Quốc hội Pháp đã thông qua một cách dễ dàng một dự luật gây nhiều tranh cãi, coi là một hình tội việc chối bỏ vụ giết hại người Armenia dưới tay các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thời đế chế Ottoman, xảy ra cách đây gần một thế kỷ.
Trước đó, Thổ nhĩ kỳ khuyến cáo “sẽ có hệ quả nghiêm trọng” đối với quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước, nếu dự luật được thông qua.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ triệu hồi đại sứ của họ tại Pháp về nước để tham khảo ý kiến, và yêu cầu đại sứ Pháp rời Thổ Nhĩ kỳ. Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ còn nói chính phủ tại Ankara có thể loại trừ các công ty Pháp khỏi các hợp đồng cho những dự án công.
Armenia nói có tới 1,5 triệu người Armenia bị binh sĩ Thổ nhĩ kỳ thời Ottoman giết chết, trước và trong Đệ nhất Thế chiến. Thổ nhĩ kỳ bác bỏ việc miêu tả những cái chết này là một vụ “diệt chủng”. Thổ nhĩ kỳ nói số tử vong đã được phóng đại và những người chết là nạn nhân của cuộc nội chiến và tình trạng bất ổn.
Dự luật vừa được quốc hội Pháp thông qua trừng phạt bất cứ ai chối bỏ vụ diệt chủng bằng bản án tù một năm và số tiền phạt vạ tới 45.000 euro, tương đương với 58.000 đôla. Giờ đây, dự luật sẽ được đưa lên Thượng Viện Pháp để được cứu xét.
Hôm thứ Ba, Tổng Thống Thổ nhĩ kỳ Abdullah Gul đã ra một thông cáo với những lời lẽ gay gắt gửi cho nước Pháp, nói rằng Thổ nhĩ kỳ không thể nào chấp nhận một dự thảo luật không cho phép họ được quyền bác bỏ những lời tố cáo bất công và vô căn cứ nhắm vào Thổ nhĩ kỳ.
Tổng Thống Gul cũng gợi ý rằng dựa trên thời điểm đưa ra dự luật, đây có thể là một cố gắng của Tổng Thống Sarkozy nhằm vận động sự ủng hộ của 400.000 người Armenia ở Pháp cho chiến dịch vận động để ông được bầu lại trong cuộc bầu cử Tổng Thống Pháp năm 2012.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1