Truyền thông trong nước hôm 26/7 trích dẫn một tài liệu phục vụ cho việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội vừa qua cho biết Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) được dời sang kỳ họp sau là “để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến”, và khẳng định việc xây dựng các đặc khu là “thí điểm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Bị công chúng phản đối dữ dội khi chuẩn bị thông qua tại kỳ họp hồi tháng 6, Quốc hội Việt Nam đã phải ra quyết định lùi việc biểu quyết dự luật gây tranh cãi này sang kỳ họp tới, diễn ra vào cuối tháng 10.
Mặc dù vậy, các cuộc biểu tình rầm rộ đòi hủy bỏ dự luật vẫn diễn ra liên tiếp trong nhiều tuần lễ sau đó ở cả trong nước lẫn nước ngoài.
Theo tài liệu mà VnEconomy và Dân Trí trích dẫn hôm 26/7, việc lùi “bấm nút” thông qua dự luật được cho là “để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân”.
Ý tưởng này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến hồi đầu tháng này, khi ông hứa sẽ ‘xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân trước khi trình Quốc hội’ dự luật về đặc khu. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một thông báo chính thức nào về thời điểm cũng như quy trình thực hiện việc lấy ý kiến này.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, trong cuộc phỏng vấn với VOA hôm 10/7 nói ông tin rằng “người dân sẽ quan tâm và sẽ tranh thủ để phát biểu ý kiến” nếu được hỏi đến.
Vẫn theo tài liệu tiếp xúc cử tri trên, việc xây dựng các đặc khu kinh tế tại Việt Nam là “để phát triển thí điểm thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, và việc thành lập các đặc khu “tác động tích cực” trên nhiều mặt như tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách, thu hút đầu tư nước ngoài…
Thời gian qua, dự luật Đặc khu đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ đủ mọi tầng lớp dân chúng. Trong một bài phân tích gần đây trên trang Viet-studies.net, cựu Đại biểu Quốc hội-Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết cho rằng dự luật này không những “thiếu vững chắc về các cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn” mà còn “tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Ông cho rằng ngay cả ở quốc gia vẫn được xem là thành công trong việc xây dựng các đặc khu kinh tế là Trung Quốc, thì mô hình này hiện nay “cũng đang ‘có chuyện’ và đang được thay đổi”.
Cựu đại biểu QH ví von việc thành lập đặc khu ở Việt Nam giống như “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, mà không nghiên cứu kỹ và đưa ra những chính sách khả thi, khiến cho mục tiêu phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách không đạt được, mà còn có nguy cơ gây thiệt hại cho nền kinh tế vì hàng loạt các quy định miễn giảm thuế trong đặc khu.
Trong câu chuyện với VOA hồi tháng trước, Giám mục Công giáo Hoàng Đức Oanh cũng cho rằng Luật Đặc khu đề ra nguy cơ “mất nước” vào tay Trung Quốc, dựa theo kinh nghiệm về rủi ro, thiệt hại từ 90% dự án đầu tư mà người Trung Quốc nắm giữ tại Việt Nam cũng như khuynh hướng lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông cho rằng luật đặc khu là không cần thiết và có nhiều cách để phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng điều cần thực hiện trước tiên là bỏ cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Theo tài liệu được công bố hôm 26/7, lý do lựa chọn 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được giải thích là “nằm trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện và có diện tích không lớn, nhưng có vị trí kết nối giao thông khu vực và quốc tế thuận lợi”.
Tài liệu khẳng định thêm rằng dự luật sẽ “quy định chặt chẽ việc áp dụng pháp luật nước ngoài”, “không được gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…” và “đặc biệt là chủ quyền quốc gia của Việt Nam”.
Dự kiến, dự luật về đặc khu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến trong phiên họp thường kỳ diễn ra vào tháng tới, từ ngày 8 đến ngày 13/8.