Đường dẫn truy cập

Hình ảnh Tổng Bí Thư chúc Tết 'trông giả tạo'


Hai nhà hoạt động: Hình ảnh Tổng bí thư chúc Tết trông giả tạo
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:43 0:00

Báo chí chính thống và mạng xã hội ở Việt Nam chiếu cảnh Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đi chúc Tết dân ở trung tâm thủ đô Hà Nội.

Theo tường thuật của truyền thông, hôm 28/1 tức mùng 1 Tết Đinh Dậu, ông Trọng đã cùng một số quan chức đi xe buýt, sau đó đi bộ, thắp hương tại các di tích lịch sử, chúc Tết người dân, bế và mừng tuổi một vài em nhỏ ở vườn hoa Lý Thái Tổ.

Một số người viết trên mạng xã hội rằng việc làm của ông Trọng là “hình ảnh đẹp đầu xuân”. Một số người khác nói “cần có nhiều hơn” những chuyến vi hành của các vị lãnh đạo “vào cả những ngày bình thường nữa” để họ “hiểu hơn thực trạng của đất nước”.

Trong khi đó, có nhiều người khác xem việc ông Trọng và các lãnh đạo Hà Nội đi chúc Tết là những hình ảnh “kịch cỡm”, “giả tạo”.

Anh Trịnh Bá Phương, một nhà đấu tranh về quyền đất đai, nói với VOA:

“Đây là một vở diễn để gần dân. Ông Trọng bế những đứa trẻ như thế, nhưng thực tế là trong những ngày giáp Tết, có nhiều đứa trẻ phải xa mẹ của nó như trường hợp của hai đứa con của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và những con nhỏ của chị Nga. Cả chị Thúy Nga và chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì đang ở trong tù. Nhà nước cộng sản họ bắt bỏ tù những người mẹ để họ cách ly những đứa con ra khỏi mẹ là những tội ác. Trong khi những người bị bắt hoàn toàn vô tội. Họ chỉ đòi quyền căn bản của con người thôi”.

Hai bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga đã bị nhà chức trách Việt Nam lần lượt bắt vào tháng 10/2016 và tháng 1/2017, với cáo buộc là hoạt động “tuyên truyền chống nhà nước”.

Nhà hoạt động vì dân chủ Lã Việt Dũng cũng chung suy nghĩ với anh Phương. Anh bình luận thêm:

“Công an dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản đã bắt người ta ngay trước Tết, không cho những đứa trẻ đấy được ăn Tết, mà ông Trọng lại thể hiện hình ảnh là ông ta rất là yêu nhi đồng. Đó là hình ảnh tương phản. Một lãnh đạo Đảng Cộng sản có vẻ rất thương yêu nhi đồng trong khi cấp dưới đã bắt những người mẹ chỉ vì họ lên tiếng phản đối những chính sách của Đảng Cộng sản”.

Anh Dũng cho rằng các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam cần gặp gỡ những người dân khác, trong các hoàn cảnh khác để thực sự gần dân và hiểu được những gì người dân đang phải trải qua:

“Ông ý nên đi thăm dân oan. Bây giờ thì ở Trung tâm tiếp dân của Thanh tra Chính phủ ở Hà Đông thì dân oan họ vẫn cơ cực, họ vẫn ở đấy. Thì ông ấy nên đi thăm để ông ấy hiểu cuộc sống người ta khổ như thế nào, và ông ý cũng như Đảng Cộng sản họ có cái phương hướng giải quyết một cách triệt để cho người dân, cho dân oan thì hơn. Ông ý cũng có thể đi những nơi người dân họ nghèo khổ nhiều hơn là ông ý đi trên một chiếc xe buýt long lanh như vậy”.

Nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Trịnh Bá Phương chỉ ra rằng nhiều người dân ở vùng Dương Nội, Hà Đông gặp nhiều bất công khi đất đai lâu đời của họ bị lấy để phục vụ các dự án phát triển đô thị. Giờ đây họ bị thất nghiệp và nghèo khó. Anh nói “nếu muốn tạo hình ảnh gần dân”, ít nhất ông Trọng “phải đến gặp những người dân oan như chúng tôi”.

Ở một bình diện rộng hơn, anh Phương nói về những việc chính quyền cần làm để tạo lòng tin trong nhân dân:

“Lãnh đạo Việt Nam phải thay đổi tất cả các cơ chế, thay đổi chính sách, phải thay đổi luật đất đai, để trả cho người dân quyền tư hữu đất đai. Một lãnh đạo, một chính phủ phải là do người dân bầu lên. Tôi có lời khuyên cho họ là hãy cứ để bầu cử tự do để dân lựa chọn ra những người có tâm, có tầm, có tài đức. Chắc chắn lúc đó những người nào hoàn thành tốt nhiệm vụ dân giao thì người đó sẽ được dân tin nhiệm. Hiện nay họ tự bầu với nhau. Họ phải trả lại quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam”.

Anh Phương khẳng định hiện nay người dân vẫn đang ở trạng thái “bị cai trị” chứ không phải là những người làm chủ đất nước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG