Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp TQ thắng thầu nước Sông Đà 2: Chủ đầu tư VN ‘ham rẻ’ hay ‘ăn chịu’?


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Vụ việc Công ty Xinxing ở Hà Bắc, Trung Quốc, thắng thầu cung cấp đường ống gang dẻo cho dự án nước sông Đà về Hà Nội giai đoạn 2 đã khiến khối dân cư lên đến 8 triệu dân Hà Nội muốn phát hoảng. 17 lần đường ống nước Sông Đà 1 bục vỡ vẫn còn dư âm gần như nguyên vẹn. Nhưng kinh hãi hơn cả là không một quan chức nào “rơi đầu”. Tất cả vẫn ung dung khoe khoang thành tích “vì sự nghiệp công ích xã hội”.

Ngay sau khi kết quả thắng thầu của Công ty Xinxing được công bố, nhiều người dân thủ đô lập tức “lên ruột”. Nhưng một số đại biểu quốc hội và báo nhà nước chỉ dám tế nhị nhắc nhở “đừng ham rẻ mà quên đi vấn đề chất lượng”.

Nhưng ở một chiều kích ngược lại, những người dân mạnh miệng nhất lại đay nghiến “Biết ngay mà! Chắc lại đi đêm ăn chịu với nhau thì mới có chuyện cho Trung Quốc thắng thầu”.

‘Gặm xương rau ráu’

Chủ đầu tư của dự án nước sông Đà 2 là Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco). Công ty này đã chọn nhà thầu Trung Quốc với giá bỏ thầu rẻ hơn 10% so với giá phê duyệt. Hơn 10% là một mức chênh lệch giá đấu thầu đủ lớn nếu so với thông lệ chênh lệch giá đấu thầu khoảng 5%, đủ để loại những ứng viên tham gia đấu thầu khác.

Bài học quá đắt giá từ “thành tích” nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, tuyến Hà Đông - Cát Linh, khiến đội vốn lên 100%, kéo dài thời gian từ năm này qua năm khác… vẫn chưa hề được khai não.

Một trong những mánh khóe rất phổ cập của nhà thầu Trung Quốc là bỏ thầu với giá khá thấp, nhưng sau đó tống công nghệ lạc hậu vào dự án, đồng thời đòi tăng chi phí bổ sung trong quá trình thực hiện dự án… để bù đắp “thiệt hại”.

Trong nhiều năm qua, trước tình trạng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu tới 90% dự án nhiệt điện tại Việt Nam, một số chuyên gia trong nước đã phải lên tiếng cảnh báo rằng doanh nghiệp Trung Quốc chịu “chi thoáng” nhất thế giới. Tất cả những gì không thể thượng lên bề nổi thì đều chui dưới gầm bàn. Tiếng gặm xương rau ráu của loài chó cũng vì thế chẳng mấy ai nghe được.

Cũng trong mấy năm qua, trước thực tế khốn quẫn lỗ đầm đìa đến 30.000 tỷ đồng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vì đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, giới chuyên gia phản biện đã phải lên án việc EVN cắm đầu mua điện của Trung Quốc với giá gấp 3 lần giá thành sản xuất trong nước từ năm 2009.

Một thái độ phụ thuộc “thiên triều” không còn cách gì để bào chữa.

Nhưng tiếng khóc của dân sinh đóng thuế vẫn không thể át được âm thanh nhai xương chát chúa từ những kẻ “ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm”.

Những kẻ ăn dày

Đã có thể thấy rõ rằng sau Đại hội XII của đảng cầm quyền, đừng nói đến “thoát Trung”, cho dù có muốn “giãn Trung” cũng quá khó khăn. Trong một thực tế quá khốn đốn, nền kinh tế và sản xuất của Việt Nam đã phụ thuộc ghê gớm vào Trung Quốc.

Đến năm 2015, xét về giá trị, hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng gần 26 lần sau 13 năm, từ 1,4 tỉ USD năm 2000 lên 36,9 tỉ USD. Trong khi đó, giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng khoảng 9 lần, từ mức 1,5 tỉ USD năm 2000 lên 13,3 tỉ USD năm 2013.

Nếu năm 2002, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 8,9% tổng nhập khẩu, thì đến năm 2011, tỷ lệ này đã là 23,3% và tăng lên 27% vào năm 2013.

Trong khi đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc hầu như không đổi, chỉ chiếm trên dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, mặc dù có sự gia tăng nhẹ sau 2010 và lên 13% vào năm 2013. Năm 2015 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 17,14 tỷ USD, là mức được xem “khá thấp so với tiềm năng”.

Vài năm trước, nạn nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã lên đến 24 - 25 tỷ USD hàng năm và bị coi là “dã man”. Sau khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2014, giới chuyên gia kinh tế Việt Nam bắt đầu bàn luận đến khía cạnh “kinh tế Việt Nam sẽ sống được bao lâu nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc”. Trả lời câu hỏi này là lời tường thuật rất thật của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may: nếu không được nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nhà máy của họ chỉ tồn tại được vài ba tháng!

Những nhóm nhóm hàng nhập siêu tăng mạnh nhất trong năm 2015 vẫn là sắt thép, kim loại, ôtô, phụ tùng và vật liệu dệt may, da giày... Nhưng không chỉ các nguyên liệu đầu vào cho chế biến, ngay cả những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất là nông sản cũng nhập khẩu Trung Quốc ngày một nhiều.

Thói quen phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc đã trở nên quá khó bỏ. Nó không chỉ cột chặt giới doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn xiềng xích giới quan chức “ăn dày” của Việt Nam - những người có thẩm quyền ký hạn ngạch nhập hàng từ Trung Quốc. Tình hình càng trở nên nên khốn quẫn khi tại một số cuộc hội thảo về đầu tư, người ta cho biết giới doanh nghiệp Trung Quốc có thói quen chi dưới gầm bàn thuộc loại vô địch thế giới.

Nếu tính cả con số 20 tỷ USD nhập lậu mà “không ai biết” được tuồn vào theo con đường nào và bị biến hóa ra sao, tổng giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc năm 2015 phải lên đến gần 52 tỷ USD. Con số này gấp gần 300 lần so với mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vào năm 2002!

Ai đã gây ra hậu quả cả về kinh tế lẫn chính trị này?

Nếu Hà Nội bị ‘hạn và nhiễm mặn’?

Không chỉ người sắp rời chức bộ trưởng công thương để “hạ cánh an toàn” - ông Vũ Huy Hoàng - phải chịu trách nhiệm về hậu quả nhập siêu khủng khiếp từ Trung Quốc, mà những bộ trưởng ngành liên quan khác cũng phải bị liên đới trách nhiệm với tình trạng nhà thầu Trung Quốc hầu như thao túng các dự án trọng điểm của quốc gia.

Người dân, không còn cách hiểu nào khác, luôn phải cho rằng đó là sự phụ thuộc về kinh tế và kéo theo là phụ thuộc chính trị của chính thể Việt Nam đối với Bắc Kinh.

Vậy phải làm gì để giảm thiểu sự phụ thuộc trên, ít nhất đối với dự án nước Sông Đà 2, khi Công ty Xinxing đã từng có tai tiếng về chất lượng không đảm bảo của ống gang?

Ít nhất, chủ đầu tư - Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex - phải công bố công khai toàn bộ chỉ tiêu kỹ thuật của đường ống nước này và cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt việc thực hiện của dự án.

Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex và nhà thầu Xinxing cũng phải công khai cam kết với dân, với chính quyền về độ an toàn chất lượng của sản phẩm được lựa chọn.

Nhưng trên hết và trên quan điểm chính trị, Nhà nước Việt Nam cần hết sức hạn chế việc nhà thầu Trung Quốc tham gia đấu thầu và thắng thầu các dự án trọng điểm, đặc biệt các dự án cấp quốc gia, để bảo đảm độc lập kinh tế và độc lập chính trị. Hậu quả nào sẽ nổ ra nếu trong tương lai không xa, đường ống nước Sông Đà 2 cũng liên tiếp bể vỡ đến vài chục lần như đường nước Sông Đà 1, đẩy hàng trăm ngàn cư dân thủ đô vào tình trạng thiếu nước sạch?

Hậu quả nào sẽ nổ ra nếu một đợt “hạn và nhiễm mặn” sẽ xảy ra ở Hà Nội và có bàn tay thâm đen từ nhân tố Trung Quốc, hệt như hậu quả khủng khiếp đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long từ nguồn cơn vài chục đập thủy điện của Trung Quốc đã làm lệch dòng Mê Kông?

* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG