‘Đầu không tới trời, chân không tới đất’
Ông Nguyễn Phú Trọng - nhân vật nổi tiếng với châm ngôn “đánh chuột không vỡ bình” - đã được một số cán bộ lão thành và đảng viên kỳ vọng vào một chiến dịch chống tham nhũng quy mô vừa phải sau khi Đại hội XII “Tôi bất ngờ!” với vụ tái cử tổng bí thư cùng thắng lợi gần như tuyệt đối cho những người bên đảng.
Nắm quyền tổng bí thư từ đầu năm 2011, nhưng Nguyễn Phú Trọng đã hầu như chưa tiến hành được động tác đáng kể nào trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đối với một chế độ “ăn của dân không chừa thứ gì”. Cả nhiệm kỳ trước của ông đã trôi qua phí hoài. Thậm chí đến gần Đại hội XII, một quan chức cao cấp là Tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh còn tổng kết “tham nhũng vẫn ổn định”.
Sau khi lấy lại chức năng phòng chống tham nhũng từ tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư Trọng bất chợt trở nên nhòa nhạt sau sự ra đi vĩnh hằng của Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh - người được ông Trọng kỳ vọng sẽ vào Bộ Chính trị nhưng đã bị loại thẳng thừng.
Nhưng sau Đại hội XII, có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng Bí thư Trọng muốn “lấy lại những gì đã mất”. Loại được ông Nguyễn Tấn Dũng và trở nên tập quyền hơn bao giờ hết, Tổng Bí thư Trọng đã rốt ráo làm công tác nhân sự cấp cao ngay sau Đại hội XII chứ không chờ đợi lâu như truyền thống hậu những đại hội trước.
Chỉ một tuần sau Đại hội XII, một ủy viên Bộ Chính trị mới là Đinh La Thăng được bổ nhiệm làm Bí thư thành ủy Sài Gòn, một tân ủy viên Bộ Chính trị khác là Hoàng Trung Hải làm Bí thư thành ủy Hà Nội, trong khi cựu Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh làm Thường trực Ban Bí thư, người trẻ nhất Võ Văn Thưởng làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương…
Tuy nhiên, cái ghế trưởng Ban Nội chính Trung ương dành cho ông Phan Đình Trạc chỉ được “cơ cấu” sau khi kết thúc Đại hội XII đến một tháng. Thời điểm này là khá trễ so với chế độ phân bổ một số nhân sự cao cấp khác.
Động thái trên gợi ra những “tâm tư” nhiều ẩn ý. Khác với thông lệ về người “trụ trì” Ban Nội chính, ông Phan Đình Trạc chỉ là ủy viên Trung ương mà không phải là ủy viên Bộ Chính trị. Vị thế đảng dưới mức trung bình như thế đã khiến vai trò và sức mạnh của Ban Nội chính Trung ương “trẻ con” hơn hẳn một số ban đảng khác như Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kể cả Ban Kinh tế Trung ương.
Tình trạng trên cũng xuất phát từ một thực tế là trong nhiều năm qua, các cơ quan đảng, trong đó có Ban Nội chính Trung ương, thường không được giới quan chức “chạy” vì thiếu “màu”. Đa phần quan chức chỉ nhắm vào những cái ghế bên chính phủ hoặc khối tư pháp vì dễ có điều kiện “sát dân” và “hành là chính”.
“Đầu không tới trời, chân không tới đất” là câu châm ngôn dân gian dành cho loại hình Ban Nội chính. Không đủ quyền lực để “khiển” ngành công an, thậm chí cũng chẳng chi phối được ngành tòa án và viện kiểm sát, Ban Nội chính Trung ương đã thủ vai “suy dinh dưỡng trầm trọng” trong nhiều năm qua. Do đó trong chiến dịch “luân chuyển cán bộ” của Ban Tổ chức Trung ương kéo dài suốt từ đầu năm 2015 đến gần cuối năm đó, có lúc có đến hàng chục phó ban hoặc hơn được “bổ” về Ban Nội chính Trung ương. Ban này chính thức trở thành “Ban phó ban”.
Có thể hình dung về một cái “dớp” nào đó đối với Ban Nội chính Trung ương nếu nhìn ngược về dĩ vãng. Cuộc “cách mạng” rõ ràng nhất đã xảy ra vào năm 2014, khi Tổng Bí thư Trọng mưu tính đưa bí thư thành ủy Đà Nẵng là Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị và cầm chịch Ban Nội chính Trung ương với mũi giáo chống tham nhũng và bè phái trong đảng. Tuy nhiên ông Thanh không được toại nguyện. Không những thế, “thần khẩu hại xác phàm”, câu cửa miệng “hốt liền, bắt liền” của ông còn khiến ông bị cô đơn hơn bao giờ hết ở Hà Nội. Không trụ được bao lâu, Nguyễn Bá Thanh phải sang Mỹ chữa bệnh “ung thư”. Đến đầu năm 2015, ông chết.
Môt khả năng lớn xảy ra là sau đám tang của nguyên trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, giá trị của Ban Nội chính Trung ương càng giảm sút trầm trọng. Tâm lý mê tín phổ cập với cao trào là chùa Bái Đính ở Ninh Bình luôn có thể khiến giới quan chức tăng cường tối đa thái độ thận trọng nếu được đảng gợi ý thay thế chỗ của trưởng Ban Nội chính mà cái chết đã gây ra dư luận đồn đoán về “bị đầu độc”.
Mờ mịt
Tháng 3/2016, Văn phòng Trung ương Đảng cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đã ký quyết định bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Theo đó, Ban Chỉ đạo này sẽ bổ sung thêm một phó ban thường trực và ba phó ban. Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, kiêm giữ chức phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, được phân công làm phó trưởng Ban Chỉ đạo. Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo này còn có các phó trưởng ban của khóa trước tiếp tục làm phó ban khóa này gồm Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an; Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội. Ngoài ra còn những ủy viên Bộ Chính trị khác làm ủy viên của cơ quan này như ông Phạm Minh Chính, ông Võ Văn Thưởng.
Nhiệm vụ của phó ban thường trực là trong một số trường hợp có thể thay mặt trưởng ban để điều hành, chỉ đạo công tác và các chiến dịch chống tham nhũng. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao Phó ban thường trực Phan Đình Trạc - chỉ là ủy viên Trung ương - lại có thể “khiển” được hàng loạt nhân sự cấp dưới nhưng lại là ủy viên Bộ Chính trị, tức “cao” hơn hẳn ông Trạc?
Thể chế chính trị Việt Nam có đến 200 ủy viên Trung ương nhưng chỉ chưa đầy 1/10 trong số đó nằm trong Bộ Chính trị. Vì thế, khác biệt về “đảng cấp” giữa ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Trung ương lên đến hàng chục lần. Rất khó có chuyện thường trực Ban Bí thư hay bộ trưởng công an chịu nghe chỉ đạo của một ủy viên Trung ương như ông Phan Đình Trạc. Dường như đã có một điều gì đó không bình thường, hoặc bất thường, xảy đến với việc cơ cấu vai trò Trưởng Ban Nội chính Trung ương kiêm Phó ban thường trực Phan Đình Trạc.
Nghi ngờ tiếp theo là khi không còn Nguyễn Bá Thanh, cũng không có nổi một trưởng Ban Nội chính là ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Trọng sẽ hành xử chống tham nhũng ra sao? Ông sẽ phải dựa vào Bộ Công an - một cơ quan chưa có gì để chứng minh độ tin cậy đủ cao? Hay dựa vào Thanh tra chính phủ với thành tích hết sức cho có dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Ngay trước mắt, với việc ông Phan Đình Trạc được bổ nhiệm chức phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, có thể hình dung hai khả năng: Hoặc Tổng Bí thư Trọng đã có ý đồ muốn “đặt” một ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Ban Nội chính Trung ương để giúp đẩy mạnh một số chiến dịch chống tham nhũng vừa công vừa tư nào đó, nhưng “lực bất tòng tâm”. Nói cách khác, Tổng Bí thư Trọng vẫn vướng phải một số cản trở chính trị đủ lớn. Hoặc Tổng Bí thư Trọng hoàn toàn không coi trọng công tác chống tham nhũng, trái ngược với điều ông đã từng giáo huấn cán bộ đảng viên không ít lần. Khi đó, rất nhiều khả năng là hoạt động chống tham nhũng sẽ trở nên vô bổ không khác gì thời Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu không được biện minh bằng nguyên do nào khác ngoài hai giả thiết trên, tương lai chống tham nhũng của đảng sau Đại hội XII sẽ rất mờ mịt.
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.