Sau khi nhà thầu thi công tổ chức giăng băng rôn đòi nợ vào ngày 23/7, chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trong buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang ngày 24/7 cảnh báo sẽ dừng dự án BOT “nghìn tỉ” này vào cuối tháng tới nếu không được rót vốn.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là một dự án trọng điểm quốc gia, nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc của Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư 9.668 tỉ đồng được khởi công từ năm 2009. Tuy nhiên cho đến nay, việc thi công dự án mới chỉ đạt được 22% khối lượng, do bị “lụt” tiến độ trong suốt 10 năm qua vì lý do thiếu vốn và thay thế chủ đầu tư và nhà thầu thi công nhiều lần.
Thủ tướng Việt Nam gần đây đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải “sốc” lại dự án để đạt được mục tiêu thông xe vào năm 2020.
Trước khi nhà thầu đình công, giăng băng rôn đòi tiền nhà đầu tư vào ngày 23/7, phía chủ đầu tư, Công ty cô phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, đã gửi văn bản “cầu cứu” tới Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, yêu cầu chấp thuận cho bố sung Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vào liên danh, thay cho Công ty TNHH Yên Khánh của Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ, đã bị bắt và khởi tố vì liên quan đến việc lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp quân đội thâu tóm hàng loạt dự án xây dựng, BOT béo bở trên khắp cả nước.
Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết sau khi được bổ sung nhà đầu tư đủ năng lực thay thế, dự án đã được triển khai trở lại từ đầu năm nay nhưng lại tiếp tục gặp vướng mắc về vốn khi 2.180 tỉ đồng mà chính phủ hỗ trợ cho dự án vẫn chưa được giải ngân, trong đó có 500 tỉ là vốn dành cho giai đoạn 2016-2020, theo Dân Trí.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, nói những vướng mắc này đã “vượt ra khỏi khả năng của doanh nghiệp dự án” và “vượt ra khỏi sức chịu đựng của các nhà thầu” nên họ buộc phải đưa ra một kế hoạch dự kiến cho việc dừng dự án.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết tính đến nay, phía nhà đầu tư và nhà thầu đã đổ vào dự án khoảng 3.000 tỉ đồng và chỉ còn khả năng cầm cự cho đến giữa tháng 8/2019, theo Tuổi Trẻ.
Sau khi nghe phía doanh nghiệp trình bày, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, liên tục trấn an phía nhà đầu tư, thi công phải “bình tĩnh”.
Ông Dũng cho biết tỉnh Tiền Giang hiện đã giải tỏa được gần 3.200 hộ dân để chuẩn bị mặt bằng cho dự án và được người dân “đồng thuận rất cao”, thì “không có lý do gì” mà khi các nhà thầu, doanh nghiệp nhìn thấy “khó khăn chút ít vậy thôi mà các anh không quản lý được”.
Tỉnh Tiền Giang cho biết là đã đăng ký lịch làm việc với Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến của Bộ Giao Thông Vận tải về những khó khăn, vướng mắc, giải pháp… cho dự án nhưng “thời gian giải quyết những vướng mắc cụ thể nói trên vào thời điểm nào thì tỉnh Tiền Giang vẫn chưa thể biết trước”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Tiền Giang, nói.
Theo Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, sau khi được triển khai trở lại vào đầu năm 2019, tuyến cao tốc dài 51 km này đã có hơn 40 km nền đất yếu cần phải gia cố trở lại.