Trong 3 tuần qua, cha của cô Farah El Moataz không cho cô ra khỏi nhà. Ông nói một cô gái 15 tuổi không có chỗ đứng trong một cuộc cách mạng. Farah nói:
“Lúc đầu tiên tôi xin cha cho tôi đi nhưng ông nói không, rất nguy hiểm. Tôi tiếp tục nói với ông là ở trường nói phải bày tỏ ý kiến của mình. Cuối cùng hôm nay cha tôi đồng ý, tôi có thể xuống phố, đến quảng trường Tahrir. Cuối cùng tôi ở đây.”
Tuy nhiên Cô Farah không mang theo máy ảnh để chụp thời điểm lịch sử này và cô cũng không đi với bạn bè. Cô đi xe buýt đến đây một mình, với một cây chổi để quét đường phố nơi những người biểu tình chiếm giữ trong 18 ngày đêm. Farah giải thích:
“Vì đây là đất nước tôi, tôi muốn đất nước tôi tốt đẹp nhất trên thế giới.”
Nhiều gia đình tản bộ xuống trung tâm Cairo, vẫy cờ Ai Cập. Cha mẹ bồng con bên cạnh những chiếc xe bọc sắt của quân đội nằm bất động và chụp ảnh để kỷ niệm.
Cô Doaa Sabry 18 tuổi nói giới trẻ Ai Cập sẵn sàng bước ra thế giới:
“Chúng tôi gợi cảm hứng cho mọi người trong cuộc cách mạng này, và chúng tôi muốn làm điều gì đó để gây cảm hứng cho mọi người trên thế giới, vì chúng tôi có thể làm được điều đó.”
Ông Amin Abu Hashem mô tả cảm nghĩ được có quyền lực:
“Mọi người đều cảm thấy hy vọng tuôn tràn từ người này sang người khác, như là bây giờ chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì. Mọi người đều có chung cảm nghĩ về một nước Ai Cập mới - xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn cho mọi người.”
Tuy nhiên bên dưới sự phấn khích mạnh mẽ này còn có trách nhiệm. Hơn 115.000 người đã ký tên gia nhập một tổ chức trong Facebook có tên là “Chiến dịch Xây dựng lại Ai Cập.”
Cô Farah El Moataz cầm lấy cây chổi, nhưng những người khác không biết bắt đầu ở đâu.
Ông Karen Kamel, một cư dân Cairo nói sau 30 năm dưới chế độ chuyên chế, ý nghĩ được tự do ít nhiều tràn ngập tâm tưởng:
“Chúng tôi đã quá quen thuộc với điều đó trong 30 năm qua và nhiều người có lẻ thích ổn định hơn là một cái gì mới mẻ. Tôi nghĩ mỗi người đều sợ thay đổi và những gì rất mới, nhưng tôi nghĩ việc làm cho Ai Cập tốt đẹp hơn nằm trong tay của người dân.”
Nhiều việc vẫn còn chưa quyết định. Ai sẽ lãnh đạo Ai Cập trong dài hạn? Việc thay đổi hiến pháp như thế nào trong những ngày tới?
Có nhiều câu hỏi là quảng trường Tahrir sẽ trở nên như thế nào nơi hàng chục người biểu tình không vũ khí chết trong những trận đụng độ với nhân viên an ninh trước khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức.
Cô Fafette Mazloum nói cô muốn thấy một đài kỷ niệm được xây dựng tại quảng trường:
“Đó là vì dân chúng. Đó sẽ là một nơi để mọi người có thể đến và nhớ lại những gì đã xảy ra ở đây và người Ai Cập đã có thể làm một cuộc cách mạng hòa bình như thế nào. Đây là biểu tượng cho thế giới, là nhiều việc không cần phải có bạo động.”
Đối với người Ai Cập chỉ vừa mới trở lại cuộc sống bình thường sau 18 ngày bất ổn định, tương lai còn có nhiều nghi vấn lớn. Còn bây giờ có lẽ dễ nhất là cầm chổi và bắt đầu quét.
Một số hình ảnh mới ở Ai Cập