Đường dẫn truy cập

Nhóm nhà báo CNN bị bắt và tự do ngôn luận


Phóng viên Omar Jimenez của CNN.
Phóng viên Omar Jimenez của CNN.

Sáng 29/5 tôi mở Twitter và có một tin gây sốc và một tin đáng theo dõi. Tin gây sốc là hình ảnh cảnh sát bắt phóng viên người da đen của CNN đang đưa tin bạo loạn ở Minneapolis, thành phố lớn nhất tại bang Minnesota. Bạo loạn diễn ra vì một người da đen chết hôm đầu tuần sau khi bị cảnh sát bắt. Phải nói rõ màu da của phóng viên vì một đồng nghiệp da trắng cũng của CNN đưa tin từ cùng địa điểm không gặp phải vấn đề gì.

Tin đáng theo dõi là Twitter tiếp tục cuộc chiến với Tổng thống Trump bằng cách ẩn đi một phần thông điệp trên Twitter của vị tổng thống vì cho rằng nó có khả năng kích động bạo lực. Diễn biến này xảy ra sau khi ông Trump ký sắc lệnh về chuyện các mạng xã hội như Twitter đóng vai trò kiểm duyệt thông tin và như vậy không xứng đáng được hưởng quyền miễn trừ đối với các thông tin đăng trên các mạng như vậy. Điều này có thể hiểu là trong tương lai họ có nguy cơ đối mặt chuyện bị kiện đòi bồi thường vì các thông tin mà người dùng đăng tải trên mạng của họ. Cách đây ít lâu Twitter đã dán nhãn cần kiểm chứng vào một tin khác ông Trump đưa lên mạng về bỏ phiếu bầu cử qua bưu điện, điều mà ông nói sẽ dẫn tới gian lận và cướp phiếu.

Trong video có hình ảnh được phát trực tiếp diễn biến vụ phóng viên Omar Jimenez cùng những người quay phim của CNN bị bắt, người ta thấy phóng viên hoàn toàn bình tĩnh và lịch sự. Anh giải thích anh là phóng viên và trình thẻ, đồng thời hỏi cảnh sát muốn nhóm của anh đứng ở đâu cho phù hợp. Thay vì giải thích, cảnh sát còng tay Omar, bắt các đồng nghiệp của anh và thu máy quay. Các cảnh sát có lẽ không biết rằng những hình ảnh đó được phát trực tiếp tới hàng triệu khán giả và họ đã phải sớm trả tự do cho các nhà báo. Chính thống đốc bang Minnesota phải xin lỗi chủ tịch hãng CNN và nói ông yêu cầu cảnh sát thả nhóm nhân viên của hãng này.

Những cuộc biểu tình bạo lực trong ba đêm qua ở Minneapolis diễn ra sau khi người đàn ông da đen George Floyd tử vong ít lâu sau khi bị cảnh sát gí đầu gối vào cổ để khống chế ông trong tư thế nằm sấp. Trong video được đăng trên Twitter người ta có thể nghe thấy ông Flloyd nói “Tôi không thở được” nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục dùng đầu gối đè lên cổ. Người ta cũng có thể thấy một cảnh sát người gốc Á đứng ngay đó và không hề có phản ứng gì. Báo USA Today nói người đè đầu gối lên cổ ông Floyd là cảnh sát Derek Chauvin, còn người gốc Á đứng cạnh mang tên Tou Thao. Cả hai người đều đã nhiều lần bị khiếu nại vì hành xử không đúng mực.

Vụ Twitter ẩn một phần thông điệp của Tổng thống Trump trên mạng xã hội với gần 400 triệu người dùng cũng có liên quan tới các diễn biến ở Minneapolis. Trước cảnh những người biểu tình đốt phá các toà nhà trong đó có cả trụ sở cảnh sát, ông Trump đăng lên Twitter rằng ông không thể ngồi yên nhìn những gì xảy ra ở Minneapolis và yêu cầu thị trưởng Jacob Frey, người mà ông gán nhãn “Cực Tả”, phải ra tay nếu không ông sẽ cử Vệ binh Quốc gia tới xử lý. Phần này của thông điệp không bị ẩn.

Phần bị ẩn sau cảnh báo tô vẽ bạo lực là: “Những TÊN CÔN ĐỒ đang huỷ hoại ký ức về George Floyd, và tôi sẽ không để điều đó xảy ra. Vừa nói chuyện với Thống đốc Tim Walz và nói với ông rằng Quân đội sẽ luôn ở bên ông. [Nếu có] khó khăn gì chúng tôi sẽ giành quyền kiểm soát nhưng, khi cướp bóc diễn ra, nổ súng sẽ xảy ra. Cảm ơn quý vị!”

Twitter giải thích: “Thông điệp này vi phạm chính sách của chúng tôi về tô vẽ bạo lực dựa vào bối cảnh lịch sử của dòng cuối cùng, liên hệ của nó với bạo lực và nguy cơ nó có thể kích thích những hành động tương tự ngày hôm nay.”

Bối cảnh lịch sử được truyền thông giải thích câu “khi cướp bóc diễn ra, nổ súng sẽ xảy ra” do Cảnh sát trưởng Miami, Walter Headley, đưa ra hồi năm 1967 khi nói về chính sách hung hăng của cảnh sát tại các khu của người da đen. Người ta cho rằng chính sách này khiến cộng đồng da đen phẫn uất và dẫn tới bạo loạn hồi năm 1968.

Phản ứng lại hành động của Twitter, ông Trump dùng chính mạng xã hội này để đăng: “Twitter không làm gì về tất cả những dối trá & tuyên truyền của Trung Quốc hay Đảng Dân chủ Cực Tả.” Ông nhắc lại chuyện Quốc hội cần huỷ điều luật miễn trừ trách nhiệm của các mạng xã hội và cũng cảnh báo ông sẽ có những động thái hạn chế các mạng này trong quyền lực của mình.

Các diễn biến này khiến nhiều người bình luận trên Twitter rằng thật khó tin đây là những gì đang xảy ra tại Hoa Kỳ. Cũng có người nói từ trước tới giờ họ vẫn nghĩ Hoa Kỳ là hình mẫu. Điều có thể thấy là trong vụ bắt sai trái nhà báo, thống đốc bang đã phải xin lỗi và trả tự do cho họ ngay lập tức. Bốn sĩ quan cảnh sát trong vụ gây ra cái chết của George Floyd đã bị sa thải và không loại trừ có người còn bị truy tố trong thời gian tới. Tất cả những điều này xảy ra khi số người thiệt mạng vì Covid-19 có nguy cơ sẽ gấp đôi tổng số lính Hoa Kỳ thiệt mạng trong Cuộc chiến Việt Nam và chỉ còn vài tháng là tới cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Kết quả của cuộc bầu cử đó sẽ ảnh hưởng không chỉ tới Hoa Kỳ mà cả những cố gắng vì dân chủ và tự do ở Việt Nam. Và kể cả tại Hoa Kỳ, cuộc đấu tranh để đòi và giữ các quyền con người sẽ vẫn luôn tiếp diễn bất kể ai sẽ trở thành tổng thống trong thời gian tới.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG