Philippines và Việt Nam vừa ký hai thỏa thuận để ngăn chặn các sự cố ở Biển Đông và mở rộng hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước trong một động thái có thể khiến Trung Quốc phản đối. Các chuyên gia quan sát tình hình an ninh khu vực chia sẻ góc nhìn của họ với VOA về quan hệ hợp tác mới giữa Manila và Hà Nội.
Hôm 30/1, tại Hà Nội, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con) và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng chứng kiến việc hai bên ký kết 5 văn kiện hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ Việt Nam-Philippines về phòng ngừa và quản lý sự cố trên Biển Đông và Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai lực lượng cảnh sát biển, truyền thông hai nước đưa tin.
Các chuyên gia nhận định rằng hai bản ghi nhớ này là bước tiến quan trọng nhằm giúp Hà Nội và Manila ứng phó với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc – tức là các hoạt động có chủ đích nhằm “lách luật” quốc tế để tránh bị lên án thông qua việc mở rộng kiểm soát không gian biển, hiện thực hoá yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp.
Từ Hà Nội, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak của Singapore, nêu nhận định:
“Từ trước đến nay hai nước có những thỏa thuận hòa bình với nhau, giữ nguyên hiện trạng, không có hành động gây căng thẳng, cũng như những tính toán để không gây va chạm không mong muốn”.
“Bây giờ họ đã mở rộng [các thỏa thuận] đối với cảnh sát biển và các lực lượng dân binh, đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định bước đi của cả Philippines và Việt Nam bằng mọi biện pháp hòa bình để ứng xử với các hoạt động theo chiến lược vùng xám của Trung Quốc”, tiến sĩ Hợp nhận xét.
Ông dự báo việc mở rộng quan hệ hợp tác này vẫn sẽ không ngăn được các hành vi quấy nhiễu của Bắc Kinh trong khu vực đang có tranh chấp, nhưng chúng tạo sự tiếng nói đồng thanh trước cộng đồng quốc tế, nhất là trên bình diện pháp lý.
Văn phòng của Tổng thống Philippines hôm 30/1 nói trong một tuyên bố rằng bản ghi nhớ về hợp tác hàng hải đã được công bố trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Nội của Tổng thống Marcos và “nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết, sự tin cậy lẫn nhau và sự tự tin giữa hai bên”.
Ông Marcos nói ông rất “hài lòng” với việc ký kết Bản ghi nhớ Philippines-Việt Nam về Hợp tác Hàng hải, với mục đích nhằm thiết lập mối “quan hệ đối tác toàn diện giữa Lực lượng Cảnh sát biển của chúng ta về xây dựng năng lực, đào tạo và trao đổi nhân sự và tàu thuyền để tăng cường các hoạt động tương tác giữa hai nước chúng ta”.
“Một điều chắc chắn có thể dự đoán được là Trung Quốc tiếp tục áp dụng chiến thuật vùng xám để gây căng thẳng và quấy nhiễu các nước có biển, có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”, vẫn lời tiến sĩ Hợp. “Họ sẽ tiếp tục gây căng thẳng và quấy nhiễu đối với Philippines và Việt Nam. Nhưng với hai thỏa thuận này giữa Philppines và Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước về Luật biển 1982 của LHQ, nên các phản ứng của Trung Quốc sẽ không có tác dụng gì”.
Được hỏi liệu các thỏa thuận này của Philippines và Việt Nam có tạo nên “Mặt trận thống nhất” chống Trung Quốc như trang Global Times của Trung Quốc chỉ trích truyền thông Philippines khi đưa tin về triển vọng của thỏa thuận này hay không, thạc sĩ Hoàng Việt thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến:
“Nếu thực sự Việt Nam và Philippines tạo ra mặt trận thống nhất để chống lại Trung Quốc thì rõ ràng Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để phản ứng lại một cách mạnh mẽ. Nhưng với việc hai bên chỉ ký kết những bản ghi nhớ như vậy thì chưa phải là một cái gì để tạo thành một mặt trận thống nhất để chống Trung Quốc. Việt Nam cũng đã cố gắng tránh việc này vì Việt Nam không muốn tạo ra sự đối đầu với Trung Quốc trong lúc này”.
Hôm 23/1, trang Philippine Daily Inquirer đăng tin rằng thỏa thuận hợp tác tuần duyên của Philippines và Việt Nam sắp được ký kết là một động thái nhằm xây dựng một “mặt trận thống nhất” giữa hai quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trên các khu vực ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo ông Việt, thỏa thuận hợp tác tuần duyên giữa Hà Nội và Manila là bước khởi đầu để tiến đến những hợp tác sâu rộng giữa các bên có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải.
“Điều này cho thấy các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dù có những yêu sách thậm chí đối lập nhau ở Biển Đông vẫn có thể ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua biện pháp đàm phán và thương lượng. Như vậy có thể mở ra những bước mới trong giải quyết tranh chấp Biển Đông”, thạc sĩ Việt đưa ra ý kiến cá nhân.
“Việc các quốc gia ASEAN cùng ngồi với nhau, tự giải quyết các khúc mắc của mình trước sau đó mới có thể đàm phán với phía Trung Quốc thì sẽ tạo ra áp lực lớn hơn cho phía Trung Quốc”, thạc sĩ Việt cho biết thêm.
Truyền thông Việt Nam đăng tuyên cáo chung hôm 30/1 sau cuộc gặp giữa Tổng thống Marcos và Chủ tịch Võ Văn Thưởng.
“Hai nhà lãnh đạo nhất trí củng cố các cơ chế hợp tác biển hiện có, nhất là Ủy ban hỗn hợp về các vấn đề Biển và Đại dương cấp Thứ trưởng Ngoại giao, đường dây nóng giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước, bên cạnh các cơ chế khác, và thông qua các biện pháp khác nhằm bảo đảm an ninh và an toàn cho ngư dân của nhau cũng như giải quyết hòa bình các sự cố trên biển”, tuyên cáo chung viết.
Trước cuộc hội kiến với Chủ tịch Võ Văn Thưởng, Tổng thống Marcos mô tả Hà Nội là “đối tác chiến lược duy nhất” của Manila ở Đông Nam Á, nhấn mạnh rằng quan hệ hợp tác hàng hải này là “hòn đá tảng” trong mối quan hệ giữa hai nước.
Nhà lãnh đạo Philippines lặp lại thông điệp này hôm 30/1 sau khi kết thúc chuyến công du Việt Nam: “Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của chúng tôi ở châu Á và đang nỗ lực khám phá các lĩnh vực hợp tác đồng thời phát triển trên các lĩnh vực hợp tác hiện có”, văn phòng của ông cho biết trong một thông cáo.
Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính được hãng tin Reuters dẫn lời khi gặp Tổng thống Philippines đã kêu gọi đoàn kết hơn nữa và hợp tác chặt chẽ hơn, cho rằng tình hình thế giới và khu vực “đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp”.
Trang Japan Times của Nhật hôm 30/1 dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng quyết định tiếp cận Hà Nội của Manila không phải ngẫu nhiên.
Trang này trích lời ông Zachary Abuza, chuyên gia về Đông Nam Á và giáo sư thuộc Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết: “Philippines và Việt Nam có xu hướng hợp tác nhiều nhất vì có ít sự chồng chéo lãnh thổ hơn trong các yêu sách của họ và quan trọng hơn là cả hai đều phải gánh chịu sự xâm lược của Trung Quốc”.
Diễn đàn