Tổng bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ‘dự tiệc trà thân mật’ vào chiều tối 31/10 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh và ca ngợi tình hữu nghị sau khi hai nhà lãnh đạo cam kết không để quan hệ giữa hai nước bị bên ngoài tác động trong cuộc hội đàm.
Ông Trọng cũng đã có cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc như Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư. Trong khi đó, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thường hội đàm với ông Thái Kỳ, Bí thư Ban bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đàm đạo bên tách trà
Uống trà đàm đạo là một cử chỉ hiếm gặp trong các cuộc tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo quốc tế nhưng dường như đã trở thành thông lệ trong các cuộc tiếp xúc giữa hai nhà lãnh đạo đảng của Việt Nam và Trung Quốc.
Thông tấn xã Việt Nam nhận định việc mời ông Trọng uống trà ‘thể hiện sự coi trọng của nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như mong muốn tăng cường sự gần gũi, tin cậy với nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam’.
Đàm đạo bên tách trà, hai nhà lãnh đạo ‘cùng nhìn lại những bước phát triển lớn trong quan hệ giữa hai đảng’ và ‘nhất trí cùng nhau nỗ lực làm sâu sắc thêm tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững’, theo tường thuật của hãng tin nhà nước Việt Nam.
Hai ông cũng nhắc lại những lần từng cùng nhau uống trà thân mật, gồm một cuộc hồi tháng 1 năm 2017 cũng tại Đại Lễ đường nhân dân và sau đó ông Trọng đã đáp lễ, mời ông Tập uống trà khi tại Khu Di tích Nhà sàn Bác Hồ, Phủ Chủ tịch, khi ông Tập đến thăm Hà Nội, Việt Nam, vào tháng 11 cùng năm.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự tương đồng về văn hóa trà giữa hai nước nhưng khẳng định ‘mỗi nước đều có sắc thái độc đáo riêng’.
‘Đừng để bên ngoài can thiệp’
Trước đó, trong buổi hội đàm chính thức, ông Tập nói với ông Trọng là Trung Quốc sẽ xây dựng chuỗi cung ứng ổn định với Việt Nam, theo tờ South China Morning Post.
Về phần mình, ông Trọng đảm bảo với ông Tập về đường lối ngoại giao ‘Ba Không’ của Việt Nam, trong đó không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự ở Việt Nam, cũng như không theo một nước nào đó để chống lại quốc gia khác.
Hà Nội bị kẹt trong cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh. Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn, Mỹ vừa là thị trường quan trọng hàng đầu vừa là đối tác giúp đảm bảo an ninh trước Bắc Kinh ngày càng quả quyết và hung hăng trên Biển Đông.
“Việt Nam xem việc vun đắp tình hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại”, ông Trọng được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc dẫn lời nói với ông Tập trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Ông Trọng cũng bày tỏ Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc để duy trì hòa bình và ổn định ở biên giới trên bộ và trên biển, nhằm tránh để vấn đề trên biển ‘ảnh hưởng đến sự phát triển chung trong quan hệ giữa hai nước’.
Việt Nam đang được các nhà đầu tư thế giới xem là lựa chọn thay thế Trung Quốc trong việc thiết lập chuỗi cung ứng trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp chống dịch hà khắc, chiến tranh thương mại với Mỹ và căng thẳng địa chính trị Trung-Mỹ về Đài Loan trong khi Việt Nam có lợi thế lao động giá rẻ và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Về phần mình, ông Tập nói với ông Trọng rằng Trung Quốc khuyến khích các công ty công nghệ đầu tư vào Việt Nam và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như y tế, phát triển xanh, kinh tế kỹ thuật số và biến đổi khí hậu.
Trung Quốc sẵn sàng đẩy nhanh các chiến lược phát triển liên kết với phía Việt Nam, thúc đẩy kết nối giữa hai nước và cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp ổn định, ông Tập được CCTV dẫn lời nói thêm.
Viện dẫn hai nước cùng chế độ xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo, ông Tập nói hai nước ‘đang đối mặt môi trường quốc tế rất phức tạp và những rủi ro nghiêm trọng về mặt tư tưởng’.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam phải nỗ lực hết sức để thúc đẩy hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào sự tiến bộ của chúng ta và không bao giờ để bất kỳ lực lượng nào làm lung lay nền tảng thể chế cho sự phát triển của chúng ta”, ông Tập nhắn nhủ ông Trọng, trong ngụ ý dường như nhắc đến những nỗ lực thúc đầy dân chủ của Mỹ và phương Tây.
Ôm hôn thắm thiết
Hình ảnh được phát trên CCTV cho thấy ông Tập và ông Trọng bắt tay và ôm hôn nhau mà không đeo khẩu trang.
Sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, ông Trọng cũng đã lần lượt hội kiến Thủ tướng Lý Khắc Cường và ông Lật Chiến Thư, Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc. Cả ông Lý và ông Lật đều sắp sửa ra đi tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vào mùa xuân năm sau.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, sáng 1/11, ông Võ Văn Thưởng Thường trực Ban Bí thư của Việt Nam có cuộc hội đàm trực tuyến với ông Thái Kỳ, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và là Bí thư Thành ủy Bắc Kinh. Ông Thái vừa được Đại hội 20 bầu làm một trong 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã cùng nhau trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm triển khai thực hiện các thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai đảng, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Sau Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm 2017, ông Tập đã chọn Việt Nam làm nơi ông có chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi lên nắm nhiệm kỳ thứ hai.
Ông Trọng đang có chuyến công du Trung Quốc kéo dài 4 ngày bắt đầu từ ngày 31/10 theo lời mời của ông Tập với phái đoàn hùng hậu có đến 6 Ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Quốc Phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Phía Trung Quốc đã dành những nghi thức cao nhất, trong đó có bắn 21 phát đại bác chào mừng, để đón phái đoàn ông Trọng mà họ gọi là những người ‘đồng chí anh em’.
Sau ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp đón các lãnh đạo thế giới khác như Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong tuần này, tiếp đến là Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan.
Diễn đàn