Một cuộc nghiên cứu do Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Di Dân Quốc tế cùng thực hiện kết luạn rằng có tới ¾ trẻ nhỏ và thiếu niên tị nạn hay di dân tìm cách tới Châu Âu bị ngược đãi, bóc lột sức lao động và trở thành nạn nhân của nạn buôn người.
Cuộc khảo sát dưa trên 20,000 cuộc phỏng vấn, 11,000 là với trẻ nhỏ tị nạn và di dân, miêu tả chi tiết những hành động ngược đãi và vi phạm nhân quyền ở mức độ vô cùng tệ hại mà thành phần di dân trẻ tuổi phải chịu đựng.
Cuộc khảo sát kết luận rằng trẻ nhỏ và thanh thiếu niên di dân đi theo dường Địa Trung Hải có nguy cơ cao bị bóc lột sức lao động và trở thành nạn nhân của các hoạt động buôn người.
Người phát ngôn của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, bà Sarah Crowe, nói với VOA rằng những người tị nạn đi theo đường Địa Trung Hải chủ yếu là những thanh thiếu niên Châu Phi đã băng qua sa mạc Sahara từ Côte D’Ivoire , Gambia, Nigeria và các nước Tây Phi khác.
Bà Crowe nói:
“Dựa trên kết quả cuộc khảo sát, chúng tôi đi tới kết luận rằng những người trẻ tuổi thuộc thành phần ít học đến từ vùng phía Nam sa mạc Sahara là thành phần gặp nguy cơ bị khai thác sức lao động cao nhất. Các em bị đánh đập, bị kỳ thị trên mỗi chặng đường, nhưng tệ hại nhất là ở Libya.”
Theo phúc trình này, đa số người di dân và tị nạn đi ngang qua Libya trở thành nạn nhân của tình trạng vô luật lệ, con mồi của các lực lượng dân quân và những kẻ tội phạm. Người phát ngôn của Tổ chức Di Dân Quốc tế, ông Leonard Doyle, nói những người trẻ, tuổi từ 14 tới 24, phải trả cho những kẻ đưa người lậu người một khoản tiền từ 1000 tới 5000 USD để được tham gia cuộc hành trình đầy hiểm nguy. Ông Doyle phát biểu:
“Họ tự nguyện ra đi. Họ trả tiền để tham gia cuộc hành trình. Nhưng họ không nhận thức được là mình đang bước vào một cái bẫy, trong đó họ bị bóc lột sức lao động- một cách vô cùng thảm hại. Phụ nữ bị buộc hành nghề mãi dâm, hoặc bán cho người khác để làm nô lệ. Các thiếu niên thì bị ngược đãi, bóc lột thậm tệ.”
Phúc trình này kêu gọi việc thiết lập những lộ trình an toàn hơn, bình thường hơn cho những người trẻ tuổi đang trên đường tị nạn. Theo phúc trình này thì các dịch vụ phải được tăng cường để bảo vệ trẻ nhỏ di dân và tị nạn, hoặc là từ các nước xuất phát, trung chuyển, hay điểm đến.
Cuộc khảo sát này nói thêm rằng không nên giam giữ những đứa trẻ trên đường tị nạn hoặc di dân, và cần tìm ra những biện pháp thay thế, để tránh, hoặc giảm bớt nguy cơ những người trẻ tuổi bị ngược đãi.