Nhiều ý kiến cho rằng ngày nay, công việc bận bịu, nhịp sống cứ ào ào trôi qua, chẳng mấy ai còn nhớ đến cách gói bánh chưng sao cho chặt, cách luộc bánh sao cho ngon. Có đúng vậy không?
Nhắc đến phong vị Tết, là nhớ cái mùi hăng hắc, cay cay tỏa ra từ chiếc bếp đốt toàn củi gộc nấu bánh chưng. Để có một nồi bánh chưng thơm ngon dâng lên ông bà tổ tiên thì các nguyên liệu cũng phải được chuẩn bị vô cùng kỹ càng. Gạo nếp phải mua đúng chuẩn nếp cái hoa vàng, ngâm qua đêm, ướp nước lá giềng. Thịt phải chọn thịt vai sấn nửa nạc nửa mỡ, vừa mềm vừa thơm thịt, đậu xanh phải chọn loại bở, bùi thì bánh mới ngon. Lá dong cũng được rửa sạch, tước sống và để ráo nước từ mấy hôm trước rồi mới đem gói.
Ông Bình nói với VOA rằng gia đình ông đã nhiều đời gói bánh như vậy ở những ngày giáp Tết.
Ông Bình khoe: "Truyền thống của gia đình em cũng là lâu lắm rồi, từ ông bà tới giờ rồi. Em sau này cũng được gói và gói cũng được gần hơn 20 năm. Bánh chưng nó có nhiều ý nghĩa lắm à. Một năm cả gia đình quây quần lại gói bánh chưng. Rồi tập họp lại kể chuyện một năm đã qua. Xong, làm biếu cho những bạn bè, biếu cho người thân mình nữa, cảm thấy mình vui lắm, hạnh phúc lắm."
Anh Minh, một người trẻ chia sẻ: "Mình rất hạnh phúc khi mà gia đình được sum vầy lại, mọi người sum vầy lại làm một bánh chưng để cho nó có một cái không khí Tết."
Cách đơn giản nhất là gói bánh chưng bằng khuôn, giúp cho ra những chiếc bánh vuông vức, đều nhau. Người ta chỉ cần cho nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn vào khuôn gói bánh chưng đã lót lá dong. Đầu tiên là đổ gạo nếp vào trước, dàn đều ra khắp khuôn, bằng phẳng. Sau đó cho một nắm đậu xanh lên, dàn ra cho đều. Tiếp đó là một miếng thịt đã ướp gia vị để ở giữa, rồi một nắm đậu xanh. Cuối cùng là đổ tiếp gạo nếp lên trên cùng, rồi gói các lá thừa lại thật gọn gàng, kín đều. Nhớ là cần gói chặt và đều tay các mối lạt.
Còn nếu tự tin vào tay nghề của mình thì cũng có thể gói bánh mà không cần khuôn. Trong lúc gói luôn phải chắc tay thì chuyện gói bánh chưng tại nhà mà không cần khuôn mới đẹp mắt và vuông vắn. Nhớ là giấu các mép gấp lại bên trong. Cuối cùng là gấp phần đầu lá dưới lên, và gấp phần lá thừa bên trên lại tạo thành hình vuông cho bánh.
Cái khéo của tay người gói và chuyện ngon dở của chiếc bánh còn tùy vào chữ tình của người gói bánh.
Anh Minh nói: “Mình chủ yếu làm cái bánh chưng này để tặng biếu bạn bè, để trong gia đình thưởng thức với nhau thôi, quây quần lại, chứ không hề có kinh doanh”.
Ông Bình cho rằng tự tay mình làm nên chiếc bánh nặng chở nặng chữ tình: “Mình vui lắm chứ. Một cái bánh chưng do bàn tay mình nấu ra, của truyền thống gia đình mình thì người ta cũng quý, những người mà mình biếu, người ta quý lắm. Bánh chưng ở nhà làm, nó vui hơn, kỷ niệm hơn nhiều. Xuân về thì cũng chúc trong gia đình một mùa xuân tràn đầy hạnh phúc, và chúc cho tất cả người Việt một mùa xuân ấm no và hạnh phúc”.
Ông Bình nhắc là lúc nấu bánh, hãy nhớ đem các sống lá dong xếp xuống đáy nồi để tránh cháy bánh và cũng để nước luộc xanh hơn. Người ta xếp bánh lên trên, có thể thành nhiều lớp bánh, và lá dong sẽ là lớp đệm giữa. Đổ nước ngập toàn bộ phần bánh, rồi đun lửa to đến khi sôi thì giảm bớt lửa. Cứ khoảng 1 tiếng đồng hồ kiểm tra bánh 1 lần để xem mực nước. Nước hụt bớt thì cho thêm nước đun sôi vào, chứ không được dùng nước lạnh vì sẽ làm sượng nếp. Thời gian luộc bánh trong khoảng từ 8 đến 10 tiếng thì vớt bánh ra. Kinh nghiệm cho biết nấu bánh chưng bằng củi, nồi làm bằng tôn thì chiếc bánh có màu xanh tự nhiên rất đẹp.
Khi vớt bánh ra cho vào thau nước nguội, dùng khăn sạch để lau bên ngoài bánh, sau đó xếp bánh ra chỗ thoáng mát. Dùng một miếng ván mỏng đè lên bánh, sau đó dùng vật nặng đè lên trên. Làm như vậy để bánh săn chắc cho tới khi nguội.
Những ngày cận Tết, nhiều gia đình thức trắng đêm canh nồi bánh chưng, bánh tét được nhóm lửa, bắt nồi ngay trước nhà. Ở Sài Gòn thời khắc này, Tết đang gần lắm rồi.