VOA: Trước đây chị từng là một ca sĩ chứ không phải là một vận động viên, vậy lý do gì đã khiến chị và chồng lại quyết định thành lập một đội bóng chày tại Việt Nam vậy?
Ngọc Thúy: Tại vì trước đây tôi sinh bé đầu tiên khi ở Mỹ và cháu rất thích môn bóng chày ở bên này. Khi cháu được 4 tuổi thì gia đình quyết định về Việt Nam, nhưng mà kiếm môn bóng chày này ở Việt Nam để chơi thì rất là khó, mà con tôi lại thích chơi bóng chày vì môn này nó có tính đồng đội cao. Khi sinh nhật cháu, các bạn Việt Nam tới dự sinh nhật và tặng Ben cuốn truyện Doremon. Lúc đó tôi nghĩ ‘ồ, tại sao ở Việt Nam các con nó đọc truyện bóng chày hay quá!’. Tôi hỏi các con có thích bóng chày không thì các cháu nói thích lắm nhưng không được chơi và không biết chơi như thế nào mà chỉ đọc trong sách thôi. Từ đó chúng tôi có ý định thành lập đội bóng chày để các con được chơi với nhau, và chúng tôi bắt đầu tìm tòi sân bãi và tập hợp các cháu lại để chơi môn này.
VOA: Và lúc đó là vào năm nào thưa chị?
Ngọc Thúy: Chúng tôi quyết định thành lập năm 2008. Trước đó chúng tôi đã kiếm sân và tập cho các cháu được một năm rồi. Nhưng khi gộp được khoảng 20 – 30 cháu thì chúng tôi quyết định thành lập câu lạc bộ và xin giấy phép. Trước ngày đội bóng lên đường đi thi đấu thì ông Hoàng Vĩnh Giang đã quyết định cho thành lập đội bóng cách nay một tháng.
VOA: Môn bóng chày là một môn thể thao rất mới mẻ ở Việt Nam, vậy chắc hẳn khi thành lập câu lạc bộ chị đã không tránh khỏi một số khó khăn phải không ạ?
Ngọc Thúy: Thật sự là đến bây giờ vẫn còn một số khó khăn vì môn này cần sân bãi rất rộng, trang thiết bị phải an toàn, nói chung là hơi cầu kỳ hơn so với những môn khác. Ở Việt Nam mình thì đây hoàn toàn là một môn mới, nên phải làm sao để thuyết phục phụ huynh, thuyết phục các cháu chơi và hiểu về luật chơi, mà theo tôi là tương đối khó. Những từ ngữ phải dùng bằng tiếng Anh cho nên các cháu vừa chơi vừa có thể học được tiếng Anh và học được tính đồng đội của môn bóng. Thêm nữa, tất cả các dụng cụ, quần áo, giày thi đấu chúng tôi đều phải nhập từ nước ngoài về chứ Việt Nam mình hoàn toàn không có.
VOA: Vậy thì các khoản tài trợ cho các em thì được lấy từ nguồn nào, thưa chị?
Ngọc Thúy: Trước đây, hai vợ chồng tôi bỏ tiền thuê sân bãi và mua thiết bị cho các con, vì tôi biết nếu mà các con có điều kiện cũng không biết mua cái này ở đâu, cho nên chúng tôi mua từ bên Mỹ rồi nhờ Bố, Mẹ chồng giúp mua từ bên đó về đây. Tiền sân bãi cũng là một vấn đề khó khăn đối với chúng tôi tại Hà Nội. Hai năm đầu chúng tôi phải trả tiền sân bãi rất là cao mà thậm chí cũng không có sân nữa, nên chúng tôi phải đến tận Xuân Đỉnh thì mới có sân, vì khi nói tới môn bóng chày là người ta nói 'thôi, sân đã cho thuê hết rồi'. Sau này các cháu ngày càng đông thì phụ huynh mới bàn là mỗi người đóng một ít để trả tiền sân bãi và mướn thêm huấn luyện viên để phụ vợ chồng chúng tôi.
Sau này công ty SSI và công ty Sông Đà và một số công ty nhỏ cũng đã tài trợ cho các chuyến thi đấu quốc tế của đội bóng.
VOA: Còn các em tham dự đội bóng được tuyển chọn ra sao, thưa chị?
Ngọc Thúy: Theo tôi trước đây ở Việt Nam cũng có một đội bóng nhỏ của trường quốc tế UNIS và một trường của Nhật Bản cũng có một đội bóng chày. Tuy nhiên họ chỉ lựa chọn các học sinh trong trường của họ thôi. Còn theo tôi, thì tôi không nghĩ là mình chỉ tập trung các em ở một trường, vì đây là môn thể thao mà tôi nghĩ tất cả các cháu đều được chơi, đều được công bằng như nhau. Vậy nên, các cháu học trường công cũng như trường tư, các cháu biết tiếng Anh cũng như các cháu không biết một chữ tiếng Anh, rồi các cháu có hoàn cảnh rất khó khăn, có cả những cháu mồ côi không có Bố, Mẹ, tôi vẫn có thể cho tham gia đội bóng, vì đây là môn mang tính đồng đội cao nên các con có thể chia sẻ lẫn nhau được, vì vậy chúng tôi nhận hết tất cả các cháu yêu mến môn thể thao này.
VOA: Chị có thể cho biết thêm về giải đấu mà đội tham dự ở Mỹ được không ạ?
Ngọc Thúy: Chuyến đi này của chúng tôi kéo dài 45 ngày. Chúng tôi đi tới 3 nước là Indonesia, Đài Loan và Mỹ. Tại Indonesia, chúng tôi thi đấu cho giải Bóng chày Thiếu nhi Quốc tế cho lứa tuổi U11, được tổ chức tại Surabaya ở đảo Bali. Sau đó chúng tôi qua Đài Loan và ở Đài Bắc 1 tuần để thi đấu trong giải PONY, cũng là một giải bóng chày thuộc một hiệp hội khác. Để thi đấu trong những giải này thì phải được Hội bóng Chày thiếu Nhi Quốc tế công nhận thì mới được tham gia. Chúng tôi cũng may mắn được các hiệp hội này công nhận cho đội Hà Nội gia nhập hiệp hội. Và tại Mỹ đội bóng thi đấu tại giải All Star của U 11, tức là giải cho những cầu thủ giỏi nhất.
VOA: Để được tham dự những giải đấu này thì đội bóng đã trải qua những thử thách gì, thưa chị?
Ngọc Thúy: Tất nhiên khi ở Việt Nam mình không có nhiều đội để cọ xát với nhau, nhưng mà trước khi tham gia giải đấu này thì mỗi một chủ nhật chúng tôi phải tổ chức các trận đấu cho các cháu thi đấu, ít nhất các cháu phải thi đấu khoảng 40 trận. Chúng tôi đã tổ chức cho các cháu thi đấu với trường UNIS và trường của Nhật Bản, rồi mình mới chọn ra các cầu thủ giỏi nhất. Hiện nay câu lạc bộ có gần 100 cháu, thì mình chọn ra khoảng 9-10 cháu, có thể là 11 cháu để đi thi đấu, trong khi các nước khác thì họ có khoảng mấy ngàn cầu thủ để lựa chọn 10-11 cầu thủ. Tất nhiên, chúng tôi hy vọng sang năm sẽ tuyển chọn được nhiều cầu thủ hơn. Đây là một giải để chọn những cầu thủ giỏi nhất để thành lập một đội tuyển quốc gia của Việt Nam để đi cọ xát với các bạn nước ngoài.
VOA: Vậy kế hoạch sắp tới của đội bóng là gì thưa chị?
Ngọc Thúy: Sau khi thi đấu xong lần này, các cháu sẽ đi cắm trại ở Seattle một tuần rồi sau đó về nước bắt đầu một năm học mới, thì tôi hy vọng là sẽ cố gắng làm lại một sân đấu. Đi thi đấu lần này các cháu đã biết được cái sân bóng chày thực sự của người ta ra sao, và cọ xát với các bạn như thế nào. Đó là điều mà tôi nghĩ nếu ở Việt Nam thì các cháu không biết được. Lần này các cháu học hỏi được rất là nhiều, các cháu rất phấn khởi, tôi rất là mừng và các cháu rất khỏe mạnh và rất vui. Hy vọng là khi về đến Việt Nam, theo ước mơ của tôi là chúng tôi sẽ có một sân vừa với lứa tuổi các cháu để các cháu được cọ xát nhiều hơn.
Kế hoạch của tôi là vào dịp 1.000 năm Thăng Long, tôi rất muốn mời được một đội bóng chày lân cận như Malaysia, Indonesia, ngay cả Campuchia họ cũng có rồi. Nếu không kịp thì tôi cũng hy vọng tháng 9 hay tháng 10 tới sẽ mời được một vài đội tham gia.
VOA: Xin cảm ơn chị Ngọc Thúy rất nhiều và xin được nói chuyện với một vài em trong đội bóng ạ.
Quốc Minh: Con tên là Phạm Quốc Minh, năm nay con 12 tuổi
Ben: Tên đầy đủ của con là Ben Nguyễn
VOA: Chào Minh và Ben, trước đây Minh có chơi môn thể thao nào khác không?
Quốc Minh: Trước đây con có ạ, trước đây con chơi bóng rổ ạ
VOA: Còn Ben thì sao, ngoài bóng chày Ben còn chơi môn thể thao nào khác không?
Ben: Dạ con chơi bóng bàn.
VOA: Môn bóng chày này còn rất là mới mẻ ở Việt Nam, tại sao Minh lại chọn chơi môn này vậy?
Quốc Minh: Dạ vì con thấy môn này rất là lạ và con rất yêu thích môn này ạ.
VOA: Còn Ben, tại sao Ben lại say mê môn bóng chày đến vậy?
Ben: Vì môn đấy rất vui, môn đấy làm con kết bạn được nhiều hơn và môn đấy làm con khỏe hơn.
VOA: Vậy bóng chày chơi có khó không Minh?
Quốc Minh: Bóng chày đầu tiên thì khó với con ở một số điểm, ví dụ như là ném và bắt, nhưng bây giờ được các huấn luyện viên dậy cho con thì con cảm thấy không khó nữa và thành thạo rồi ạ.
VOA: Theo Minh, trong môn bóng chày thì điều gì là quan trọng nhất?
Quốc Minh: Trong môn bóng chày con thấy tính đồng đội là quan trọng nhất và tính kiên trì là quan trọng nhất.
VOA: Được đi thi đấu ở Mỹ Minh có cảm tưởng thế nào?
Quốc Minh: Con rất vui và tự hào về đội bóng của mình ạ.
VOA: Còn về nước Mỹ thì sao? Minh thấy nước Mỹ thế nào?
Quốc Minh: Con thấy nước Mỹ rất là đẹp và môn bóng chày rất phát triển ở đây ạ.
Cựu ngôi sao nhạc nhẹ Ngọc Thúy, người được gọi là giọng ca vàng ASEAN hồi cuối thập niên 1990, đã quyết định nghỉ ca hát khi theo chồng, một luật sư người Mỹ, ông Thomas Treutler, sang Mỹ định cư. Tuy nhiên, sau khi hai vợ chồng nữ ca sĩ quyết định quay trở lại Việt Nam sinh sống để con họ có thể học nói tiếng Mẹ đẻ của chị và văn hóa Việt, Ngọc Thúy đã bước sang một sự nghiệp mới và trở thành một huấn luyện viên bóng chày cho thiếu nhi. Mới đây đội bóng chày Hà Nội do hai vợ chồng chị thành lập đã đi thi đấu tại một số giải bóng chày thiếu nhi thế giới và cũng là đội bóng chày Việt Nam đầu tiên sang thi đấu tại Mỹ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1