Đường dẫn truy cập

Dân chủ và quyền biểu tình


Dân chủ và quyền biểu tình
Dân chủ và quyền biểu tình

Cốt lõi của mọi chế độ dân chủ là quyền quyết định và quyền tham gia vào các quyết định liên quan đến vận mệnh đất nước của dân chúng. Các cơ chế chính nhằm bảo đảm các quyền cốt lõi ấy bao gồm: một, các cuộc bầu cử tự do và bình đẳng được tổ chức định kỳ; hai, sự độc lập của tư pháp và truyền thông; và ba, quyền biểu tình.

Lâu nay, nói đến dân chủ, người ta thường chỉ đề cập đến hai yếu tố đầu mà thường quên đi yếu tố thứ ba. Riêng ở Việt Nam, cũng như ở các nước độc tài khác, người ta thường xuyên tạc ý nghĩa của yếu tố thứ ba ấy bằng cách xem biểu tình như một hành động phi pháp, trong khi, trên văn bản, để mị dân hoặc để đánh lừa dư luận thế giới, luật pháp không hề cấm đoán việc biểu tình. Mới đây, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho đăng lại trên nhiều tờ báo mạng sắc lệnh số 31 do Hồ Chí Minh ký ngày 13 tháng 9 năm 1945, trong đó, “tự do hội họp” được xem như là “một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà” và yêu cầu những người tổ chức các cuộc biểu tình phải “khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại”. Vậy thôi. (1)

Điều quan trọng nhất trong sắc lệnh trên là việc công nhận quyền biểu tình của dân chúng và xem đó là một trong những biểu hiện của dân chủ. Tuy nhiên, trên thực tế, từ đó đến nay, chính quyền Việt Nam hầu như chỉ có công nhận một hình thức biểu tình duy nhất: biểu tình ủng hộ chính phủ. Khi cần biểu dương lực lượng cho một mục tiêu chính trị nào đó, họ đứng ra tụ tập dân chúng, thậm chí, cưỡng bức dân chúng xuống đường hô to các khẩu hiệu ủng hộ... họ! Với họ, chỉ có loại biểu tình như vậy mới có tính chất xây dựng và do đó, mới hợp pháp.

Nhưng biểu tình không phải chỉ như vậy.

Thứ nhất, biểu tình có nhiều hình thức và nhắm đến nhiều mục tiêu khác nhau. Có thể để ủng hộ hoặc để chống đối chính phủ. Nhưng nhiều nhất là để chống đối.

Thứ hai, trừ loại biểu tình bạo động, không có cuộc biểu tình nào có thể bị xem là phá hoại. Ngay cả khi biểu tình để chống đối một chính sách nào đó thì nó cũng là một cách xây dựng. Xây dựng ở hai điểm chính: một, đưa ra một phản biện để chính phủ đắn đo lựa chọn và cân nhắc kỹ hơn để cuối cùng, có một chính sách tốt hơn; và hai, qua đó, làm cho sinh hoạt dân chủ được hoàn thiện hơn, ở đó, quyền con người được tôn trọng hơn và ý kiến của dân chúng được lắng nghe hơn.

Thứ ba, cần phải xem biểu tình – dĩ nhiên là biểu tình ôn hòa – là một hình thức thực hiện quyền tự do ngôn luận. Viết một bài báo là phát biểu với tư cách cá nhân. Biểu tình là một cách phát biểu tập thể. Ở các quốc gia tự do và dân chủ, nó là hình thức bổ sung cho quyền phát biểu qua lá phiếu ở các cuộc bầu cử. Sau khi bầu cử và chấp nhận kết quả bầu cử, người dân cũng có quyền phản đối một số chính sách của cái chính phủ mà mình đã bầu lên qua hình thức biểu tình. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, ở các quốc gia dân chủ, dân chúng vẫn thường xuyên xuống đường biểu tình. Chính phủ phát động hoặc tham gia chiến tranh ở Iraq? – Biểu tình! Chính phủ quyết định tăng thuế? – Biểu tình! Chính phủ cắt ngân sách ở một lãnh vực nào đó? – Lại biểu tình!

Trong phần lớn các trường hợp, biểu tình là cách lên tiếng của những người bị bỏ rơi và thất thế. Khi chính phủ đòi tăng thuế những người giàu có, các “đại gia” hiếm khi xuống đường biểu tình. Lý do đơn giản: Với tiền bạc và thế lực trong tay, họ có những cách tranh đấu khác, qua các cuộc vận động ngầm từ lãnh vực chính trị đến lãnh vực truyền thông để gây áp lực lên chính phủ. Chỉ có đám dân nghèo, bất lực trước mọi ngõ ngách đằng sau thế giới chính trị, bị buộc phải chọn con đường xuống đường. Có thể nói, xuống đường là hình thức lên tiếng duy nhất của họ. Cấm biểu tình, do đó, là bỏ mặc những người yếu thế nhất trong xã hội. Đó không phải chỉ là một hành động phản dân chủ mà còn là một việc làm vô nhân đạo. Chính vì vậy, quyền biểu tình mới trở thành một trong những mối quan tâm lớn của những người tranh đấu cho nhân quyền. Và cũng chính vì vậy, nó đã trở thành một trong những điều khoản chính trong hiến pháp của các quốc gia phát triển và trong các công ước về nhân quyền trên thế giới (Ví dụ Universal Declaration of Human Rights, 1948; European Convention on Human Rights, 1953; American Convention on Human Rights, 1969; v.v…)

Ở Tây phương, hình ảnh các đám đông xuống đường biểu tình vô cùng quen thuộc. Có những cuộc biểu tình quy tụ cả hàng trăm ngàn, thậm chí, hàng triệu người. Nhưng cũng có các cuộc biểu tình chỉ thưa thớt vài trăm hay, thậm chí, vài chục người. Không sao cả. Luật pháp, từ quốc gia đến quốc tế, đều hợp pháp hóa các cuộc biểu tình ấy. Trong chừng mực biểu tình không biến thành bạo động, cảnh sát chỉ đứng yên nhìn đám đông tuần hành và hô to các khẩu hiệu. Người ta xem các cuộc biểu tính ấy như những cách thực thi dân chủ của mọi người. Quan trọng hơn, người ta còn xem đó chính là biểu hiện của dân chủ.

Vâng, biểu tình chính là biểu hiện của dân chủ. Có thể nói, không có quốc gia dân chủ nào lại không có biểu tình. Và cũng có thể nói: không có quốc gia nào có thể tự xưng là dân chủ nếu quyền biểu tình không được tôn trọng. Sự thiếu vắng các cuộc biểu tình trên đường phố trở thành một bằng chứng hùng hồn tố cáo tính chất độc tài thô bạo của một chính phủ. Bởi người ta hoàn toàn không có lý do gì để giải thích sự thiếu vắng ấy. Dân chúng không có ai bất mãn hay có điều gì phản đối ư? Đó chỉ là một lời nói dối ngô nghê, thậm chí, ngu ngốc. Đó chỉ là điều không tưởng trong mọi xã hội và dưới mọi chế độ.

***

Chú thích (1):

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 31 NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1945

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà;

Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, để tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao;

Sau khi Hội đồng các Bộ trưởng đã đồng ý;

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ 1: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này.

Điều thứ 2: Ông Bộ trưởng Nội vụ và các Uỷ ban nhân dân Bắc Trung Nam bộ chịu uỷ nhiệm thi hành sắc lệnh này.

Hồ Chí Minh

Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG