Đường dẫn truy cập

Hà Nội! Hà Nội!


Cửa ô cổ cuối cùng của Hà Nội. Hình minh hoạ.
Cửa ô cổ cuối cùng của Hà Nội. Hình minh hoạ.

Trước Tết, hai người bạn qua chơi cho chúng tôi một gói trà ướp sen và một túi cốm Vòng đựng trong bao đã rút hết không khí. Nhận những món quà đặc sản từ Hà Nội, trong lòng phải bồi hồi. Mấy năm trước, chú Dũng và cô Mai đã cho tôi đi ăn “Bánh tôm Cổ Ngư,” hóng gió Hồ Tây. Rồi chú còn đưa đi thăm Nhà Hát Lớn, Viện Bác Cổ, những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi, đi qua phố Trường Tiền, dừng lại trước cửa sổ treo tấm bảng viết tên cửa hàng Givral, sau này là quán cà phê nổi tiếng ở Sài Gòn.

Bữa đó, tôi không nói cho hai người biết họ mang hai cái tên trong tiểu thuyết! Chắc thế hệ cô, chú sau này không đọc Nửa Chừng XuânĐôi Bạn. Mai là tên cô gái trong một truyện dài của Khái Hưng, Dũng là một nhân vật của Nhất Linh. Một điều nữa tôi toan nói nhưng lại biết không nên nhắc đến với hai người bạn, là sáng hôm đó tôi mới đọc một bản tin của Reuters, ngày 25 tháng 1 năm 2025: Hà Nội được phong là thành phố ô nhiễm nhất thế giới!

Báo chí ở trong nước cũng loan tin này: “… IQAir, một công ty Thụy Sĩ, cho biết chất ô nhiễm PM2.5 trong không khí thành phố Hà Nội ngày 3 tháng 1 là 227 microgram mỗi mét khối.” Mức ô nhiễm này cao gấp 15 lần mức tối đa mà Tổ chức Y tế Thế giới coi là chấp nhận được. Trong tháng 1 năm 2025, rất nhiều ngày mức độ lên cao hơn 250 microgram mỗi mét khối. Có ngày chỉ số này lên cao nhất, đạt tới mức 400! Với những dữ liệu đó, Hà Nội được IQAir xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới! PM2.5 là những hạt bụi nhỏ li ti, nhỏ bằng 1 phần 30 sợi tóc, có thể đi vào máu qua đường thở để gây ra bệnh ung thư. Cùng ngày hôm đó, báo Tiền Phong loan tin công ty AirVisual công nhận Hà Nội còn tệ hơn các thành phố ô nhiễm nổi tiếng như Delhi (Ấn Độ) hay Lahore (Pakistan).

Dân Hà Thành có thể “ngửi” thấy mùi ô nhiễm mỗi khi ra khỏi nhà. Xe chạy đông nghẹt. Những nhà máy còn chạy bằng than tự do nhả khói lên bầu trời. Mọi người thản nhiên đốt rác ngay trên lề đường. Vào mùa lạnh, không khí ô nhiễm chìm xuống sát mặt đất. Các bà bán bún, bán phở gánh rửa vội vàng chén, bát, muỗng, đũa rồi đổ nước xuống ngay bên ghế khách ngồi. Khách ăn tự nhiên nhả xương xuống mặt đất. Các nhà thương nhận được nhiều bệnh nhân bị xuyễn, bệnh xưng đường hô hấp, và đột biến tim mạch. Các bậc cha mẹ bắt trẻ em đeo mạng hoặc giữ ở trong nhà không cho ra ngoài để tránh hút khói, hút bụi. Những gia đình khá giả mua máy lọc không khí, nhưng không phải ai cũng có tiền mua. Tất nhiên, những người khá giả nhất có thể sống suốt ngày trong máy lạnh, trong nhà cũng như trong những chiếc ô tô bịt kín. Các quan chức, cán bộ có thể sống trong máy lạnh, bình tĩnh ăn thịt bò lót vàng lá mà không cần biết không khí bên ngoài ô nhiễm đến mức nào.

Một tờ báo giải thích: “Chỉ số AQI (air quality index) đo số lượng các chất ô nhiễm trong không khí như bụi, carbon monoxide, nitrogen dioxide, sulfur dioxide… AQI được đo trên thang bậc từ 0 tới 500, với 0 là chất lượng không khí tuyệt hảo còn 500 là nguy hiểm tức thì. Thông thường, chỉ số AQI dưới 100 được cho là chấp nhận được, còn trên 100 là không tốt cho sức khỏe.” Trong khi dó, “Số liệu ‘quan trắc môi trường’ của Ủy ban Nhân dân Hà Nội vào sáng ngày 3 tháng 1 cho thấy AQI ở nhiều nơi trong Hà Nội ở mức trên 200, rơi vào mức cảnh báo tím, tức rất xấu!” Theo báo Hà Nội Mới, phường Minh Khai ở quận Bắc Từ Liêm có chỉ số AQI là 256!”

Năm 1975 dân Hà Nội vào Sài Gòn đã tiên đoán “Rồi Sài Gòn sẽ theo kịp Hà Nội.” Quả nhiên. Theo báo Daily Express, ngày 25, tháng 1 năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng ô nhiễm hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ thua Hà Nội, nhưng trong nhiều ngày đã qua mặt Bangkok.

Những người bạn tôi, cô Mai và chú Dũng mỗi ngày hít thở bầu không khí đó, chắc cũng không biết những con số ô nhiễm kinh khủng đến thế. Có lẽ tôi không nên giấu kín chuyện này. Đáng lẽ phải nói, phải báo động, cho hai người bạn và tất cả dân Hà Nội đều biết. Những người đã từng sống ở Hà Nội, từng yêu thành phố này với những kỷ niệm mang theo suốt đời, dù đang ở xa, ở nước ngoài, cũng nên hợp sức đòi phải bảo vệ môi trường thành phố. Bởi vì, đó vẫn là một địa điểm thiêng liêng trong lịch sử nước mình.

Lý Công Uẩn đã quyết định dựng kinh đô ở đó, đặt tên là Thăng Long, Rồng Bay, xác định một giống dân tự nhận là “con Rồng, cháu Tiên” đang vươn lên – Phi Long tại Thiên. Sau khi cả nước đoàn kết đuổi quân Mông Cổ, Trần Nhân Tông còn thấy gót chân mấy con ngựa bằng đá chân cũng lấm bùn. Nhưng Hà Nội là một thủ đô văn hóa. Quốc Tử Giám, gọi là Văn Miếu, dựng lên đề đề cao học vấn. Chu Văn An mở trường dạy những học trò làm “rường cột” quốc gia. Cuối thế kỷ 18 Phạm Đình Hổ còn kể “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Cuộc bình văn trong nhà Giám,” mô tả Lễ tế giao, Lễ nhà miếu, Lễ sách phong, vân vân. Dân Hà Nội còn tự động đánh du kích diệt nạn Kiêu Binh. Trải qua bao vật đổi sao rời, đến thế kỷ 19 Bà Huyện Thanh Quan còn viết “Thăng Long thành hoài cổ.” Từ Thanh Hóa, Quang Trung thốt lên lời thề quyết chiếm lại Thăng Long ngày mồng năm Tết!

Những người chết trong các cơn quốc nạn đã biến Hà Nội thành một vùng đất tiêng liêng. Nguyễn Tri Phương từ Thừa Thiên ra, đã tuyệt thực, không chịu cho băng bó sau khi thua trận, thà chết với cố đô. Hoàng Diệu, gốc Quảng Nam, sau khi “cháy kho thuốc súng ngọn cờ ngả theo” đã lẳng lặng tới nhà võ miếu, cởi khăn quàng đầu ra, lấy khăn tự treo cổ chết theo thành.

Thế kỷ 20, Thạch Lam âu yếm kể chuyện “Hà Nội băm sáu phố phường.” Năm 1945, chàng thi sĩ của Say, Mây, Vũ Hoàng Chương vẫn thấy “Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy – Là những dòng sông đỏ sóng cờ…” Trước khi “toàn quốc kháng chiến,” dân Hà Nội còn tự tổ chức chiến đấu hai tháng trời cầm chân quân Pháp, “hai tuần trăng đã rụng; trăng soi trên gạch ngói hoang tàn, dân Hà Nội đục tường để lấy đường di chuyển, … “mỗi tấc đất nghe một thây giặc đổ, mỗi mái nhà một pháo đài kiên cố, mỗi phố con tức là mỗi chiến hào, lòng các anh đẹp ngất một trời sao!”

Trong hai tuần trăng chiến đấu đó, Quang Dũng chứng kiến những tay không nắm cọc súng, thốt lên: “Hàng Gai tay bỏng cọc ba càng, đất cũ Thăng Long người lẫm liệt!” Khi phiêu lưu trên đường Tây Tiến trong “đoàn quân không mọc tóc,” nghe “Sông Mã gầm lên khúc độc hành,” Quang Dũng “gục bên súng mũ ngủ quên đời” nhưng trong lòng vẫn “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới – Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”

Trần Văn Nhơn, một người từ Sài Gòn ra, viết bài ca “Hà Nội 49” những lời thiết tha: “Hà Nội yêu dấu! Là chốn lịch sử ngàn năm! Là trái tim của Việt Nam!...” Đến bây giờ, trong lòng nhiều người, Hà Nội vẫn còn “Là trái tim của Việt Nam!” Nói đến Hà Nội, chúng ta nhớ tới Lý Công Uẩn, nhớ tới Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương và bao nhiêu chiến sĩ “tự vệ thành” sống chết với “đất cũ Thăng Long người lẫm liệt!”

Hà Nội! Hà Nội! Không ai có thể đành lòng để Hà Nội mang tiếng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới! Đất Cũ Thăng Long biến thành một ổ rác lừng danh bốn bể! Những kẻ gây nên tội ác này có thể yên tâm ngồi ăn thịt bò “bíp tếch” lót vàng lá trong phòng máy lạnh mãi hay sao?

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG