Đường dẫn truy cập

Học sống theo tinh thần ‘Genshai’


Hình minh họa.
Hình minh họa.

“Cuốn sách được viết một cách điêu luyện này sẽ giúp bạn hiểu rằng ngôn từ chứa đựng sức mạnh vốn có, có thể chiếu sáng con đường và chân trời hy vọng của một người. Dùng một cách chính xác và tích cực, ngôn từ là khối xây dựng đầu tiên cho thành công và bình an nội tâm, bởi nó cho tầm nhìn và trọng điểm để chỉ vẽ con đường đưa đến phát triển và đóng góp. Dùng không đúng đắn và tiêu cực, nó có khả năng phá hoại ngay cả khi bao hàm ý định tốt nhất. Điều này đúng trong quan hệ làm ăn, cá nhân và trong mọi mặt đời sống. Có loại ngôn ngữ thành công và loại ngôn ngữ phiền muộn. Có loại ngôn ngữ tiến bộ và loại ngôn ngữ thoái bộ. Ngôn từ bán chạy và ngôn từ xua đuổi. Ngôn từ dẫn đường và ngôn từ cản trở. Ngôn từ hàn gắn và ngôn từ giết hại. Bằng cách thật sự hiểu được các ngôn từ có ý nghĩa gì trong sự tinh khiết nhất của nó, chúng ta có thể mở khóa các giá trị quan trọng và thiên liêng, và đặt chúng ta vào vị thế để phát triển khả năng lãnh đạo mới để mà nhìn lên, chứ không phải nhìn xuống, và khuyến khích, động viên, nâng cao, kích thích và vươn về phía trước. Khi dùng đúng mực, ngôn từ có thể hát cùng trái tim con người… Sức mạnh của ngôn từ tạo ra giàu sang, sức khỏe, năng xuất, kỹ luật, tâm linh và bao đặt tính ưa chuộng khác của con người một cách không giới hạn.”

Đây là lời giới thiệu của Stephen R. Covey, tác giả “Bảy thói quen của những người hiệu quả cao” [1], dành cho cuốn sách “Khao khát” (Aspire) của Kevin Hall, xuất bản năm 2009 [2].

Trước đây tôi có dịp đọc “Sống với chữ” của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc năm 2004. Rất thích. Cho nên tôi cứ mong đợi hoài cuốn sách chỉ nói về một chữ thôi của ông [3].

Quả thật những nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ, phê bình văn học, v.v… là những người có tài năng điêu luyện biến chữ thành bất cứ điều gì mà đầu óc tưởng tượng của con người có thể. Ngôn từ là dụng cụ là vũ khí của họ. Người ta thường nói một bức tranh trị giá hàng ngàn chữ, nhưng theo Hall, cũng có những chữ trị giá hàng ngàn bức tranh.

Tôi đã đọc tác phẩm “Khao khát” của Hall nói trên. Thấy lời giới thiệu ý nghĩa nên cũng muốn ghi lại để chia sẻ với bạn đọc. Quả thật Hall viết rất hay. Không phải là một nhà văn thuần túy, Hall chủ yếu là nhà tư vấn kinh doanh, một nhà diễn thuyết và một huấn luyện viên. Hall quan tâm đến lãnh đạo, muốn truyền cảm hứng và đào tạo những thế hệ lãnh đạo tài giỏi đức độ, có thể vì ông đã thấm nhuần các sinh hoạt trong Hướng Đạo từ nhỏ và sau này tiếp tục huấn luyện cho các thế hệ kế thừa. Hall được biết đến nhiều nhất là qua cách tiếp cận khám phá ra các ý nghĩa thường được dấu kín hay bí mật trong ngôn từ. Vì đam mê này là Hall có cơ duyên gặp một người thầy chuyên về chữ nghĩa, một nhà ngôn từ học hiếm có. Hall tin là những người có cùng đam mê mạnh mẽ sẽ gặp nhau trên cùng con đường.

Khi khám phá ra ngôn từ mới với ý nghĩa sâu sắc, Hall vô cùng hạnh phúc dành thời gian đi tìm nguồn gốc của ngôn từ đó, bất kể nó xuất xứ từ ngôn ngữ nào. Có những ngôn từ trở thành châm ngôn, triết lý sống, của nhiều người, cho nên Hall làm quen, kết thân và nối kết các ý tưởng và con người lại với nhau, tạo nhịp cầu. Một người bạn khi biết Hall đam mê chữ nghĩa liền giới thiệu Hall với một người tên Arthur Watkins. Watkins lấy bằng tiến sĩ về ngôn ngữ học tại trường đại học Stanford, và đã dạy ngôn ngữ ở bậc đại học gần bốn chục năm. Ông thông thạo cả chục ngôn ngữ khác nhau. Trong Thế Chiến II, Watkins đã giúp giải mã các ghi chép của quân đội Đức trên mặt trận tại Ý. Có lẽ ít có ai mà yêu chữ nghĩa, “sống với chữ”, như Watkins, cho nên mặc dầu lớn tuổi và trong viện dưỡng lão, đầu óc ông luôn minh mẫn và tinh thần luôn lạc quan ở tuổi 90. Watkins, một nhà ngôn từ, hay từ nguyên học, qua cơ duyên gặp Hall và ông đã giúp Hall tìm hiểu các ngôn từ đến ngọn ngành.

Đọc sách này, tôi cũng cảm thấy yêu chữ nghĩa hơn. Và yêu cái đa nguyên và sâu sắc của vạn vật. Trước đây, tôi hiểu chữ “inspire” là truyền cảm hứng, và theo tự điển Oxford thì có nghĩa là làm cho một người nào đó có đầy sự thôi thúc hoặc khả năng để làm hoặc cảm nghĩ về một điều gì đó, nhất là để làm cái gì đó sáng tạo. Watkins giải thích chữ inspire xuất xứ từ chữ La Tinh “inspirare”, trong đó “spirare” có nghĩa là thở, và “in” có nghĩa là vào. Cho nên “inspire” có nghĩa là thở vào, cho hơi thở vào. Watkins giải nghĩa khi chúng ta truyền hơi “thở”, cho sự sống, vào một người khác, chúng ta động viên hy vọng, mục tiêu và ước mơ của họ. Còn khi chúng ta lấy hơi thở ra khỏi một người, tức chữ “expire”, nghĩa là “breathe out”, chúng ta làm tiêu tan hy vọng, mục tiêu và ước mơ của người đó. Chữ “expire” có nghĩa là chấm dứt, kết thúc, tiêu tan là vậy. Còn “aspire” có nghĩa là “to breathe”, dồn hy vọng hay tham vọng của một người để đạt được điều gì đó, đồng nghĩa với khao khát, vươn lên cao, hướng thượng.

Watkins giải thích chữ “leader” đến từ hai chữ “lea” và “der”. “Lea” có nghĩa là con đường (path), và “der” có nghĩa là người đi tìm (finder). Leader, người lãnh đạo, là người đi tìm con đường, người đọc được các dấu hiệu và các đầu mối, người nhìn thấy và chỉ dẫn cho người khác. Các khả năng này mang tính sống còn đối với người xưa. Watkins cho rằng, quan trọng không kém, người lãnh đạo trước khi có thể giúp chỉ đường cho người khác phải biết rõ con đường của mình.

Tác phẩm “Khao khát” này có mười một chương, mỗi chương nói về một chữ, và câu chuyện liên quan đến các chữ đó đều rất thú vị và duyên ngộ. Tôi thích tất cả các chữ này, nhưng có lẽ thích nhất là chữ “genshai”. Hall kể câu chuyện tình cờ, duyên ngộ, gặp được người mang tên Pravin Cherkoori, một họa sĩ người Ấn Độ tại Vienna, Áo. Mới gặp nhau mà hai người Kevin và Pravin tưởng như anh em, quen nhau từ kiếp trước. Pravin kể cho Kevin nghe tóm tắt về cuộc đời của mình, từ một người sinh trưởng ở Calcutta, nghèo nhất của những nơi nghèo ở Ấn Độ, nhưng nhờ được ăn học và cố gắng nên thoát khỏi vòng xiềng xích của đói nghèo. Mẹ của Pravin dạy cho ông nhiều điều hay, nhưng quan trọng nhất trong đó là ý nghĩa của một từ cổ Hindu, tên “genshai”.

“Genshai” có nghĩa là “Bạn không bao giờ nên đối xử với mình hay người khác bằng thái độ khiến người đó cảm thấy nhỏ bé” (You should NEVER treat yourself or another person in a manner that makes one feel small). Pravin giải thích rằng nếu trên đường đi gặp phải người ăn xin rồi ném cho người đó đồng tiền thì đó không phải là thực hành genshai; nhưng nếu mình quỳ xuống bằng đầu gối, nhìn vào ánh mắt người đó, và đặt đồng tiền vào bàn tay của người đó, thì đồng tiền đó là tình thương, và mình mới thật sự thể hiện genshai [4].

Khó. Thực hiện tinh thần GENSHAI không hề dễ chút nào. Nhưng để vươn lên cao, để hướng thượng, với lòng khát khao, chúng ta càng phải luyện tập khả năng hạ mình xuống càng thấp, phải càng khiêm nhường. Cũng như để hiểu một vấn đề gì đó, tức understand, thì mình phải stand under, tức đứng dưới. Hall cho rằng theo ngôn từ học đúng nghĩa, để hiểu, understand, thì đúng ra không phải đứng bên dưới mà là đứng với người khác (stand with) hay đứng giữa (stand among) người khác.

Chữ nghĩa hay, kỳ diệu và thâm sâu thật.

Không biết tiếng Việt hay tiếng Hán có chữ nào có cùng ý nghĩa genshai không?

Vào dịp Giáng Sinh và cuối năm 2018, xin chúc quý bạn đọc một năm mới 2019 tràn đầy niềm tin, lạc quan và thành đạt.

Úc Châu, 27/12/2018

Tài liệu tham khảo:

1. Stephen R. Covey, “The seven habits of highly effective people”, RosettaBooks, 2009/2012. Covey nổi tiếng qua nhiều tác phẩm, nhưng cuốn này bán hơn mười triệu bản.

2. Kevin Hall, “Aspire: Discovering Your Purpose Through the Power of Words.”, HarperCollins e-Books, 2009.

3. “Sống với chữ: Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Hưng Quốc”, Tiền Vệ, 2004.

4. Có thể xem video của Kevin Hall về cuốn sách này, “Genshai”, TEDx Talks on Youtube, Accessed on 08/09/2018.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG