Đường dẫn truy cập

Nghịch lý của việc viện trợ lương thực đầy đủ


Thung lũng Artibonite là trung tâm sản xuất lúa gạo của Haiti
Thung lũng Artibonite là trung tâm sản xuất lúa gạo của Haiti

Bộ trưởng Tài chánh của Hoa Kỳ và 3 nền kinh tế lớn khác đã thành lập một quỹ mới để chống lại tình trạng đói nghèo trên thế giới. Chương trình An ninh Lương thực và Nông nghiệp Toàn cầu có mục đích giúp nông dân tại các quốc gia đang phát triển nuôi sống một tỉ người trên thế giới hiện đang trong cảnh đói kém. Các chuyên gia cho rằng giúp nông dân có thể chống được nạn đói hay hơn là chỉ viện trợ lương thực trong thời kỳ khủng hoảng. Theo như tường trình của Thông Tín Viên Steve Baragona của Đài VOA thì việc đáp ứng với trận động đất ngày 12 tháng Giêng năm nay tại Haiti chứng tỏ rằng việc cứu trợ lương thực đầy đủ lại đưa đến những hậu quả không lường trước được.

Cách thủ đô Port-au-Prince của Haiti khoảng 3 tiếng đồng hồ lái xe về phía bắc, Thung lũng Artibonite là trung tâm sản xuất lúa gạo của Haiti.

Trong mùa này, nông dân Charles Surfoad tích trữ gạo hơn là bán ra. Ông nói là những nỗ lực cứu trợ nạn nhân động đất đã làm cho gạo tràn ngập thị trường khiến cho giá gạo hạ xuống.

Ông cho biết thêm là nếu bán gạo ra lúc này ông sẽ thua lỗ:

“Trợ giúp bằng lương thực không bao giờ có lợi cho chúng tôi. Nông dân như tôi là người đầu tiên chịu ảnh hưởng. Không nên gửi đến một quốc gia những thứ người ta có thể trồng trọt được ngay tại quốc gia đó.”

Ông Surfoad nói thêm là nếu không bán gạo được, ông không có tiền để mua lúa giống cho mùa tới. Và cũng vì ông cung cấp lúa giống cho 50 người láng giềng cho nên mùa vụ tới của những người này cũng bị ảnh hưởng.

Và toàn bộ dây chuyền sản xuất cung cấp cũng bị ảnh hưởng, từ nông dân cho đến những người bán sỉ và bán lẻ lúa gạo trên thị trường địa phương.

Một người bán gạo cho biết:

“Họ không mua gạo của tôi vì có rất nhiều gạo được phát không.”

Lương thực là một trong những nhu cầu khẩn thiết trong trường hợp khủng hoảng nhân đạo. Tuy nhiên những trường hợp này phản ánh một sự thực là khi các nhà cấp viện mang đến nhiều lương thực thì những người sống bằng cách trồng trọt và buôn bán lương thực có thể bị thiệt hại.

Ông Brooke Isham điều khiển Chương trình Lương thực vì Hòa bình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ lên tiếng qua một thông dịch viên :

“Chắc chắn là có nhiều rủi ro và chúng tôi biết rất rõ điều này. Và đó là lý do tại sao chúng tôi luôn luôn để ý đến ảnh hưởng của viện trợ lương thực đối với trị trường địa phương và liệu nó có làm sụt giá lương thực trên thị trường địa phương hay không.”

Ông Etienne Labonde thuộc Chương trình Lương thực Thế giới nói là vào tháng 3, các cuộc nghiên cứu cho thấy viện trợ lương thực không gây trở ngại quan trọng cho nền kinh tế Haiti. Ông nói:

“Tôi không biết. Có thể đây chỉ là cảm nghĩ chứ không phải thực tế vào lúc này.”

Dù là cảm nghĩ hay thực tế, Tổng thống Haiti Rene Preval nêu lên vấn đề này khi ông đến thăm Washington tháng trước.

Ông nói là viện trợ lương thực là điều thiết yếu, không thể nào không có ngay sau cơn động đất, nhưng ông yêu cầu các nhà cấp viện giảm bớt đi:

“Nếu nước và lương thực được tiếp tục từ nước ngoài gởi tới thì những thứ này sẽ cạnh tranh với những sản phẩm của Haiti cũng như với việc buôn bán của Haiti.”

Các nhà cấp viện đồng ý giảm bớt lại.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng các nhà cấp viện có thể giúp những người đang có nhu cầu cũng như giúp cho việc sản xuất của Haiti bằng cách mua lương thực viện trợ nhân đạo tại địa phương thay vì phải nhập cảng vào.

Ông Marc Cohen thuộc tổ chức cứu trợ Oxfam nói rằng Liên hiệp châu Âu, Canada và Chương trình Lương thực Thế giới mua lương thực tại địa phương bất cứ khi nào có thể được:

“Tuy nhiên trên thực tế, Hoa Kỳ nước viện trợ lương thực lớn nhất lại đi sau một bước đối với việc thi hành chương trình viện trợ lương thực có hiệu quả.”

Viện trợ lương thực của Hoa Kỳ bao gồm hầu hết các loại ngũ cốc do Hoa Kỳ sản xuất. Ông Cohen nói điều này đã bắt đầu từ những năm 1950. Ông nói tiếp:

“Người ta có những thứ mà chúng tôi gọi là gánh nặng dư thừa về lương thực. Do đó viện trợ lương thực là cách thức để tống khứ những dư thừa đó đi.”

Hiện nay Quốc hội Mỹ đang cứu xét một dự luật cho phép chương trình viện trợ lương thực của Mỹ được mua tại địa phương.

Trong khi đó tại Haiti nhiều cơ quan cấp viện đang theo đuổi một chính sách khác nữa để tránh làm xáo trộn thị trường.

Những cơ quan này đang tạo công ăn việc làm để người dân Haiti có tiền tự mua lương thực. Theo ông Brooke Isham thuộc cơ quan viện trợ Mỹ thì nhiều việc làm được tạo ra cũng sẽ làm lợi cho nông dân nữa. Ông giải thích:

“Tu sửa những kênh đào, đê đập dùng trong nông nghiệp, đại loại như vậy“

Vấn đề hiện nay là liệu có đủ công ăn việc làm để người dân Haiti có thể tự túc hay là Haiti, một lần nữa, sẽ lại phải đối mặt với những nghịch lý về viện trợ lương thực hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG