Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng những khó khăn về tài chính của khu vực sử dụng đồng euro có lẽ là cuộc khủng hoảng lớn nhất tại Châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai.
Hôm qua, bà Merkel nói rằng một Châu Âu thống nhất có thể sụp đổ nếu khối sử dụng đồng euro gồm 17 nước trong bị tan rã vì vấn đề nợ nần tại Hy Lạp, Ý và các nơi khác.
Đức là nền kinh tế mạnh nhất Châu Âu, và nhận định của nhà lãnh đạo Đức được đưa ra giữa lúc các nhà lãnh đạo mới ở Ý và Hy Lạp phải đối phó với món nợ khổng lồ và tình trạng tăng chậm chạp có thể tác động đến nền kinh tế trong khu vực sử dụng đồng euro.
Các công chức Hy Lạp dự trù đình công 3 tiếng đồng hồ hôm nay để phản đối tân chính phủ.
Trong khi đó, thành viên Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng trung ương Châu Âu và Liên hiệp Châu Âu EU dự kiến bắt đầu thảo luận với các giới chức chính phủ trước khi quyết định tháo khoán số tiền cho vay kế tiếp cho Hy Lạp.
Ngày mai, Quốc hội Hy Lạp sẽ mở cuộc biểu quyết tín nhiệm đối với chính phủ mới của Thủ tướng Lucas Papademos và các đề nghị các thay đổi chính sách.
Thủ tướng Ý vừa được chỉ định Mario Monti hôm qua nói rằng người dân nước này sẽ phải hy sinh. Ông nói rằng ông cần thời gian để thực hiện việc cắt giảm chi tiêu và cải cách kinh tế mà quốc hội thông quan tuần trước.
Ông Monti nói ông và nội các hiện đang được thành lập dự tính lưu lại nhiệm sở cho tới cuộc bầu cử năm 2013. Ông cho biết đưa ra một thời hạn sớm hơn cho chính phủ của ông sẽ làm mất đi uy tín của chính phủ.
Ý có thể vay được trên 4 tỉ đôla sau khi bán đợt công trái mới hôm qua. Lãi suất cao nhất tính từ năm 1997. Nhưng các nhà phân tích nói rằng sự đáp ứng tốt đẹp đối với việc bán công trái và thị trường chứng khoán Á Châu tăng giá cho thấy các nhà đầu tư đang tin tưởng vào nước Ý.
Các nhà lãnh đạo EU đang làm áp lực đòi Ý cắt giảm công chi để tránh trở thành nước mới nhất yêu cầu được cứu nguy. Các giới chức Châu Âu lo ngại nên kinh tế nước Ý quá lớn để có thể được cứu nguy.