Báo Time hôm 10 tháng 3 vừa rồi vừa đăng bài “Nội chiến ở Libya: Những hạn chế của quyền lực nhân dân (Libya's Civil War: The Limits of People Power) của Andrew Lee Butters viết từ Benghazi, Libya. Trong bài viết, Butters đưa ra một cái nhìn khá bi quan về tương lai của lực lượng đối lập ở Libya cũng như phong trào cách mạng ở các nước A-rập - vốn đã từng gây hết bất ngờ này đến bất ngờ khác cho thế giới bên ngoài.
Cuộc nổi dậy ở Libya bắt đầu từ ngày 14 tháng 2, 2011 và tới nay đã được đúng một tháng. Bắt đầu từ những cuộc biểu tình tuần hành hòa bình của phe đối lập, sự đáp trả bằng sung đạn của nhà cầm quyền Gaddafi đã châm ngòi cho hàng loạt các diễn biến mang tính bùng nổ. Thay vì bị đàn áp và chịu khuất phục, những người nổi dậy đã nhanh chóng giành được các kho vũ khí và tự vũ trang cho mình. Cùng với một số đơn vị quân đội của Libya từ bỏ hàng ngũ của Gaddafi, họ đã thành lập được một lực lượng đông đảo để tiến như vũ bão về phía Tripoli – nơi có các thành trì cuối cùng của nhà độc tài. Cuộc nổi dậy của phe đối lập cũng khiến hàng loạt quan chức trong chính phủ của Gaddafi rời bỏ hàng ngũ. Trong những ngày giữa tháng 2, làn sóng cách mạng ở Libya có lúc đã khiến nhiều người nghĩ rằng sự tồn tại của chính quyền Gaddafi chỉ còn được tính từng ngày.
Từ khoảng 1 tuần trở lại đây thì thế cờ đã đảo ngược. Các đơn vị quân đội trung thành với Gaddafi, được trang bị đầy đủ và chuyên nghiệp, được yểm trợ bởi vũ khí hạng nặng và không quân, đã lần lượt chiếm lại các thành phố trước đây rơi vào tay lực lượng đối lập – Az Zawiyah, Ras Lanuf, và Brega. Tới ngày 13 tháng 3, lực lượng đối lập còn chiếm giữ được một số thành phố, ngoài thành trì của họ là Benghazi, như Misurata. Tuy nhiên, có vẻ như phe đối lập cũng không còn giữ được Misurata trong bao lâu nữa. Nếu Benghazi rơi nốt vào tay Gaddafi thì coi như phong trào đối lập ở Libya thất bại. Và với những gì Gaddafi đã làm thì không có lý do gì để không tin rằng viên đại tá này sẽ dìm phong trào cách mạng này trong biển máu.
Và như thế, Lee Butters có lý do để nói về những hạn chế của quyền lực của nhân dân. Đứng trước một bạo chúa đang nắm trong tay một lực lượng quân đội hùng mạnh và sẵn sàng tàn sát người dân của chính mình, quyền lực của nhân dân quả thật có giới hạn. Và nếu phong trào cách mạng ở Libya thất bại thì đây cũng không phải là lần đầu tiên quyền lực của nhân dân bị khuất phục.
Thế nhưng trong câu chuyện của Libya, còn một vế khác nữa mà Lee Butters không nói đến. Đó là sự thất bại của thế giới tiến bộ trong việc phản ứng với những tình huống như thế này. Kênh truyền hình Al Jazeera hôm 12 tháng 3 đưa tin về Libya đã dùng cụm từ “global inaction” (sự bất động toàn cầu) để mô tả việc hầu như cả thế giới không có bất kỳ phản ứng đáng kể nào giúp cho phong trào cách mạng ở đất nước này.
Từ khi Gaddafi khởi động cỗ máy quân đội để tàn sát dân thường, đã có một số động thái từ thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, điểm lại thì vẫn chỉ gói gọn trong các hoạt động ngoại giao. Từ chuyện phản đối tới lên án, sau đó là cấm vận buôn bán vũ khí, phong tỏa tài sản ở nước ngoài, loại bỏ khỏi Ủy ban Nhân Quyền, tới chỗ kêu gọi Gaddafi ra đi. Đứng trước nguy cơ mất quyền lực, và có lẽ quan trọng hơn nữa là mất mạng, Gaddafi rõ ràng là không quá coi trọng các đe dọa mang tính ngoại giao kể trên. Chính vì thế mà cỗ máy chém của Gaddafi từng ngày không ngừng tiến dần về hướng Benghazi.
Có vẻ như thế giới sẽ không thể làm gì cho tới khi Benghazi thất thủ và phong trào đối lập ở đây bị dập tắt. Một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ về hành động quân sự ở Libya là chuyện xa vời nếu không muốn nói là gần như không khả thi. Ngay cả việc áp dụng lệnh cấm bay trên không phận Libya cũng khó được thông qua mặc dù Liên đoàn các Nước A-rập đã thông qua và đệ trình lên LHQ yêu cầu này.
Trong bối cảnh thế giới vẫn đang vật lộn tìm cách hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc Đại Suy Thoái, và trong một thời đại chính trị thực dụng, nơi các lợi ích cốt lõi của quốc gia được đặt lên trên hết trong khi những yếu tố thuộc về lý tưởng bị xem nhẹ, cách hành xử của các nước đối với tình hình ở Libya là cái có thể hiểu được. Tuy nhiên, dù sao thì thế giới này cũng vẫn có một LHQ và một Hội Đồng Bảo An, nơi mà lẽ ra có thể giải quyết những vấn đề như của Libya.
Ấy thế nhưng ngay cả chuyện tưởng như dễ dàng, và vẫn mang tính ngoại giao, như việc công nhận chính quyền mà phe cách mạng lập ra ở Benghazi là chính quyền hợp pháp của Libya thì LHQ chưa làm được. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, khi được hỏi về việc này vào hôm 12 tháng 3 chỉ nói chung chung rằng đó là việc của từng quốc gia thành viên của LHQ chứ không phải việc của ông.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.