Đường dẫn truy cập

Môn thể thao leo thác nước ở Việt Nam


Huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn đang leo thác nước ở Đà Lạt, Việt Nam
Huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn đang leo thác nước ở Đà Lạt, Việt Nam

Môn thể thao leo thác nước chỉ mới du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng 5 năm, và đến nay mới bắt đầu thu hút dần được những người thích các môn chơi cảm giác mạnh. Tấn Chương mời qúy vị cùng theo dõi cuộc trao đổi với ông Ngô Anh Tuấn, huấn luyện viên môn leo thác đầu tiên của Việt Nam, người đã khởi sự cho môn thể thao cảm giác mạnh này tại thành phố Đà Lạt, về một số chi tiết của môn thể thao còn mới mẻ này tại Việt Nam.

VOA: [Chào anh Tuấn] Anh có thể giới thiệu khái quát sự hình thành của môn chơi mạo hiểm này tại Việt Nam?

Ngô Anh Tuấn: Đây là một hình thức du lịch kết hợp với thể thao mạo hiểm được du nhập từ Pháp về. Hiện giời công ty của tôi đang phục vụ cho du khách, chủ yếu là du khách quốc tế, còn du khách Việt Nam thì số lượng vẫn còn hạn chế, chưa nhiều lắm.

VOA: Tên công ty của anh?

Ngô Anh Tuấn: Dalat Discovery Travel, chuyên cung cấp những tour du lịch khám phá. Ngoài những tour thuần túy, công ty của tôi luôn tìm mới những tour du lịch-khám phá.

VOA: Tại sao số du khách Việt Nam chơi môn thể thao này còn hạn chế?

Ngô Anh Tuấn: Tại vì đối tượng chơi môn leo thác này hầu hết là giới trẻ, mà giới trẻ Việt Nam chưa biết tới hình thức này nhiều do vấn đề quảng bá chưa mạnh. Thời gian vừa rồi có một số bài viết quảng bá cho hình thức này. Tôi nghĩ dần dần giới trẻ sẽ biết tới, vì môn này cũng là một hình thức du lịch khá lý thú cho mọi người.

VOA: Anh nói môn này được du nhập từ Pháp, có phải từ thời Pháp thuộc địa?

Ngô Anh Tuấn: Không. Năm 2005 có đoàn chuyên gia của Pháp sang Đà Lạt làm 'training' (huấn luyện) cái hình thức gọi là 'canyoning'. Khi đó tôi được may mắn tham gia lớp đó. Họ sang đào tạo và chuyển giao kỹ thuật luôn. Tôi đi 'training' ở vòng quanh tây nguyên hơn một tháng. Ở Việt Nam, tôi là người duy nhất được họ mời sang bên Pháp học tiếp nữa. Và khi trở về tôi bắt đầu khai thác môn này.

VOA: Để có thể tham gia môn chơi, việc đào tạo, huấn luyện có mất nhiều thời gian và công sức hay không?

Ngô Anh Tuấn: Chỉ cần từ 30 phút đến một tiếng đồng hồ là chúng tôi sẽ hướng dẫn cho người tham gia luật chơi, cách đi.

Đầu tiên là kỹ thuật an toàn, cách đi như thế nào, cách trang bị như thế nào, như đeo ba lô, khi lỡ bị trượt chân hoặc một chuyện gì đó xảy ra, thì cách đứng dậy và đi như thế nào.

Trước tiên, người tham gia sẽ được hướng dẫn lý thuyết đi. Kế đến là thực hành trên các vách đá thấp, dần dần rồi đi sâu vào thác.

VOA: Những nguy hiểm, rủi ro trong môn này?

Ngô Anh Tuấn: Công ty của tôi khai thác cho đến nay thì chưa có chuyện gì xảy ra. Chỉ cần tuân thủ các cách đi như được hướng dẫn sẽ an toàn, sẽ không có nguy hiểm gì. Quan trọng là vượt qua chính mình.

Nhưng những người bị bệnh tim mạch được khuyến cáo là không được phép đi, vì mức độ sợ hãi trong môn chơi này vượt qua cảm giác mạnh.

VOA: Sự lý thú, hấp dẫn của môn thể thao này?

Ngô Anh Tuấn: Cái điều lý thú đầu tiên là vượt qua chính mình. Đi một ngày như vậy, mình vừa phải gắn kết tinh thần đồng đội, vừa phải cùng nhau vượt qua những thang của suối, vượt qua các vách đá. Khi đi qua những nơi đó là điều khiến cho mọi người thấy cảm khích.

Mình có thể nằm ở trên thác để cho nước nó cuộn mình và đẩy mình xuống một cái hồ. Mình có thể cảm nhận được điều đó.

Cốt lõi của vấn đề là mọi người phải vượt qua được chính mình.

VOA: Như vậy đây là môn thể thao đồng đội, chứ không phải cá nhân?

Ngô Anh Tuấn: Không. Chỉ có khi vượt suối và đi trong rừng là đồng đội, còn lại hầu hết là phụ thuộc vào từng cá nhân. Là vì khi leo từ trên thác xuống là từng người từng người một.

VOA: Mức độ phổ biến của môn thể thao này trên thế giới? Có những cuộc thi nào cho môn thể thao này hay không?

Ngô Anh Tuấn: Không. Hiện giờ môn này mới chỉ là một hình thức du lịch khám phá và mạo hiểm để tìm một hướng đi mới, đa dạng hóa các hình thức du lịch cho du khách. Thay vì những hình thức như dù lượn, dù bay, thì bây giờ có thêm môn vượt thác này nữa.

VOA: Xin anh nói rõ hơn về đối tượng chơi môn thể thao này?

Ngô Anh Tuấn: Du khách nước ngoài thì cả nam lẫn nữ đều tham gia. Và hầu hết các du khách đó ở độ tuổi từ 22 trở lên, qua khoảng đời sinh viên, khi họ đã đi làm rồi.

VOA: Tiềm năng phát triển của môn thể thao này tại Việt Nam?

Ngô Anh Tuấn: Tiềm năng phát triển của môn thể thao vượt thác này trong tương lai là khá khả quan, bởi vì trong xu thế hiện nay thì mọi người luôn muốn tìm tới một cái gì đó mới, một cái gì đó khám phá và khác biệt, nên tôi nghĩ rằng dần dần trong tương lai giới trẻ Việt Nam sẽ biết tới hình thức du lịch vượt thát nhiều hơn.

VOA: Hiện nay anh khai thác ở những địa điểm nào cụ thể?

Ngô Anh Tuấn: Ở Việt Nam, những thác nước chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên. Tùy loại thác có thể leo được. Trước hết thác nước đó phải đẹp. Và cái cốt lõi của vấn đề là đá ở thác đó phải là đá già, vì mình sẽ phải khoan rất nhiều lỗ vào đó để móc dây đai. Đá non thì nó không thể chịu được, và như vậy rất nguy hiểm. Nên bắt buộc là phải đá già.

Hiện nay khai thách chủ yếu là ở thác Datanla, và đi sâu vào trong rừng 2 kilômét nữa. Trong đó phải vượt qua 4 cái thác. Một ngày phải vượt qua 4 cái thác và các vách núi.

Ngoài ra còn có thác Damri ở Bảo Lộc, thác Dray Sap, thác Dray Nur ở Đăk Nông.

VOA: Lực lượng huấn luyện viên của anh hiện nay? Và trong tương lai việc tuyển dụng những người yêu thích môn này để làm huấn luyện viên có dễ không?

Ngô Anh Tuấn: Hiện tại chúng tôi có tổng cộng 12 người, và hàng năm đều có những nhân viên mới.

Chỉ có 4 huấn luyện viên chính, còn lại là những và nhân viên phụ.

Huấn luyện viên là người quan trọng nhất, vì là người đi đầu tiên và cũng là người đi cuối cùng. Tức là mình là đầu tiên hướng dẫn cho khách đi xuống dưới. Sau khi khách đã đi xuống dưới bằng thác, không còn đường nào đi nữa, thì huấn luyện viên phải quay trở lại bằng đúng con đường mọi người đã đi xuống để mang tất cả trang thiết bị, đồ dùng, kéo dây nhợ đi xuống hết luôn.

VOA: Nhiệm vụ đó khó khăn và nguy hiểm nhất phải không?

Ngô Anh Tuấn: Đúng, nhiệm vụ đó là khó khăn và nguy hiểm nhất.

VOA: Cám ơn anh Tuấn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG