Việt Nam phái một quan chức cao cấp trong Đảng Cộng Sản sang Trung Quốc để tìm cách hàn gắn các quan hệ đã bị sứt mẻ nghiêm trọng sau khi Bắc Kinh cho điều giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào vùng biển mà Hà nội tuyên bố thuộc chủ quyền Việt Nam hồi tháng Năm.
Hãng tin AP loan tin này hôm nay, nói rằng sự kiện đó đã gây ra phản ứng giận dữ ở Hà nội, dẫn tới những đồn đoán cho rằng Hà nội có thể tái xét mối quan hệ với Bắc Kinh, và có khả năng ngả về phía Hoa Kỳ như các nước Đông Nam Á khác đã làm trong bối cảnh các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích nói rằng trong nội bộ chính phủ Việt Nam đang có sự giằng co giữa các nhà lãnh đạo ủng hộ một sự thay đổi chiến lược có thể ngả về phía Hoa Kỳ, và một phe phái vẫn tin tưởng là Việt Nam có thể thương lượng với Trung Quốc, đồng minh về mặt ý thức hệ, cũng là nước láng giềng khổng lồ và đối tác kinh tế thiết yếu của Việt Nam, bất chấp những tuyên bố công khai của Bắc Kinh, đòi chủ quyền các khu vực rộng lớn trên Biển Đông mà Hà Nội cho là thuộc chủ quyền của mình.
Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay đăng lại phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, cho hay ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính Trị, cũng là Đặc Phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ đi thăm Trung Quốc trong hai ngày 26 và 27 tháng 8, “thể theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Theo trang mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam thì mục đích của chuyến đi là nhằm “trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc về các biện pháp làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ căng thẳng như vừa qua, thúc đẩy quan hệ 2 Đảng, 2 nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài, đáp ứng nguyện vọng nhân dân hai nước.”
Nhiều nhà phân tích nhận định rằng trong nội bộ chính phủ Việt Nam đang có sự giằng co giữa các nhà lãnh đạo ủng hộ một sự thay đổi chiến lược ngả về phía Hoa Kỳ, và một phe phái tin tưởng là Việt Nam vẫn có thể thương lượng với Trung Quốc, đồng minh về mặt ý thức hệ, cũng là nước láng giềng khổng lồ và đối tác kinh tế thiết yếu của Việt Nam, bất chấp những tuyên bố công khai của Bắc Kinh, đòi chủ quyền các khu vực rộng lớn trên Biển Đông mà Hà Nội cho là thuộc chủ quyền của mình.
Ông Lê Hồng Anh được coi là nhân vật quyền lực thứ 5 trong Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông sẽ là quan chức cao cấp nhất trực tiếp tiếp xúc với Trung Quốc sau khi Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sang thăm Hà nội hồi tháng 6 trong một chuyến đi không mang lại kết quả nào.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc có lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh, bày tỏ hoài nghi về các cuộc thảo luận Việt-Trung lần này. Hãng tin AP dẫn lời ông Vĩnh phát biểu: “Lần này cũng sẽ không có bất cứ kết quả gì. Trung Quốc sẽ không bao giờ tương nhượng. Việc họ rút giàn khoan chỉ là tạm thời. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng xấu xa là độc chiếm Biển Đông.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói ông hoan nghênh các cuộc thảo luận, nhưng quan ngại Bắc Kinh có thể tìm cách thuyết phục Hà nội từ bỏ ý định kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế.
Nói chuyện với Ban Việt ngữ-VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ hoài nghi về bất cứ bước đột phá nào sau cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai Đảng Cộng Sản Việt Nam-Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh đã tự nguyện rút giàn khoan khỏi vùng biển tranh chấp trước hạn kỳ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Tôi nghĩ cũng khó có thể có một bước tiến gì đột phá trong lần này nếu mà tình hình không có một sự cải thiện thực sự theo cái hướng là Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và phải coi trọng việc đối thoại với Việt Nam, chứ không phải coi như là một phe chư hầu thì tình hình khó mà cải thiện, nhất là trong tình hình mà khi thế giới lên tiếng, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ có những xích lại gần nhau thì bước đi này của Trung Quốc cũng có thể là để xoa dịu, muốn lại dùng cái 4 tốt và 16 chữ vàng để cột Việt Nam lại, nhưng mà tôi nghĩ cái khả năng để lặp lại như cũ rất là khó, và nếu mà để lại như cũ thì tôi nghĩ là cái tính chính danh của Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ bị tổn hại một cách khủng khiếp.”
Được hỏi giữa hai phe, phe ủng hộ một sự thay đổi chiến lược ngả sang Hoa Kỳ, hay phe ủng hộ giải pháp tiếp tục duy trì “4 Tốt và 16 Chữ Vàng”, phe nào đang chiếm thế thượng phong tại thời điểm này?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A trả lời: “Bây giờ mà người nào mà nói toạc móng heo ra là phải tiếp tục duy trì 4 Tốt và 16 chữ vàng thì người đó thực sự là làm một cuộc tự sát chính trị. Cho nên có thể ý người ta là như thế, nhưng mà người ta sẽ phải hành văn, người ta sẽ phải diễn đạt theo một cách khác đi. Tôi chỉ hơi e ngại là trong lần này, có thể họ sẽ tìm mọi cách để cản trở những cái biến chuyển có vẻ tích cực như phía lãnh đạo Việt Nam trong việc dùng tất cả các biện pháp ôn hòa để mà đối phó với những hành động hết sức là táo tợn của Trung Quốc ở Biển Đông, và một phần nào đó duy trì cái trạng thái cũ. Và trong cái trường hợp đấy thì như lúc trước tôi đã nói, những cái thế lực như thế cũng không phải là ít ở Việt Nam. Cho nên tôi không lạc quan lắm với cuộc gặp hai ngày tới đây.”
Trong trường hợp đó, điều gì sẽ xảy ra giữa lúc sự phẫn nộ vẫn âm ỉ trong lòng người dân về chính sách đối ngoại của Hà nội, cũng như về thái độ hung hăng không khoan nhượng của Trung Quốc?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Tôi nghĩ là trong trường hợp đấy thì người dân sẽ tiếp tục gây một cái áp lực hết sức là nặng nề lên ban lãnh đạo hiện thời và đấy là một cái thực tế mà người ta phải đối mặt. Tôi nghĩ là ông Lê Hồng Anh cũng phải nhận thức được điều đó, để rồi trong những cuộc đàm phán với phía Trung Quốc trong 2 ngày tới, ông ấy cũng phải nói rõ cho Trung Quốc điều đó. Tôi nghĩ rằng nếu mà một cái áp lực như thế mà nó có tác động gì đó, thì theo tôi tôi nghĩ nó cũng là một điều tích cực.”
Thưa quý vị, Tiến sĩ Nguyễn Quang A là Chủ tịch Hội Doanh Thương Việt Nam-Hungary, ông từng là Chủ tịch của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, thinktank độc lập đầu tiên của Việt Nam, nơi tụ tập một số nhà khoa bảng hàng đầu Việt Nam, trước khi Viện IDS tự giải tán để phản đối Quyết Định số 97 của chính phủ Việt Nam về vấn đề phản biện.