Đường dẫn truy cập

Trung Quốc trong chương trình nghị sự khi ông Biden gặp ông Tô Lâm


Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 22/9/2024.
Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 22/9/2024.

Cuộc gặp của tân Chủ tịch nước Việt Nam, Tô Lâm, với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chiều ngày 25/9 là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á để đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực và là cơ hội để Việt Nam chứng minh sự trung lập trên trường quốc tế khi duy trì quan hệ tốt đẹp với các đối thủ của Mỹ là Trung Quốc và Nga, theo giới phân tích.

Lãnh đạo hai nước Việt-Mỹ gặp nhau tại New York, bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Cuộc gặp giữa ông Lâm với ông Biden diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Việt Nam đã có chuyến đi quan trọng tới Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu năm và sau đó đã tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hà Nội vào giữa năm.

Trong bài phân tích đăng trên DW hôm 25/9, tác giả David Hutt cho rằng chuyến đi của ông Tô Lâm tới New York phản ánh hành động cân bằng tinh tế của Việt Nam trên trường thế giới khi Hà Nội nỗ lực định vị mình là một bên có ảnh hưởng trong địa chính trị toàn cầu.

“Mong muốn duy trì khoảng cách cân bằng giữa các siêu cường của Việt Nam khiến ông Tô Lâm tự nhiên muốn gặp ông Biden sau chuyến thăm Trung Quốc và gặp Tập Cận Bình”, bài nhận định trên DW dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang từ Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết.

Mặc dù cả ông Lâm lẫn ông Biden không nhắc tới Trung Quốc trong phát biểu của mình, Tòa Bạch Ốc nói cuộc gặp là “cơ hội quan trọng để hai nhà lãnh đạo thảo luận về mối quan tâm chung của chúng ta đối với sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á”.

Trước cuộc gặp với Tổng thống Biden, ông Tô Lâm đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, trong đó ông nêu bật tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu bao gồm căng thẳng địa chính trị.

Những thách thức chưa từng có “buộc chúng ta phải đoàn kết, hành động và làm việc cùng nhau, duy trì vai trò của các thể chế quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Liên hiệp quốc,” theo lời ông Lâm, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Trong cuộc gặp ông Biden hôm 25/9, ông Lâm ca ngợi điều mà ông gọi là đóng góp lịch sử của ông Biden trong việc nâng cao quan hệ song phương.

Còn Tổng thống Biden cho biết kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên mới trong quan hệ vào năm ngoái, hai nước đã đầu tư đáng kể vào chất bán dẫn và chuỗi cung ứng, đồng thời triển khai hợp tác chưa từng có về an ninh mạng.

Tổng thống Biden cũng cho hay đôi bên đoàn kết trong các cam kết về tự do hàng hải và pháp quyền - ám chỉ các tranh chấp hàng hải trong khu vực với Trung Quốc.

Ông Lâm nói với ông Biden rằng Việt Nam đang trên đà bước vào một kỷ nguyên phát triển mới và là một người bạn, đối tác đáng tin cậy, theo Thông tấn xã Việt Nam.

“Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện kiên quyết chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương và đa dạng hóa”, truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn lời ông Lâm nói với ông Biden.

Tuần này ông Lâm cũng gặp đại diện các công ty Hoa Kỳ ở New York, bao gồm cả công ty Meta, với những cam kết mở rộng đầu tư vào đất nước do đảng Cộng sản cai trị với dân số 100 triệu người.

Ông Lâm yêu cầu các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ ủng hộ nỗ lực của Hà Nội nhằm yêu cầu Washington công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và dỡ bỏ các hạn chế thương mại khác cũng như để Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Biden đã thăm Hà Nội và đạt được các thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng sản cũng như nâng cấp quan hệ ngoại giao, bất chấp những lo ngại của Hoa Kỳ về các vấn đề nhân quyền của Việt Nam.

Khi được hỏi liệu vấn đề quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam có được thảo luận hay không, quan chức cấp cao của Mỹ cho báo giới biết: “Họ đã nói về hợp tác kinh tế một cách rộng rãi và có kế hoạch tăng gấp đôi hợp tác với Việt Nam.”

Khi được hỏi đôi bên có thảo luận về Trung Quốc hay không, quan chức này cho hay: “Hai nhà lãnh đạo thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đang sống trong một khu vực phức tạp.”

Quan chức này cho biết có sự thừa nhận rằng Hà Nội “phải rất thận trọng và mang tính chiến lược trong cách tiếp cận khu vực” và Hoa Kỳ là một đối tác chiến lược.

Reuters dẫn lời ông Alexander Vuving, một chuyên gia về Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương Inouye ở Hawaii, cho rằng cuộc gặp này quan trọng trong việc giúp ông Lâm củng cố quyền lực sau khi được xác nhận là lãnh đạo cao nhất của Việt Nam vào tháng 8 và thể hiện vị thế cân bằng của Việt Nam giữa các cường quốc lớn cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ với Hà Nội trong chính sách châu Á của Hoa Kỳ.

Diễn đàn

Liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG