Bỏ ngoài tai lời thuyết phục của các đồng minh, Tổng thổng Mỹ Donald Trump hôm 8/5 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran đã đạt được hồi năm 2015, một động thái có thể tăng nguy cơ xung đột ở Trung Đông và dẫn đến sự bất định về nguồn cung dầu trong một thị trường vốn đã căng thẳng.
Giá dầu tăng hơn 3% hôm 8/5, đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm rưỡi qua. Dầu thô Brent có lúc tăng lên đến 77,2 đôla /thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Dầu thô nhẹ của Mỹ tăng 1,7 đôla/thùng, tương đương gần 2,5%, đạt mức giá 70,76 đôla, gần mức cao nhất hồi cuối năm 2014.
Sukrit Vijayakar, giám đốc tư công ty vấn năng lượng Trifecta, nói: “Xuất khẩu dầu của Iran sang châu Á và châu Âu gần như chắc chắn sẽ giảm vào cuối năm nay và năm 2019, khi một số quốc gia tìm kiếm giải pháp thay thế để tránh rắc rối với Washington”.
Iran đã xuất hiện trở lại với tư cách là một nước xuất khẩu dầu lớn hồi năm 2016 sau khi các biện pháp trừng phạt quốc tế chống nước này được dỡ bỏ, đổi lại cho việc Iran kiềm chế chương trình hạt nhân, với lượng xuất khẩu tháng 4/2016 của Iran đạt 2,6 triệu thùng/ngày. Trung Quốc là nước mua dầu nhiều nhất từ Iran.
Trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Iran là nước xuất khẩu lớn thứ ba sau Ả-rập Xê-út và Iraq.
Từ bỏ thỏa thuận này có nghĩa là Mỹ có phần chắc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau 180 ngày, trừ khi các bên đạt được một thỏa thuận khác trước hạn chót đó.
Các nhà phân tích ước tính do các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, nguồn cung dầu thô của Iran có thể giảm trong khoảng 200.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày, và tác động chủ yếu sẽ thấy được từ năm 2019 vì phải mất một khoảng thời gian để áp đặt lệnh trừng phạt.
Ả-rập Xê-út cho biết họ sẽ làm việc với các nước sản xuất khác để giảm bớt tác động của việc thiếu hụt nguồn cung dầu. Nước này đã và đang đi đầu các nỗ lực từ năm 2017 để hạn chế sản xuất nhằm tăng giá dầu.