Kinh tế tăng trưởng chậm và nợ nần chồng chất làm cho quan hệ giữa các nước châu Âu căng thẳng trong năm nay, đưa đến những lý lẽ rằng châu Âu hoặc phải ràng buộc với nhau chặt chẽ hơn nữa về tài chính và kinh tế, hoặc sẽ phải đối mặt ít nhất là viễn ảnh khối đồng euro gồm 17 quốc gia có thể tan rã. Anh quốc, một nước không thuộc khối đồng euro, khẳng định rõ vào trước đây trong tháng là họ sẽ không tham gia hiệp định tài chính mới do Đức và Pháp đề xướng và ủng hộ.
Điều nầy khiến cho quan hệ với nước Pháp căng thẳng, cũng như những lời nhận định của các giới chức chính phủ Pháp, như bộ trưởng tài chính Francois Baroin.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên đài phát thanh, ông Baroin bác bỏ bất cứ “lời dạy dỗ” nào từ London. Ông nói kinh tế nước Anh rất đáng lo ngại, và ông nói thêm “chẳng thà như dân Pháp hiện nay còn hơn là dân Anh.”
Tin cho hay nước Anh đã bác bỏ những lời nhận định này cũng như những nhận định khác của nước Pháp. Nhưng theo giáo sư Tomasz Michalski dạy tại trường doanh nghiệp HEC ở Paris, điều căn bản là cả nước Anh lẫn nước Pháp đều phải lo ngại. Ông nói: "Nếu quí vị nhìn vào những số liệu kinh tế của cả Anh lẫn Pháp thì thấy họ không khá gì mấy. Tỉ lệ nợ nần so với GDP của họ rất cao, nước Pháp vào khoảng 90%; nước Anh khoảng 80%. Cả hai đều có nguy cơ suy thoái kinh tế, và vì vậy viễn ảnh cả hai quốc gia đều mang công mắc nợ thêm trong tương lai vẫn rất lớn."
Các cơ quan đánh giá tín nhiệm tài chính, kể cả công ty Fitch, hôm thứ Sáu đã cảnh báo Pháp rằng nước này đang có nguy cơ bị hạ điểm tín nhiệm. Đây sẽ là một đòn nặng cho cuộc vận động tái tranh cử tổng thống của ông Nicolas Sarkozy vào năm tới.
Giáo sư Michalski nói: "Ông Sarkozy rất lo ngại về việc nước Pháp bị mất điểm AAA ngay trước cuộc bầu cử tổng thống. Ông sẽ theo sát chuyện này và sẽ rất có trách nhiệm."
Và thực sự, triển vọng của châu Âu, nói chung, khá u ám. Trong một phúc trình đưa ra hôm thứ Hai, Ngân hàng Trung ương châu Âu tiên đoán kinh tế sẽ rất khó khăn trong năm 2012 với mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn và thiếu nguồn tài chính cho ngân hàng. Nhưng trong nhận định trước các nhà làm luật châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng châu Âu Mario Draghi đã giảm nhẹ mối sợ hãi về sự tan rã của khối châu Âu. Ông nói: "Tôi không có gì phải ngờ vực về sức mạnh của đồng euro, về sự trường tồn của nó, về tính bất khả đảo ngược của nó, một đồng tiền không thể đổi ngược được."
Vào thứ Hai, các bộ trưởng tài chính châu Âu đồng ý châm 196 tỉ đô la vào Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế để giúp vực dậy những quốc gia trong khối đồng euro đang phải vất vả chống đỡ. Nhưng con số này chưa lên tới mức 261 tỉ đô la mà giới lãnh đạo châu Âu đã đồng ý vào trước đây trong tháng. Theo tin cho hay Anh quốc đã từ chối không đóng góp vào quĩ này.
Trong lúc những lo ngại về tài chính của châu Âu lên cao, xích mích trong quan hệ giữa Anh và Pháp càng thấy rõ qua những lời qua tiếng lại về chuyện kinh tế nước nào tệ hại hơn. Thông tín viên Lisa Bryant từ Paris tường trình rằng mối xích mích giữa hai quốc gia đối thủ trong quá trình lịch sử càng tăng giữa lúc có những tiên liệu bi quan về kinh tế được đưa ra trong tuần này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!