Đường dẫn truy cập

Giới quan sát quốc tế nói gì về vụ tranh giành quyền lực ở Việt Nam?


'Tứ trụ' từ phải: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
'Tứ trụ' từ phải: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Giữa lúc Việt Nam sắp phải đưa ra quyết định trong việc bầu chọn nhân sự vào các chức vụ chóp bu cho 5 năm sắp tới tại một thời điểm có tính cách quyết định đối với tương lai đất nước, những vụ đấu đá chưa từng thấy trong hậu trường chính trị Việt Nam đã gây sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Hãng tin Bloomberg hôm 17/1 đăng một bài viết cho rằng cuộc tranh luận chính xoay quanh nghi vấn, liệu Việt Nam sẽ chọn các nhân vật muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng Trung Quốc, hay những người muốn lèo lái con thuyền quốc gia xích gần hơn tới Hoa Kỳ?

Bài báo viết trong khi chỉ còn 2 ngày nữa trước khi khởi sự đại hội đảng để công bố thành phần lãnh đạo, vẫn chưa có dấu hiệu công khai nào cho thấy ai sẽ là người được đưa vào chức vụ quyền lực nhất nước. Tờ báo đề cập tới những vụ tranh giành quyền lực đã tràn lên mạng internet, với những bình luận đả kích lẫn nhau, cho thấy tình hình vẫn chưa có gì là rõ rệt.

Bloomberg dẫn lời Tiến sỹ Zachary Abuza, một nhà quan sát về Việt Nam thuộc Đại học Chiến tranh Quốc gia thuộc Học viện Hải Quân Hoa Kỳ, nói rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với giới lãnh đạo mới sẽ là về tiến độ và chiều sâu của nỗ lực tăng cường các quan hệ với Mỹ.

Giáo sư Zachary Abuza nói “vụ tranh cãi chính trị thực thụ là giữa thành phần bảo thủ và thành phần ủng hộ cải cách. Nhiều cuộc tranh luận xoay quanh các chiến lược về làm cách nào để đáp ứng trước hành động hung hăng của Trung Quốc.”Theo ông Abuza, thì trong Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn còn một số người rất sợ đối đầu với Trung Quốc.

Một nhà quan sát khác được Bloomberg dẫn lời là cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt. Ông cho rằng sẽ không có thay đổi lớn, bất chấp giới lãnh đạo mới là thuộc phe nào, ông nói các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam theo dự kiến sẽ không nghiêng hẳn về bất cứ hướng nào. Đây chỉ là vấn đề xoay tay lái hơn một độ về hướng này hay hướng kia mà thôi.

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, thỉnh thoảng có những phát biểu chống đối hành động lấn chiếm của Trung Quốc, đang vận động để giành chức Tổng Bí Thư với ông Nguyễn Phú Trọng, người đang tìm cách kéo dài nhiệm kỳ Tổng Bí Thư hiện nay, người vẫn tỏ ra hoà hoãn với nước láng giềng phương Bắc.

Nhận xét về ông Nguyễn Tấn Dũng, Cựu đại sứ Burghardt nói: “Ông Dũng dường như hiểu rõ tầm quan trọng của các quan hệ kinh tế và an ninh với Mỹ. Cho nên đối với Hoa Kỳ, thì nếu ông được chọn thì đó là kết quả thoải mái hơn đối với nước Mỹ”

Về ông Trọng, Tiến sĩ Abuza cho rằng Trung Quốc sẽ hài lòng hơn nếu ông Trọng duy trì chức vụ hiện nay. Nhưng theo ông, ông Trọng cũng đã thay đổi khá nhiều. Tiến sĩ Abuza nói tiếp: “Khi ông lên làm Tổng Bí Thư, mọi người đều lo lắng vì ông mang tiếng là theo Trung Quốc, nhưng ông ấy ủng hộ hiệp định TPP. Ông Trọng đã sang Mỹ gặp Tổng Thống Obama. Ông đã mời Tổng Thống Obama đến thăm Việt Nam.”

Đại sứ Burghardt kết luận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong tình trạng hết sức bối rối, không biết nên chọn vị trí nào trong cái tam giác Mỹ-Trung Quốc-Việt Nam.

Bản tin của Xinhua hôm nay, 18/1 chỉ tường thuật những chi tiết về Đại hội đảng 12 sắp tới, trong đó 200 uỷ viên sẽ được bầu chọn vào Ban Chấp hành trung ương.

Xinhua dẫn lời ông Mai Văn Chính, Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, cho biết hơn 1500 đại biểu sẽ đại diện cho 4,5 đảng viên tham gia đại hội đảng thứ 12 sẽ diễn ra từ ngày 20 tới ngày 28/1 tại Hà Nội.

Theo bản tin này, 650 ký giả trong nước và hơn 100 nhà báo nước ngoài đã đăng ký tham gia.

Theo Bloomberg, Xinhua.

Truyền hình vệ tinh VOA 16/1/2016
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG