻ dân chủ, nhưng khi thực thi thì hoàn toàn phản dân chủ, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, dù đã được chính Hiến pháp và luật pháp của chế độ quy định rõ ràng.

Điển hình như thực trạng tại nước “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” hiện nay, chẳng cần nói ra thì ai cũng biết, nhất là những người dân đã và đang là nạn nhân sống dưới chế độ này trong nhiều thập niên qua. Trong chế độ “dân chủ giả hiệu” này, quyền làm chủ của nhân dân đã bị xâm phạm, tước đoạt, biến thành ân huệ của nhà cầm quyền ban cho những ai chỉ biết phục tùng nhà cầm quyền. Bất cứ người dân nào dám có lời nói, hành động đòi hỏi nhà cầm quyền thực thi, tôn trọng, bảo vệ các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền đều bị các công cụ “chuyên chính vô sản” hay “độc tài cộng sản” (công an, quân đội…) trấn áp bằng bạo lực, tòa án, nhà tù, pháp trường, dựa trên chính Hiến pháp và pháp luật của chế độ dân chủ giả hiệu này, mà thực chất là độc tài đảng trị hay toàn trị kiểu CS.

3.- Những nguyên tắc thể hiện và bảo vệ quyền dân chủ

Theo nhận định của chúng tôi, nguyên tắc thì có nhiều, chúng tôi chỉ đề cập đến ba nguyên tắc cơ bản thể hiện quyền dân chủ và bảo vệ quyền dân chủ sau đây.

Một là nguyên tắc tam quyền phân lập đối với hệ thống tổ chức công quyền quốc gia. Theo đó cơ cấu tổ chức và nhân sự điều hành chính quyền các cấp được chia thành ba ngành: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đầu ngành lập pháp là Quốc hội, gồm các đại biểu do nhân dân bầu ra trong các cuộc tranh cử và bầu cử tự do, công bình. Nhiệm vụ của Quốc hội là làm ra các đạo luật triển khai một cách phù hợp với Hiến pháp. Hành pháp là Chính phủ mà người đứng đầu ngành là Thủ tướng (hay chức danh tương đương) do dân cử trực tiếp hay thông qua Quốc hội tấn phong tùy theo quy định của Hiến pháp. Nhiệm vụ của các cơ quan hành pháp là thực thi Hiến pháp và pháp luật. Tư pháp đầu ngành là Tòa án tối cao hay Tối cao pháp viện. Nhiệm vụ giải thích và xét xử những vi phạm Hiến pháp và pháp luật của mọi công dân cũng như nhà cầm quyền. Cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp đều hoạt động độc lập nhưng không biệt lập mà có quan hệ hữu cơ, hoạt động theo phân nhiệm của Hiến pháp và pháp luật; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau mà chỉ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Thế nhưng, nguyên tắc tam quyền phân lập này chỉ phát huy tác dụng bảo vệ các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền, khi nó được thể hiện qua việc thực thi nghiêm túc. Thực tế cho thấy nguyên tắc phân quyền này chỉ được thực thi nghiêm túc, có mức độ khác nhau trong các chế độ dân chủ pháp trị thật (Hiến pháp, luật pháp dân chủ và thực thi dân chủ).Còn trong các chế độ độc tài hay dân chủ giả hiệu (Hiến pháp, luật pháp có vẻ dân chủ, nhưng thực thi phản dân chủ), thì nguyên tắc phân quyền chỉ là bình phong che đậy, ngụy trang cho các hành động phản dân chủ. Điển hình như trong chế độ độc tài toàn trị hiện nay tại Việt Nam, Hiến pháp cũng có quy định ba ngành lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ), tư pháp (Tòa án nhân dân tối cao), nhưng cả ba ngành này đều dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối của đảng CSVN, gọi là nền “Dân chủ tập trung” trong tay “Đảng CSVN” để từ đó ban phát dân chủ cho người dân nào biết phục tùng và thẳng tay trấn áp trắng trợn và tàn nhẫn những người dân nào dám đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, nhân quyền.

Hai là nguyên tắc tôn trọng quan điểm, chính kiến bất đồng thể hiện khi sinh hoạt thực địa hay trên lãnh vực truyền thông, trong tương quan giữa cá nhân công dân với nhà cầm quyền, giữa cá nhân công dân trong sinh hoạt của các tổ chức xã hội dân sự và trong tương quan giữa cá nhân công dân với nhau

Nguyên tắc này có vẻ đơn giản, nói thì dễ, nhưng làm mới khó. Vì nó tùy thuộc hai yếu tố khách quan và chủ quan. Khách quan là khung cảnh thể hiện quan điểm, chính kiến bất đồng, như trong một chế độ dân chủ thì dễ dàng thực hiện hơn trong một chế độ độc tài các kiểu; hay trong các đoàn thể công dân xã hội dân sự thực hiện nguyên tắc này dễ hơn trong các tổ chức nhà nước, vì cá nhân được tự do phát biểu mà không có sự chỉ đạo, đe dọa, cưỡng bách nào.

Chủ quan là trình độ ý thức về dân chủ và năng lực thực hiện nguyên tắc sinh hoạt dân chủ của mỗi cá nhân khác nhau, nên không phải ai cũng có thể thực hiện dễ dàng nguyên tắc này. Vì vậy mới có hiện tượng nghịch lý xẩy ra trong sinh hoạt thực địa cũng như trên lãnh vực truyền thông do hành động của một số người Việt quốc gia chống cộng ở hải ngoại. Nghịch lý vì mục tiêu chống độc tài cộng sản để dân chủ hóa cho Việt Nam; nhưng thực tế lại không chấp nhận “nguyên tắc tôn trọng quan điểm, chính kiến bất đồng”. Mặc dầu những người này đã và đang sống nhiều năm trong khung cảnh các chế độ dân chủ bậc nhất như Hoa Kỳ. Những người này có thể nói hay viết rất hay về dân chủ. Thế nhưng nếu có ai bất đồng chính kiến với họ thì tìm cách triệt hạ, cô lập bằng xuyên tạc, bịa đặt, nhục mạ thậm từ bằng những ngôn từ thiếu văn hóa, đôi khi còn “chụp mũ” nhãn hiệu quen thuộc là “hòa giải, hòa hợp với Việt cộng” hay “ tay sai Việt cộng nằm vùng”…

Chúng tôi đã có nhiều bài viết phê phán về hiện tượng nghịch lý này, cho là có hại và làm chậm tiến trình dân chủ hóa cho Quê Mẹ Việt Nam. Vì nhiều người chân chính và một số tờ báo Việt ngữ đứng đắn, có uy tín ở hải ngoại, được công luận đánh giá là chống cộng có trí tuệ đã trở thành nạn nhân của “tệ trạng bôi bẩn, chụp mũ”; và chính người viết cũng từng là nạn nhân của tệ trạng này.

Chúng tôi xin đơn cử: Năm 1995 khi ấn hành lần đầu và ra mắt ở Houston và nhiều nơi khác cuốn “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”, người viết đã bị “Chụp mũ” chủ trương “Hòa giải hòa hợp với Việt cộng” chỉ vì phần cuối của sách này đề cập đến một “ giải pháp ba bước đến nền dân chủ nhất nguyên dân tộc” (1). Khoảng năm (2007-2008) những kẻ bất đồng chính kiến với tôi ở Houston đã dùng email tên giả gọi tôi là “Thằng ác ý” và bịa đặt, chụp mũ tôi là “cộng sản nằm vùng”, rằng “Sau 30-4-1975 làm thư ký quốc hội Việt cộng. Sau khi ra hải ngoại mỗi năm đều về Việt Nam báo cáo…”. Mặc dầu nhiều người ở Houston biết rõ sau 30-4-1975 tôi bị bắt cầm tù vì hoạt động trong Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam (1978-1981); có người ở Houston đã gặp tôi trong trại tù “lao động cải tạo” ở Z.30D Hàm Tân, Thuận Hải và nhiều người khác biết rõ tôi từ trước và sau 30-4-1975. Thế nhưng không có ai trong họ dám lên tiếng nói lên sự thật mà họ biết về tôi vì sợ bị “đánh lây” hay ngầm tán đồng cách làm của kẻ “chụp mũ” để khủng bố tinh thần tôi. Năm 2017, một đài có chương trình phát thanh về Việt Nam của một tổ chức chống cộng có tiếng, đột nhiên chấm dứt không còn phỏng vấn tôi như trước, mỗi khi có những vấn đề thời sự nổi bật; chỉ vì tôi đã lấy tên hai tuyển tập “Cuộc Nội Chiến Quốc-Cộng Ai Thắng Ai?”, bất đồng với quan điểm của họ không coi chiến tranh Việt Nam là “Nội chiến” mà họ coi là “Cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản Bắc Việt (Việt cộng cũng không coi là “nội chiến” mà ngụy dân tộc để gọi là “Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc) (2) . Mới đây nhất là một đài phát thanh tiếng Việt khác ở hải ngoại có chủ trương “Không chấp nhận chế độ cộng sản” thỉnh thoảng cũng phỏng vấn tôi về các vấn đề thời sự; lại vừa mời tôi cộng tác thường xuyên trong một “Talk Show” hàng tuần. Nhưng sau một thời gian im lặng, người mời tôi điện thoại xin lỗi tôi vì trong nhóm chủ trương của Đài phát thành này có người phản đối dựa trên một bài viết của ai đó cho rằng tôi thuộc nhóm Lê Hiếu Đằng, có dính dáng đến “Phong trào thanh niên sinh viên Saigon biểu tình “chống Mỹ - Thiệu”… (3).

Ba là nguyên tắc đa số thắng thiểu số và thiểu số phải phục tùng quan điểm đa số; nhưng thiểu số có quyền bảo lưu ý kiến của mình và phải được đa số tôn trọng.

Nguyên tắc này được thể hiện qua các sinh hoạt dân chủ tập thể trong các cơ quan công quyền cũng như các đoàn thể quần chúng xã hội dân sự. Theo đó, khi có mâu thuẫn ý kiến, quan điểm, chính kiến bất đồng, sau khi tranh luận để thuyết phục tập thể chấp nhận ý kiến hay quan điểm của mình, các bên sẽ kết thúc bằng một cuộc biểu quyết tự do, công bình, công khai hay kín. Ý kiến hay quan điểm nào được đa số chấp nhận sẽ thắng, thiểu số phải phục tùng đa số. Nhưng đa số vẫn phải tôn trọng ý kiến thiểu số và thiểu số có quyền bảo lưu ý kiến của mình. Châm ngôn của nguyên tắc này là “Bất đồng nhưng không bất hòa”. Thế nhưng thực tế cho thấy trong sinh hoạt tập thể của người Việt quốc gia ở hải ngoại đôi khi vẫn xẩy ra tình trạng ngược lại “bất đồng dẫn đến bất hòa” đến không còn nhìn mặt nhau, đôi khi còn căm thù nhau và tìm cách hạ nhục nhau giống như hệ quả của nguyên tắc thứ hai nêu trên.

III/- KẾT LUẬN

Nói dân chủ thì dễ, ai cũng có thể nói được. Làm dân chủ thì không dễ chút nào đối với kẻ cầm quyền và nhân dân trong các chế độ độc tài toàn trị như chế độ hiện nay tại Việt Nam đã đành.Nhưng thực hành dân chủ đối với nhà cầm quyền và dân chúng trong các chế độ dân chủ thật vào bậc nhất như Hoa Kỳ, dù dễ dàng nhưng không phải ai cũng làm được; không chỉ với người nhập cư như Việt Nam, mà ngay cả những người bản xứ cũng nói, viết về dân chủ thì hay lắm, nhưng đôi khi làm thì lại phản dân chủ.

Chúng tôi ước mong rằng những người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản, đã sống nhiều năm trong các nước dân chủ và vẫn đang tiếp tục theo đuổi cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước, cần thể hiện dân chủ với nhau. Đồng thời tìm cách cô lập một số ít những kẻ mang danh người Việt quốc gia chống cộng vì lý tưởng tự do dân chủ, mà thực tế đã có hành động phản dân chủ đối với cả những người cùng chiến tuyến chống cộng, chỉ vì bất đồng chính kiến, bất đồng phương thức chống cộng. Vì hành động của những kẻ này (may là không nhiều) đã phá đổ đoàn kết nột bộ, làm mất niềm tin vào sự tất thắng của chính nghĩa quốc gia (tự do, dân chủ, nhân quyền…) của đồng bào hải ngoại cũng như nhân dân trong nước. Vì bị hoài nghi rằng không biết những người Việt quốc gia chống cộng ở hải ngọai có thực sự vì lý tưởng tự do dân chủ hay chỉ muốn “lật đổ chế độ độc tài toàn trị CS” hiện nay để thay thế bằng một kiểu “chế độ độc tài không cộng sản” trong mai hậu ở Việt Nam?

Thiện Ý

Houston, ngày 27 - 7- 2018

GHI CHÚ:

(1)“Thử đề nghị một giải pháp toàn cuộc” từ trang 418-435, “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”. Web VILAS: luatkhoavietnam.com. Mục “Diễn Đàn”:, Tiểu mục “Tác giả-Tác phẩm”.

(2) Chúng tôi được biết thêm: Sở dĩ đài phát thanh này không tiếp tục các cuộc phỏng vấn chúng tôi, là vì có một cộng tác viên của đài này nói là vì Thiện Ý có cha đi kháng chiến 9 năm (1945-1954) là theo Việt Minh, lại viết sách coi chiến tranh Việt Nam là “Cuộc nội chiến” chứ không gọi như họ là “Cuộc chiến tranh xâm lăng của CSBV” . Do đó cộng tác viên này đề nghị không phỏng vấn Thiện Ý nữa, nếu không người này sẽ thôi cộng tác với Đài và một số nhà tài trợ cho chương trình phát thanh sẽ ngưng tài trợ. (Xin lên Youtub, Search: Thuyết trình và giới thiệu tác phẩm chủ đề: Cuôc nôi chiến Quốc Công ai thắng ai? Để tham khảo)

Thật đáng tiếc, khi đài Phát thanh của một tổ chức chống cộng có tiếng lại nghe theo luận điệu chủ quan có tính áp đặt của một cá nhân để có một quyết định “phản dân chủ” (không chấp nhận “ bất đồng, không bất hòa”). Vì gọi tên cuộc chiến Việt Nam là gì, theo nguyên tắc sinh hoạt dân chủ, là quyền tự do tư tưởng của mọi người, không ai áp đặt ai. Chủ quan có tính áp đặt, vì khách quan ai cũng biết, ngoài những người cộng sản, đa số những người tham gia kháng chiến chống pháp như Cha tôi đều vì lòng yêu nước muốn tranh thủ độc lập cho dân tộc. Vì thế Cha tôi cũng như những người cùng cảnh ngộ đã bỏ về thành sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước. Tôi đã nói rõ điều này khi viết về Cha tôi trong bài “Vì sao tôi từ chối vào đảng CSVN” đăng trên diễn đàn này.

(3)Trong một bài viết trên diễn đàn này của VOA về Lê Hiếu Đằng, tôi đã nói rõ mối quan hệ “Tôi không quen Lê Hiếu Đằng, nhưng biết các hoạt động của Ông qua một số người bạn học luật gốc Quảng Đà...”.Về việc tham gia “Biểu tình chống Mỹ” thì tôi đã từng nói với chấp pháp, người hỏi cung tôi khi bị bắt vì tham gia “Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam”, rằng “Tham gia phong trào chống Mỹ-Thiệu thì không. Tôi chỉ đôi ba lần tham gia biểu tình chống những hành vi độc tài của chính quyền và chốngnhững hành động Mỹ can thiệp quá sâu vào chủ quyền của Việt Nam, không có ý thức ủng hộ cách mạng (CS)… ”. Sau này ra hải ngoại tôi đã viết lại theo ý đó, không dấu diếm. Vì đó là sự thật.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG