Luật của Pháp qui định bất cứ sự phủ nhận hành vi diệt chủng nào đều bị phạt một năm tù và phạt tiền gần 60.000 đô la. Tuy nhiên luật này đặc biệt nhạy cảm tại Thổ Nhĩ Kỳ vì Pháp xem việc giết hại tập thể những người Armenia dưới cựu đế chế Ottoman trong Đệ Nhất Thế Chiến là một hành vi diệt chủng.
Trong một chuyến viếng thăm Armenia trước đây trong năm, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ công nhận việc giết hại tập thể những người Armenia là một trường hợp diệt chủng.
Tổng thống Sarkozy nói Thổ Nhĩ Kỳ nên nhìn thẳng vào lịch sử mà chỉ những quốc gia vĩ đại mới có thể làm như thế. Ông đưa ra ví dụ về sự xích lại đau đớn của Pháp với Đức sau Thế Chiến Thứ Hai. Luật này được sự ủng hộ của đảng cánh hữu UMP của ông Sarkozy, dù rằng luật cũng được sự ủng hộ của cánh tả.
Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ từ diệt chủng và tranh cãi về con số những người Armenia bị giết. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ và những người sắc tộc Kurd cũng bị giết trong cuộc chiến năm 1915.
Nếu luật được thông qua, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo là Pháp sẽ phải đối mặt với những trả đũa về ngoại giao và kinh tế. Phái đoàn lập pháp và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ có mặt tại Paris trong tuần này để vận động cho mục tiêu này.
Một thành viên của phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ nói với đài truyền hình Pháp là nếu luật được thông qua sẽ làm nguy hại cho mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Pháp, và là một sự phản bội đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà phân tích Dimitar Bechev thuộc Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại nói quyền lợi của Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị tổn thương:
“Nhiều công việc doanh thương của Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ rất thành công. Pháp là một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó nếu có sự xoay chiều sẽ làm tổn hại việc này. Tuy nhiên tôi nghĩ nếu vụ này tiếp tục xúc tiến, sẽ có một số hậu quả ngoại giao.”
Vậy thì tại sao lại cứ tiến hành bỏ phiếu? Một số truyền thông Pháp đồn là do những nguyên nhân chính trị của cuộc bầu cử năm 2012 và mong muốn được sự ủng hộ của các cử tri người Pháp gốc Armenia.
Nếu được thông qua, luật sẽ xói mòn thêm nữa mối quan hệ Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã căng thẳng do việc Tổng thống Sarkozy chống lại nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên hiệp châu Âu. Khối này chia rẽ về đơn xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ và sự mong muốn gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ đang phai nhạt dần vì ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông và các nơi khác trên thế giới đang tăng dần.
Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đã ký một hiệp ước hoà bình cách đây hai năm, quy định thiết lập một ủy ban chuyên viên để xem xét những sự kiện năm 1915 và phục hồi mối quan hệ ngoại giao, nhưng chưa nước nào phê chuẩn hiệp ước.
Các nhà lập pháp Pháp sẽ bỏ phiếu vào ngày thứ Năm về một đạo luật xem phủ nhận diệt chủng là bất hợp pháp, dù có những đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ trừng phạt Pháp nếu luật được thông qua. Dự luật này đe dọa làm xói mòn hơn nữa quan hệ giữa hai nước.