Một phần được bảo tồn của bức Tường Bá Linh từng chia cắt thành phố này là một trong những dấu tích hiếm hoi cho thấy Berlin một thời đã bị chia đôi. Chốt kiểm soát Charlie, là cửa khẩu giữa Đông và Tây và là nơi mà các xe tăng Mỹ và Nga từng đối đầu nhau hồi năm 1961, giờ đây là một địa điểm du lịch.
Suốt cuối tuần qua, người dân Đức đã tụ tập trước cổng Brandenberg để ăn mừng lễ kỷ niệm ngày thống nhất.
Chính tại đây, 20 năm về trước, Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã giúp khởi động loạt biến cố dẫn tới ngày thống nhất nước Đức.
Lời thách thức của Tổng Thống Reagan cho tới nay vẫn thường được nhắc đến:
Tổng Thống Reagan: “Ông Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này!”
Hai năm sau đó, bức tường Bá Linh quả nhiên sụp đổ, lót đường để nước Đức tái thống nhất. Nhưng phải đợi đến một năm sau, điều này mới được thực hiện.
Khi quả bóng của chủ nghĩa cộng sản tan vỡ, hệ thống cai trị Đông Đức bị dẹp tan hầu như qua đêm. Luật lệ, kinh tế và chủ nghĩa tư bản của phương Tây thắng thế.
Angela Gehring lúc bấy giờ mới lên 10, và đang cư ngụ tại Đông Bá Linh khi đất nước thống nhất. Bà nói:
“Sự khác biệt giữa Đông và Tây Đức à? Tôi tin rằng nó vẫn là tiền bạc, và một phần, thái độ của người dân. Ngày xưa, người ta đoàn kết với nhau hơn, chúng tôi sống chung với nhau nhiều hơn.”
Tại khu từng được coi là “khu vực chết”, giờ đây đã trở thành một khu thương mại và gia cư hiện đại nhất Berlin. Nước Đức đã đầu tư hàng tỉ đôla để không những tái thiết Berlin, mà cả hệ thống hạ tầng cơ sở của cựu Đông Đức.
Sử gia Juliane Schuterle nói tuy vậy, thành công kinh tế vẫn chưa đến với tất cả mọi người. Bà nhận định:
“Một trong các cuộc nghiên cứu nói rằng 45% người Đông Đức cảm thấy họ không được hưởng lợi lộc gì sau khi thống nhất đất nước, nhưng điều đó có nghĩa là hơn phân nửa tin rằng họ không mấy thất vọng và bực dọc, theo tôi nghĩ.”
Tổng Thống Đức Christian Wulff thừa nhận gánh nặng của việc thống nhất đất nước.
Ông phát biểu: “Chính người dân Đông Đức mới là thành phần phải vác gánh nặng nhất trên con đường tiến tới việc thống nhất đất nước chúng ta. Về một số phương diện, họ phải bắt đầu lại cuộc đời từ đầu. Họ phải thu xếp lại cuộc sống hàng ngày, nắm bắt những cơ hội và họ đã thực hiện điều đó với một tinh thần sẵn sàng chấp nhận thay đổi, rất đáng nể. Cho tới ngày hôm nay, điều đó đã không được vinh danh một cách đúng mức. ”
Ngoài buổi lễ tại Berlin, chính phủ Đức còn tổ chức lễ mừng thống nhất tại thành phố Bremen ở miền Bắc. Mỗi năm lễ mừng ngày thống nhất được cử hành tại một phần khác nhau của nước Đức như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc gia.
Nhưng có lẽ không có nhân vật nào trở thành một biểu tượng lớn hơn cho thống nhất và đoàn kết, cho bằng đương kim Thủ Tướng Đức Angela Merkel, một người đã được nuôi dưỡng và lớn lên ở Đông Đức.
Nhiều người Đức nói họ cảm thấy tiến trình thống nhất đất nước đã hoàn tất cách đây 4 năm, khi Đức chủ trì Giải World Cup Thế giới.
Họ nói rằng trong Giải tranh tài đó, họ cảm thấy mình thực sự là thuộc một nước Đức duy nhất.
Tuy hiện vẫn còn một số chia rẽ về mặt xã hội và kinh tế, nhưng 20 năm sau khi đất nước thống nhất, nhiều người Đức không còn nghĩ về đất nước họ theo khái niệm Đông Đức hay Tây Đức, mà nghĩ về nước họ như một quốc gia đã trải qua một cuộc cách mạng ôn hòa, và đã chiếm lại được chỗ đứng của mình như một nước có vị thế lãnh đạo tại Châu Âu.
Cách đây hai mươi năm, nước Đức chính thức tái thống nhất, chấm dứt hơn 4 thập niên đất nước bị chia cắt. Giữa Đông và Tây Đức là một hố ngăn cách xã hội, kinh tế và văn hóa, và nước này đã đầu tư hàng tỉ đôla vào công cuộc thống nhất đất nước.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1