Những câu thơ thật đơn sơ, mộc mạc, như hương đồng gió nội của đồng bằng sông Cửu Long, song thấm, chậm nhưng chắc, như chất acid:
Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.
Bên trên là bài thơ "Trăng Nghẹn" của Hoài Tường Phong đã được Liên Chi Hội Nhà Văn Đồng Bằng Sông Cửu Long chọn trao giải nhất cuộc thi thơ của liên hội vào năm ngoái (2009). Tuy nhiên, theo ông Võ Đăc Danh Miền Tây, trong bài Blog trên Web ngày 3 tháng 3 vừa qua, thì "một sự cố lạ lùng chưa từng có đã xảy ra”.
Ông Danh kể tiếp: “Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, trưởng Ban Giám khảo cho hay, một số cơ quan 'có thẩm quyền' ở thành phố Cần Thơ (thực chất là không có thẩm quyền) đã yêu cầu Ban Giám khảo chọn lại bài khác để trao giải Nhất, vì bài nầy u ám quá. 'Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được'. Ban Giám khảo đã quyết định không chấm lại, cuối cùng họ quay sang tác giả. Nhà thơ Hoài Tường Phong cho biết, mấy ngày nay chủ tịch Hội Văn nghệ Cần Thơ yêu cầu ông làm đơn từ chối giải thưởng với lý do 'tôi không có gởi dự thi'. Ông khẳng định rằng 'tôi đã gởi dự thi', sau đó vị chủ tịch Hội Văn nghệ lại yêu cầu ông làm đơn xin từ chối giải thưởng với lý do ‘thơ tôi có nhiều câu chữ không phù hợp với tiêu chí cuộc thi'. Ông Phong nói: 'Đó là việc thẩm định của Ban Giám khảo'."
Viết đến đây, ông Danh (như thể giơ cả hai tay lên trời vì tình trạng đã hết thuốc chữa, ngoài sức tưởng tượng) hạ bút: "Xin miễn bình luận về sự kiện nầy", và ông Danh mời độc giả đọc bài thơ "Trăng nghẹn" mà ông đã post nguyên văn, tại http://dacdanhmientay.multiply.com/journal/item/177/177 3/7/2010. Ông Danh nói thêm là ông kể lại câu chuyện “hậu trường” trên trên cái Blog của ông giùm ông Phong vì nhà thơ không dùng e-mail.
Khi viết tới đây, tôi đã cẩn thận, thêm một lần nữa, vào trang Web của Liên Chi Hội Đồng Bằng Sông Cửu Long: vẫn thấy bài thơ được dán trên đó, tại http://www.vannghesongcuulong.org.vn/. Như thể không hề có cái chuyện "hậu trường" nọ. (Biết tính chất ảo, nay có mai biến, của thế giới Web, nên tôi đã lưu giữ một bản PDF của trang Web có bài thơ "Trăng Nghẹn", cũng như bài Blog của ông Danh, vì biết chúng có thể biến mất khỏi Web bất cứ lúc nào).
Tôi đọc lại bài thơ “Trăng nghẹn” rất chân chất đó, lồng trong cái chuyện hậu trường nọ, và không khỏi liên tưởng tới nhà thơ Phùng Quán qua bài "Lời mẹ dặn", xuất bản trên Nhân Văn Giai Phẩm ở Hà Nội vào năm 1957, với những câu thơ đã trở thành phương châm cho giới cầm bút, "Tôi muốn làm nhà văn chân thật / Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi / Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã / Bút giấy tôi ai cướp giật đi / Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá." (Bài thơ cũng đã được Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc, có thể nghe ca sĩ Diễm Chi hát, tại http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=5DRpBgapqn)
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, và chúng ta bước vào thế kỷ 21 đã cả 10 năm nay rồi, đã và đang sống trong thời đại Internet mà chỉ trong tích tắc đã nhận được tin tức với đầy đủ hình ảnh từ bên kia quả địa cầu. Và với kỹ thuật Webcam và những dịch vụ như Skype, chúng ta còn được nhìn thấy nhau nữa, với đầy đủ mặt mũi tay chân và động tác. Vậy mà ở Việt Nam, xứ vẫn tự hào là có tới 4000 năm văn hiến ấy, người ta vẫn áp dụng trò áp chế nhau của thời Nhân Văn Giai Phẩm. Một bạn văn hồi âm e-mail của tôi, đã viết: "Thật không thể tưởng tượng được... Đã qua thế kỷ 21 rồi mà sự độc tài còn ngự trị nặng nề ở VN."
Hồi ấy, 54 năm về trước, Phùng Quán và các bạn văn của ông đã phải trả giá cho lòng yêu chuộng sự thật bằng cả một đời bị treo bút, vùi dập, tù đầy. Chế độ cộng sản Việt Nam mang nợ rất lớn đối với tổ tiên và dân tộc Việt, không chỉ là món nợ vì đã vùi dập bao thế hệ văn nghệ sĩ bằng chính sách kiểm soát điên cuồng, đòi trăm hoa phải nở ra cùng một thứ cúc vạn thọ mùi rất hắc như ở Miền Bắc, mà còn cái tội thiêu hủy cả một nền văn học 20 năm muôn hồng nghìn tía của Miền Nam qua phong trào đốt sách năm 1975 khi họ chiếm được Miền Nam, và đầy ải những văn nghệ sĩ Miền Nam không may bị kẹt lại, hoặc ngây thơ tình nguyện ở lại vì nghĩ cộng sản thì cũng là người Việt với nhau cả. Đấy là tôi mới chỉ nói về phương diện văn học thôi, chưa nói tới phạm vi xã hội, giáo dục, môi sinh này khác, và đặc biệt là chuyện nhượng đảo, đất cho ngoại bang đang diễn ra.
Viết tới đây tôi không khỏi không nhớ tới một người cầm bút trẻ ở quê nhà, sinh ra sau khi Miền Nam đã tan hàng và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản. Cậu ta viết cho tôi là cậu ta chỉ thích đọc văn học Miền Nam thôi. Hỏi tại sao, câu ta viết, vỏn vẹn: "Vì ở đó có sự thật." Câu nói đã xúc động tôi mạnh mẽ, không chỉ vì tôi đã có cái diễm phúc là một thành viên của nền văn học đã bị bức tử -- song vẫn sống đó, như "Lời mẹ dặn" của Phùng Quán vẫn sống trong tất cả chúng ta, những người yêu và tin vào sự thật --, mà còn vì còn có những người như cậu ta.
Việc ban giám khảo của cuộc thi thơ vùng đồng bằng sông Cửu Long từ chối không chịu chấm lại để chọn bài khác và loại bỏ bài thơ "Trăng Nghẹn"; việc tác giả bài thơ không chịu “từ chối giải thưởng” vì “đã không gửi bài thơ đi tranh giải” (chắc chắn không phải vì danh giá gì của giải thưởng, mà vì nếu làm như thế là nói dối, không phù hợp với bản chất của người đồng bằng sông Cửu); và việc trang Web của Liên Hội Nhà Văn Đồng Bằng Sông Cửu Long vẫn tiếp tục trưng bài thơ đó trên Internet khi tôi đang viết những giòng này, tất cả cho thấy dù văn nghệ có vẫn bị chỉ huy, người làm văn nghệ có vẫn bị hoạnh hoẹ bởi những người còn sống trong ảo tưởng, hoàn cảnh và nhân sự của Miền Nam nói riêng, và Việt Nam nói chung, ở đầu thế kỷ 21 đã không còn là thời của hơn nửa thế kỷ trước tại Miền Bắc nữa.
(TD, 03/2010)
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Người biểu tình xông vào tòa án ở Hàn Quốc sau khi Tổng thống Yoon bị gia hạn câu lưu
2Việt Nam phạt nặng lỗi giao thông: đường sá rối loạn, dân tình ta thán
3Phái đoàn Đài Loan sẽ mang 'lời chúc tốt đẹp nhất' đến lễ nhậm chức của Trump
4Trump tổ chức mít tinh mừng chiến thắng tại Washington trước lễ nhậm chức
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!