Đường dẫn truy cập

Dư luận ‘ném đá’ các ‘hot girl’ bình luận bóng đá trên VTV


Các cô gái tham gia chương trình "Nóng cùng World Cup" trên VTV. Việc dùng phụ nữ cho chương trình này của VTV bị chỉ trích là "coi thường phụ nữ đội lốt tôn vinh." (Ảnh chụp màn hình của VTV trên Youtube)
Các cô gái tham gia chương trình "Nóng cùng World Cup" trên VTV. Việc dùng phụ nữ cho chương trình này của VTV bị chỉ trích là "coi thường phụ nữ đội lốt tôn vinh." (Ảnh chụp màn hình của VTV trên Youtube)

Chương trình “Nóng cùng World Cup” của truyền hình nhà nước Việt Nam với những cô gái ‘xinh đẹp’ nhưng ‘ít kiến thức bóng đá’ bình luận World Cup bị công chúng trong nước phản ứng dữ dội. Nhiều người cho rằng VTV đang “khai thác phụ nữ” để câu view.

Bên cạnh những chuyên gia bóng đá hay người nổi tiếng có nhiều am hiểu về môn thể thao này, VTV còn mời tới 32 cô gái có ngoại hình hấp dẫn và “nóng bỏng” đại diện cho các đội bóng đồng hành cùng chương trình trong suốt một tháng diễn ra giải vô địch bóng đá thế giới.

Hot girl bình luận World Cup: Coi thường phụ nữ đội lốt tôn vinh?
Zing News

Tuy nhiên, các cô gái trẻ mà truyền thông trong nước và mạng xã hội gọi là ‘hot girl’ bị cho là “dù sở hữu thân hình quyến rũ và gương mặt xinh đẹp” nhưng “thiếu hiểu biết về bóng đá.”

Một trong những ‘hotgirl’ tham gia bình luận trên VTV có tên Đặng Ngân đã trở thành tâm điểm chỉ trích khi đưa ra một phát ngôn “hồn nhiên” trong trận đấu Ai Cập-Uruguay rằng “em thích Salah và mong anh ấy ra sân. Nhưng em mong Uruguay chiến thắng… Thực ra em hâm mộ đội tuyển Pháp.”

Đặng Ngân là người đẹp đại diện cho đội tuyển Pháp của chương trình “Nóng cùng World Cup”.

Bình luận của Đặng Ngân bị chế hài.
Bình luận của Đặng Ngân bị chế hài.

Trong khi đó một ‘hotgirl’ đại diện cho đội tuyển Brazil cũng đã “gây bão” khi nói trong phần bình luận trận Brazil gặp Thụy Điển. Cao Diệp Anh cho biết cô là fan hâm mộ của Brazil “từ khi còn học cấp 1. Nghĩa là vào những năm 2000, 2002. Thế hệ của Ronaldo, Ronaldinho, Pele.”

Pele là huyền thoại của bóng đá Brazil và ông đã giã từ sân cỏ vào năm 1974.

Truyền thông trong nước đã đăng tải những phát ngôn mà họ cho là “ngô nghê” của các nữ bình luận viên này và chúng thậm chí bị chế hài trên mạng xã hội.

Cũng có những người không chú ý tới các phần bình luận của những cô gái này mà chỉ để tâm tới trang phục áo cổ khoét sâu và váy ngắn của họ.

VTV đã cung cấp cho chúng ta một tầm nhìn chính trị, xã hội hay định kiến về vai trò, vị trí (của) nữ giới.
Facebooker có tên Hirota Fushihara

Những hình ảnh của họ đã được chia sẻ lại trên mạng xã hội, hầu hết là từ nhiều tài khoản Facebook của nam giới, với những lời bình luận như “giải trí, rửa mắt thôi mà.”

VTV cho rằng với việc mời các cô gái tham gia bình luận World Cup, họ đang tôn vinh phụ nữ vào vị trí trang trọng trong một chương trình phát sóng quan trọng.

Mặc dù vậy, công chúng và các trang mạng trong nước lại cho rằng việc mời các ‘hotgirl’ bình luận World Cup là sự “coi thường phụ nữ đội lốt tôn vinh”, theo nhận định của Zing News.

Trong khi đó, Dân Việt đặt nghi vấn liệu chương trình này có phải là một “trò chơi kỳ thị phụ nữ của đàn ông?”

Bình luận về việc VTV đưa những phụ nữ “đẹp nhưng thiếu kiến thức” lên chương trình này, một người dùng Facebook có tên Hirota Fushihara viết trên trang cá nhân rằng “Chọn những người như vậy tạo nên một hình ảnh cố định về nữ giới theo góc nhìn hẹp của một số người đàn ông.”

Facebooker này đặt câu hỏi: “VTV đã cung cấp cho chúng ta một tầm nhìn chính trị, xã hội hay định kiến về vai trò, vị trí (của) nữ giới.”

Nhiều bình luận viên nữ đã trở thành nổi tiếng trên các chương trình thể thao như ESPN hay Fox Sports vì kiến thức của họ về thể thao.

Tuy nhiên việc dùng phụ nữ để kéo khán giả đến với chương trình là một bước thụt lùi trong phát triển xã hội, theo nhận định của Tuổi Trẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG