Liên hiệp châu Âu (EU) vừa cấp thêm 15 triệu EUR dưới hình thức hỗ trợ ngân sách cho Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Chuyển đổi Năng lượng Bền vững Việt Nam - EU (SETP).
Khoản hỗ trợ này nâng tổng số tiền giải ngân của EU theo chương trình trên lên 63 triệu EUR dưới dạng hỗ trợ không hoàn lại vào ngân sách quốc gia theo các điều kiện về hiệu quả thực hiện đã được thỏa thuận, theo thông cáo hôm 6/1 của khối.
“Khoản ngân sách này sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục quá trình chuyển đổi năng lượng sạch hướng đến mục tiêu ‘Net Zero’ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050”, thông cáo viết.
EU hỗ trợ việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các khoản đầu tư của khu vực công và tư nhân cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, hướng tới việc triển khai Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), như một phần của chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU.
Chương trình hỗ trợ ngân sách SETP do EU tài trợ với tổng giá trị viện trợ không hoàn lại là 142 triệu EUR đóng góp cho JETP, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam.
“Chương trình này khẳng định sự hợp tác chặt chẽ và cam kết lâu dài của EU trong việc đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam, cũng như mục tiêu Net Zero”, thông cáo viết.
Hồi năm 2023, nhóm các nhà tài trợ quốc tế - trong đó có Hoa Kỳ và các nước EU- cam kết huy động 15,5 tỉ đô la để hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), theo đó khuyến khích việc từ bỏ dần than đá và phát triển các năng lượng tái tạo.
Vào tháng 6/2024, các tổ chức môi trường quốc tế trong Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam công bố phúc trình nêu lên những hạn chế của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết chuyển đổi năng lượng, đồng thời lên tiếng báo động việc chính quyền Việt Nam bắt giữ các nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường và năng lượng. Phúc trình này chỉ ra rằng việc “đàn áp” các nhà hoạt động khí hậu ở Việt Nam đã gây “quan ngại” về khả năng JETP đạt được các mục tiêu và sử dụng các quỹ như dự định.
Diễn đàn