Đường dẫn truy cập

Được và mất của Trung Quốc khi chiếm Trường Sa của Việt Nam


Hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa, hình chụp ngày 13/4/2010
Hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa, hình chụp ngày 13/4/2010

Vào cuối năm 2007, Trung Quốc thành lập một đơn vị hành chính là huyện Tam Sa để quản lý Trường Sa. Vụ việc này đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tôi đã viết một bài nghiên cứu dài dưới tựa đề “Xung đột Trường Sa và trạng thái hòa bình mong manh trên biển” (nghiên cứu không phổ biến). Vì các nội dung này về cơ bản vẫn có tính thời sự, xin giới thiệu lại với các bạn đọc một số phần quan trọng nhất của tài liệu này. Đó là:

- Mối đe dọa mang tên Trung Quốc
- Được và mất của Trung Quốc khi chiếm Trường Sa của Việt Nam
- Bảo vệ chủ quyền bằng Tự Vệ Chủ Động

(Một số nội dung trong các phần giới thiệu trong lần này đã được cập nhật so với bản năm 2007)

Được và mất của Trung Quốc khi chiếm Trường Sa của Việt Nam

Có một thực tế là trong lịch sử đã xảy ra nhiều trường hợp mà quyết định tiến hành chiến tranh không dựa trên phân tích duy lý (tính đến chi phí - lợi ích), hay ít ra cũng không dựa trên cách tính chi phí - lợi ích thông thường. Những quyết định này nhiều khi dựa trên vấn đề ý thức hệ hay thậm chí cả những tham vọng kỳ quái của một vài lãnh tụ chính trị nào đó.

Điều đáng mừng là xu hướng chung của thế giới hiện nay không còn tạo điều kiện thuận lợi cho những quyết định không duy lý nữa, trừ một số quốc gia tự tách mình khỏi dòng chảy chung của nhân loại. Trung Quốc cũng là nước đang vận động theo xu hướng chung này. Nếu giờ đây có ai nhìn họ như là những kẻ đi theo chủ nghĩa bành chướng thời cổ xưa thì có lẽ là đã khinh thường họ. Giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc hiện nay là một đội ngũ có bản lĩnh và trí tuệ. Để lãnh đạo đất nước Trung Quốc đi những bước dài trong khoảng 30 năm qua, giới lãnh đạo Trung Quốc không thể là những kẻ ngông cuồng chỉ biết chạy theo mục tiêu bành trướng. Theo nhận định của tôi thì cỗ máy chính trị của họ là một cỗ máy thực dụng và triệt để duy lý. Vì vậy, để phân tích mối đe dọa của họ đến đâu và đối sách của các bên thì cách tiếp cận thích hợp dựa trên những suy luận duy lý.

Loại ra ngoài kịch bản Trung Quốc điên cuồng theo đuổi mục tiêu bành trướng bằng mọi giá, thì vấn đề còn lại sẽ là bài toán chi phí - lợi ích của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sẽ như thế nào. Có lẽ lợi ích trực tiếp nhất của họ sẽ là dầu khí. Tuy nhiên, tới giờ này thì vẫn chưa có bất cứ một phát hiện nào về dầu mỏ hoặc khí đốt ở vùng Trường Sa. Có quan điểm cho rằng nếu chiếm được Trường Sa thì Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi đặc quyền kinh tế và lấy đi vùng biển có dầu mà Việt Nam đang khai thác. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã thực hiện động thái này rồi chứ không chờ tới khi chiếm được Trường Sa. Trung Quốc từ lâu đã hợp tác với công ty Crestone của Mỹ để thực hiện việc thăm dò và khai thác dầu khí ngay tại khu Từ Chính của Việt Nam trên các lô 133, 134, và 135.

Như vậy, lợi ích gia tăng (increased benefit) của việc chiếm được Trường Sa tại thời điểm này là không rõ ràng, nếu không muốn nói là tương đối ảo. Đương nhiên có thể chính quyền Trung Quốc có nhiều thông tin tốt hơn là các nguồn thông tin như của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ khả năng này.

Mặt chi phí của phương trình là vấn đề cực kỳ thú vị. Chi phí của phía Trung Quốc phụ thuộc vào việc Việt Nam sẵn sàng đi xa tới đâu trước các động thái gây hấn của họ. Vì khả năng phòng thủ của hải quân Việt Nam trên các đảo này không đáng kể so với năng lực tấn công hùng hậu của hải quân và không quân Trung Quốc, tôi cứ giả định một cách có lợi cho họ rằng chi phí quân sự trực tiếp liên quan đến cuộc chiến là bằng không. Vậy họ còn phải chịu các phí tổn gì khác?

Nếu Việt Nam thể hiện ra là một quốc gia bạc nhược với một chính phủ bạc nhược và sẽ không có phản ứng gì đáng kể thì quốc tế cũng sẽ không có phản ứng gì đáng kể. Cuộc xâm lược tiếp theo khi đó cũng chỉ như việc trao quyền kiểm soát từ tay nước này sang tay nước khác, và vì thế, cộng đồng quốc tế không có lý do gì phải bận tâm. Do đó, các khoản chi phí khác cũng sẽ bằng không hoặc gần bằng không. Trong trường hợp này, quyết định duy lý của Trung Quốc sẽ là tấn công và chiếm giữ các đảo của Việt Nam. Kịch bản này có lẽ gần gũi với bi kịch xảy ra cho Việt Nam vào năm 1988 khi chúng ta đánh mất một loạt các đảo ở Trường Sa vào tay Trung Quốc.

Trong trường hợp Việt Nam sẵn sàng phản ứng, thì chi phí của Trung Quốc sẽ tùy vào mức độ phản ứng của Việt Nam. Có nhiều mức độ phản ứng khác nhau, dưới đây tôi chỉ liệt kê ra 4 trong số đó:

Mức độ 1- phản đối về ngoại giao: Thí dụ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, quyết liệt phản đối họ trên mọi mặt trận ngoại giao có thể. Tìm mọi cách cản đường Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế. Tóm lại là biến mình thực sự trở thành một cái gai trong mắt Trung Quốc.

Mức độ 2- ngừng mọi hoạt động giao thương với Trung Quốc:

Kim ngạch buôn bán giữa hai nước năm 2010 là 25.13 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Trung Quốc 5.12 tỷ USD, ngược lại Trung Quốc xuất sang Việt nam 20.01 tỷ USD. Trung Quốc hàng năm nhập khoảng 5 triệu tấn dầu thô từ Việt Nam. Giả sử sau quyết định khiêu chiến của Trung Quốc, Việt Nam có thể tuyên bố ngừng giao thương (và vì thế Việt Nam phải chấp nhận thiệt hại hết sức nặng nề về kinh tế) trong khoảng 10 năm, thì phía Trung Quốc sẽ thiệt hại một khoản giao thương không dưới 300 tỷ USD.

Mức độ 3 – thường xuyên tìm cách quấy nhiễu các vùng khai thác dầu của Trung Quốc ở gần (hoặc trên) thềm lục địa Việt Nam: Giả sử sau cuộc thôn tính, Việt Nam liên tục gửi hải quân tuần tiễu và quấy nhiễu các vùng khai thác dầu của Trung Quốc, khả năng là các công ty khai thác dầu của nước ngoài sẽ bỏ đi (giống trường hợp BP bỏ Việt Nam ra đi năm vừa rồi). Để bảo vệ các cơ sở thăm dò và khai thác của mình, Trung Quốc phải liên tục duy trì các tàu quân sự trong vùng biển khai thác. Điều này làm chi phí thăm dò - khai thác tăng lên rất nhiều. Tôi không có số liệu cụ thể để ước định khi đó liệu việc thăm dò khai thác dầu khí có còn là hoạt động mang lại lợi nhuận đối với Trung Quốc nữa hay không.

Mức độ 4 – tiến hành cuộc chiến tranh ở biên giới trên đất liền: Chiến tranh biên giới giữa hai nước không phải là câu chuyện xa xưa và Trung Quốc hiểu điều này. Nếu phía Việt Nam quyết tâm gây tổn thất kinh tế cho Trung Quốc ở các thành phố gần biên giới thì họ hoàn toàn có thể làm được. Để bảo vệ các thành phố và cơ sở kinh tế, Trung Quốc sẽ phải thực hiện cuộc chiến tranh biên giới và như thế sẽ có những thiệt hại tiếp theo mà quy mô là chưa lường trước được.

Tóm lại của phần viết này là nếu Việt Nam có thể cho Trung Quốc thấy mình sẵn sàng thực hiện các hoạt động trả đũa đáng kể thì khi đặt lên bàn cân các chi phí và lợi ích của việc thôn tính Trường Sa, họ sẽ không muốn làm. Đương nhiên, phía Việt Nam không thể thuyết phục được Trung Quốc tin rằng Việt Nam sẽ trả đũa ở mức độ ghê gớm như vậy nếu chỉ thông qua vài phản ứng yếu ớt có tính ngoại giao mỗi khi họ có động thái thử thách phản ứng của Việt Nam.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG