Đường dẫn truy cập

Tết về, nhớ người năm cũ


Khách du xuân Hội Tết Quý Hợi 1983. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Khách du xuân Hội Tết Quý Hợi 1983. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Cuối tuần qua tôi xuống San Jose. Trời mưa tầm tã đã nhiều ngày qua nên Ông Táo dù bay về trời rồi mà không khí tết năm nay ở San Jose chưa thấy đâu.

Chiều 20/1 bên trong nhà vòm của tòa thị chính San Jose có buổi triển lãm nghệ thuật, chủ đề “Journey of Táo” – Ông Táo về Trời – do San Jose Việt Arts tổ chức, luật sư Jenny Đỗ phối hợp và được sự bảo trợ của thành phố và Nghị viên Nguyễn Tâm. Đã có hơn hai chục nghệ sĩ thuộc nhiều trường phái đóng góp tác phẩm, như Trương Thị Thịnh, Hà Cẩm Tâm, Võ Tá Đồng, Rừng, Phạm Thế Trung, Thomas Chu, Prenn Nguyễn, Patrick Đặng v.v... Tiếc là cuộc triển lãm chỉ trong một ngày, lại rơi vào đúng lúc Hoa Kỳ có tân tổng thống nhậm chức gây xôn xao nên nhiều người đã không có cơ hội thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ gốc Việt.

Khi tôi đến khu Lion Plaza và Grand Century chiều 22/1, ở đây ướt át, vắng khách qua lại. Nếu trời nắng đẹp những nơi này đã có chợ hoa, người người chen chân mua sắm đón tết, đã nghe pháo nổ đì đùng.

Phía trước Grand Century Mall không thấy người bán pháo như mọi năm nên không có tiếng pháo nổ. Gian hàng hoa ngay cửa vào thương xá cũng co ro lạnh dưới cơn mưa. Bên trong lưa thưa khách qua lại. Tôi ghé vào một tiệm băng nhạc mua ít tờ báo xuân.

Bên kia đường, dưới hàng hiên của tiệm bán thạch chè có một bà mặc áo mưa, đội nón lá bầy hàng bán tết là pháo đủ loại, đủ cỡ. Giá 5 đôla một phong pháo ngắn, mua 5 phong, bà cụ nói 20 đôla. Một cuộn pháo dài là 15 đôla.

Mỗi khi tết đến mà trời đổ mưa thì trong lòng tôi lại nhớ đến một cái tết ở San Jose trong cơn mưa bão.

Trẻ em vui xuân đón Tết Quý Hợi 1983. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Trẻ em vui xuân đón Tết Quý Hợi 1983. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Tôi nhớ Tết Quý Hợi 1983 vì đó là năm đầu tiên nhiều hội đoàn trong vùng San Jose phối hợp với nhau tổ chức sinh hoạt đón tết. Trước đó, vui tết chỉ có trong nội bộ riêng của từng hội đoàn ái hữu. Nhớ tết năm 1983 cũng vì là năm tôi đón tết với cộng đồng rồi chuẩn bị khăn gói lên đường sang châu Phi dạy học mà tôi chắc là sẽ không có cơ hội đón tết nữa.

Hội Tết Quý Hợi 1983 được tổ chức tại San Jose High School, lúc đó còn ở trên đường số 2 và Julian, không xa trung tâm thành phố là bao.

Cũng may là ở trường học nên có thính đường, phòng thể thao và các lớp học nên dù bên ngoài có mưa bên trong các sinh hoạt vẫn diễn ra.

Cụ Đào Đăng Vỹ, một bậc trưởng thượng của cộng đồng, đã cùng ông hiệu trưởng của trường cắt băng khai mạc. Vội vã với múa lân, đốt pháo rồi vào bên trong.

Chiếc cổng tam quan dựng lên giữa sân trường để đón khách du xuân thả bộ, chụp hình, nhưng vắng vẻ vì trời không chiều lòng mình. Đổ mưa.

Vào thời điểm đó, cộng đồng người Việt ở Thung lũng Hoa vàng chỉ chừng vài ba chục nghìn, mới chân ướt chân ráo đến Mỹ sau những hành trình đầy gian nan, khổ đau và nước mắt. Đến được đất nước tự do chỉ mong mau chóng hội nhập, đa số còn đi học ESL, học nghề. Người có việc thì làm đầu tắt mặt tối, làm thêm cuối tuần để giúp đỡ gia đình đang thiếu thốn nơi quê nhà, hay giúp người thân có vàng để vượt biển.

Cộng đồng người Việt lúc bấy giờ chưa có tiếng nói trong chính quyền ngoài sự kiện nổi bật là học sinh gốc Việt ngoan và học giỏi được thày cô khen, được báo chí nhắc đến vào mỗi dịp ra trường cuối niên học.

Tết về không thể thiếu pháo. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Tết về không thể thiếu pháo. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Giới chức các cấp, các dân cử địa phương còn đang trong thời gian tìm hiểu về một sắc dân mới, đến từ một đất nước với tên gọi quen thuộc là “Việt Nam” mà họ chỉ biết là nơi có chiến tranh đã làm chia rẽ xã hội Hoa Kỳ trong nhiều năm.

Trong khi đó người Việt tha hương vui xuân đón tết nhưng trong lòng cũng sôi sục ước mơ giải phóng quê hương. Hội chợ có phòng chiếu phim sinh hoạt cộng đồng với hình ảnh kháng chiến quân, với Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh, Phạm Văn Liễu, Nguyễn Cao Kỳ. Lời ca “Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu…” vang vang trong phòng học, trong tim người Việt bỏ xứ ra đi với một ước mơ.

Dạo quanh hội chợ, chỗ này là quầy hàng của các trường học, chỗ kia là trò chơi ném bóng, thảy vòng. Ngoài sân bán thức ăn với bánh chưng bánh tét, bún, bò khô, chả giò, hột vịt lộn. Có gian hàng trưng bày đồ gốm. Sang phòng thể dục đang có tranh giải bóng bàn.

Gian hàng của International Rescue Committee (IRC) đông khách vì là cơ quan đã bảo trợ nhiều gia đình tị nạn đến Mỹ định cư. Nhiều người, trong đó có tôi, ghé vào hỏi thủ tục bảo lãnh thân nhân từ trại tị nạn cũng như bảo lãnh gia đình qua chương trình ODP. Ít tháng sau tôi đã làm thủ tục đoàn tụ cho bố mẹ.

Những người tôi đã có dịp gặp trong các buổi họp hay sinh hoạt cộng đồng thì hội chợ tết là nơi mọi người qui tụ về, như các cụ Đào Đăng Vỹ, Trần Hữu Phúc, cụ bà Phạm Trương, các anh Lại Đức Hùng, Nguyễn Bá Trạc, Trần Trúc Việt, Ngô Thanh Lập, Trần Mạnh Hòa, giáo sư Hà Mai Phương, bác sĩ Đỗ Văn Hội, cựu Đại tá Vũ Văn Lộc, cựu Đại tá Mã Sanh Nhơn v.v…

Khách du xuân thắp nhang cầu khấn những điều tốt đẹp trong năm mới. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Khách du xuân thắp nhang cầu khấn những điều tốt đẹp trong năm mới. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Tại hội chợ, dù đang đón tết giữa mùa đông gió bão nơi xứ người, gặp người thân quen chúng tôi đều ngỏ lời: “Chúc mừng năm mới.”

Anh Ngô Thanh Lập lo chương trình văn nghệ, trong đó sinh viên Đoan Tâm của Đại học Berkeley đóng góp phần trình diễn áo dài của Hai Bà Trưng.

Sinh viên Berkeley những năm đó tham gia nhiều sinh hoạt cộng đồng, từ văn nghệ, hội thảo đến biểu tình cho thuyền nhân, đêm không ngủ cho nhân quyền Việt Nam. Đại học Berkeley cũng có nữ sinh viên Phạm Hiền Diệu Thúy đoạt giải Á hậu Áo dài Bắc California.

Sau Tết 1983 cũng đánh dấu sự ra đời của Đại hội Đoàn Kết với những cuộc tranh tài thể thao của sinh viên Việt từ 12 trường đại học trong vùng và đại hội được kết thúc bằng một chương trình văn nghệ liên trường.

Ăn tết xong, tôi rời Hoa Kỳ sang xứ Togo ở châu Phi dạy học trong chương trình Peace Corps.

Tưởng ở một nơi xa xôi hẻo lánh sẽ không có tết, nhưng ở Togo tôi đã được cùng mấy gia đình gốc Việt đón hai cái tết với bánh chưng, bánh tét, giò chả, heo quay, với mai đào giấy, bầu cua tôm cá, với nhiều khách là người ngoại quốc. Chỉ thiếu tiếng pháo.

Tết Giáp Tí 1984 ở Togo, châu Phi. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Tết Giáp Tí 1984 ở Togo, châu Phi. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Nhớ lại tết xưa, nhiều người của năm cũ giờ đã qua bên kia thế giới. Các cụ Đào Đăng Vỹ, Trần Hữu Phúc, giáo sư Hà Mai Phương, cựu Đại tá Mã Sanh Nhơn không còn ở với cộng đồng. Các lãnh đạo Nguyễn Cao Kỳ, Hoàng Cơ Minh, Phạm Văn Liễu cũng xuôi tay nhắm mắt với giấc mộng giải phóng quê hương không thành, nhưng họ đã là một phần của cộng đồng người Mỹ gốc Việt vùng San Jose và cả Hoa Kỳ.

Mới đây đọc lại một bài viết của mình trên tờ báo cũ về sinh hoạt đón Tết Quý Hợi 1983, tôi bỗng nhớ đến cô bạn học tên Kim Ninh là người cũng thích viết văn, làm báo. Năm đó khi viết bài, tôi hỏi tết đến có làm gì không, Kim trả lời: “Em giúp vui văn nghệ tất niên với sinh viên. Chặt cành đào đem về cắm trong nhà. Tết nhà em có tổ chức đánh bài, ăn uống.”

Mấy năm qua Kim Ninh công tác ở Myanmar. Không biết nơi đó có tết không.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG