Giáo xứ Đông Yên tọa lạc bên bờ biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh hàng trăm năm nay. Bà con giáo dân luôn thấy đời sống bình yên cho cả ngư nghiệp lẫn nông nghiệp. Thế nhưng, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Đông Yên chỉ còn lại một đống đổ nát. Mọi sự đổi thay, 158 gia đình bám trụ cùng giáo đường với hàng trăm nỗi khó khăn, vất vả trước sức ép di dời.
Ngày hết Tết đến, những con tàu nằm đắp khăn tang và bắt đầu rệu rã, cũ mục do mưa nắng, do lâu ngày không hoạt động, phải nằm bờ liên tục.
Biển chết, đời sống tứ tán, Tết về… Đông Yên vẫn cứ trầm buồn trong vũ điệu của đổ nát và tuyệt vọng.
Masour Thuyết Mai – người tình nguyện ở lại để chăm sóc thuốc men cho bà con Đông Yên chia sẻ: “Họ đập phá ở chỗ này nên con được Bề trên giao nhiệm vụ ở lại đây, phục vụ bà con hết sức mình.”
Đời sống của 158 gia đình tại Đông Yên luôn gặp khó khăn bởi từ lúc biển nhiễm độc đến nay, các ngư dân không dám đi đánh bắt mặc dù các nơi khác đã bắt tay vào, nhưng lương tâm Công Giáo đã nhắc các giáo dân không được tự cho phép mình đánh bắt để bán cho người khác một khi mình thấy biển chưa sạch, hải sản còn nguy hiểm.
Ông Quan – Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Xứ Đông Yên, Hà Tĩnh cho hay: “Ở đây là xứ đạo toàn tòng, có khoảng 1400 gia đình ở đây. Nhưng thời gian khoảng năm 2012-2013, thì khoảng 1200 gia đình đã đến khu tái định cư. Nhưng còn 158 gia đình này không nhận tiền đền bù, không di dời vì họ nhìn thấy không có tương lai ở khu tái định cư. Bởi họ tìm hiểu thì thấy không có dự án gì ở khu tái định cư cả, không có ai đứng ra đầu tư hay nhà nước cũng không có chính sách gì, vậy nên họ tìm cách bám trụ. Chính quyền cũng tìm mọi cách đập phá, di dời họ đi, không để họ yên.”
Có thể nói rằng hiếm nơi nào mà sức sống của con người lại trở nên phi thường như Đông Yên. Bởi chung quanh là những đống đổ nát chất cao như núi. Hầu hết các ngôi nhà bị đập bỏ đều là nhà cao tầng, xây dựng chỉn chu, cuộc sống luôn bất an vì nhiều thứ, trong đó, nỗi lo một buổi sáng nào đó thức dậy, lại phải bị đàn áp, tách ra khỏi ngôi nhà thân yêu của mình là nỗi lo thường trực của mọi người.
Masour Thuyết Mai chia sẻ thêm: “Con ở lại đây phục vụ chỗ này trước khi có thảm họa cá chết. Đời sống của bà con ở đây rất vất vả, bệnh tật nhiều và nặng hơn. Cho nên là con cũng cố gắng hết sức phục vụ cho bà con để họ có sức khỏe để họ vượt lên.”
Trẻ con Đông Yên không đến lớp một cách thoải mái như bao trẻ khác, bệnh tật, thiếu thốn và nỗi bất an thường trực, ở gần biển mà không dám ra biển. Muốn đến giáo đường cầu nguyện cũng không có chỗ bởi nhà nguyện đã bị chính quyền đập bỏ, giải tỏa. Tượng thánh Gioan đứng cô đơn nhìn ra biển Đông, con chiên kẻ ở người đi, Tết về như một khúc thánh ca buồn.
Ông Quan – Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Xứ Đông Yên, Hà Tĩnh chia sẻ thêm: “Ở nhà giờ không biết làm gì nên đánh bài quỳ, chơi bóng chứ làm gì giờ. Bụng đói nhưng cũng phải giải trí chút chứ biết sao, biển còn thì họ đi biển chứ ai ở nhà làm gì.”
Mùa Xuân về, một mùa Xuân buồn, hiu quạnh với những người còn bám trụ trên đất Đông Yên, và cả với những người đi vào khu tái định cư. Đời sống nơi tái định cư cũng chật vật, ngột ngạt và thiếu đói bởi thất nghiệp, bởi không có đất canh tác và bởi nhiều yếu tố khác.
Tết về, không có khu vui chơi cho trẻ nhỏ, không có nơi sinh hoạt cho người lớn. Xóm làng là những bãi đổ nát chất cao như núi. Biển là một cái ao độc mà người Đông Yên ở lại chỉ còn biết ra trước quảng trường Thánh Gioan nhìn sang Hòn Sơn Dương cho đỡ nhớ. Biển gần gũi bao đời nay trở nên xa lạ, dữ tợn với con người.
Một mùa xuân mọc lên giữa những đổ nát, hoang tàn và đâu đó, những hạt mầm yêu thương lại khởi sự đâm chồi trên nền đổ nát…