Chính phủ Đức và Ủy ban Châu Âu dường như đang bất đồng về một giải pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu khi chủ tịch ủy ban Jose Manuel Barroso ngày hôm nay dự kiến sẽ công bố một kế hoạch phát hành chung trái phiếu được gọi là “trái phiếu bình ổn” của các nước trong khối sử dụng đồng euro.
Thủ tướng Đức Angela Merkel không coi trái phiếu, còn được gọi là eurobonds này, là giải pháp lâu dài cho vấn đề khủng hoảng nợ hiện hành, và nói rằng giờ không phải là lúc để tranh luận về trái phiếu.
Các lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên hiệp Châu Âu dự kiến sẽ tranh luận về việc phát hành trái phiếu châu Âu tại một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 9/12.
Bất kỳ hành động nào đòi hỏi các nước thành viên cứu nguy các đối tác ngoài hành động tự nguyện sẽ đòi hỏi phải thay đổi hiệp ước của Liên hiệp Châu Âu.
Là những đại diện của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, các giới chức Đức lo rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với phần lớn nhất của khoản nợ trái phiếu.
Tại hội nghị Hiệp hội Giới chủ Đức, ông Olli Rehn, ủy viên châu Âu về vấn đề tiền tệ, bình luận rằng “rõ ràng là bất kỳ loại trái phiếu euro nào cũng sẽ phải thực hiện song song với việc tăng cường đáng kể hoạt động theo dõi tài chính và phối hợp các chính sách như một biện pháp đối trọng quan trọng.”
Trong khi đó, Liên hiệp Châu Âu thẳng thắn nói với chính phủ Hy Lạp ngày hôm qua rằng họ sẽ không nhận được khoản giải ngân kế tiếp trị giá 11 tỷ đôla từ ngân sách cứu nguy được chấp thuận hồi năm ngoái nếu các lãnh đạo chính trị đầy chia rẽ của Hy Lạp không ký một công bố bằng văn bản cam kết thực hiện các biện pháp kiệm ước mới để giảm nợ của nước họ.
Hy Lạp cần số tiền này để tránh vỡ nợ vào tháng tới, nhưng lãnh đạo bảo thủ Antonis Samaras nói rằng sự đồng ý bằng miệng của ông đối với kế hoạch kiệm ước không được lòng dân là đủ và không chịu ký vào cam kết bằng văn bản.
Một lãnh đạo tài chính quan trọng của EU, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker nói với tân Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos rằng không có cam kết bằng văn bản, việc giải ngân “dĩ nhiên sẽ không diễn ra.”
Trong khi đó, triển vọng về một chính phủ bảo thủ ở Tây Ban Nha do Thủ tướng mới đắc cử Mariano Rajoy đã không thể dập tắt được các áp lực đang tăng cao đối với chính phủ Tây Ban Nha trên thị trường tài chính.
Tây Ban Nha bị buộc phải trả lãi suất cao trong vòng 14 năm cho các khoản nợ của chính phủ. Tỷ lệ trái phiếu 3 tháng đã lên tới 5%, tăng gấp đôi so với thời điểm cách đây 1 tháng và cao hơn cả tỷ lệ mà Hy Lạp và Bồ Đào Nha phải trả.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1