Đường dẫn truy cập

Nghị quyết 11 và tham vọng giải bài toán kinh tế 2011


Nghị quyết 11 và tham vọng giải bài toán kinh tế 2011
Nghị quyết 11 và tham vọng giải bài toán kinh tế 2011

Cuối tuần trước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết 11. Nghị quyết này được coi là chiến lược kinh tế của chính phủ cho năm 2011. Nó đưa ra một loạt các giải pháp tập trung chủ yếu vào kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Trước sức ép về bất ổn vĩ mô trầm trọng từ đầu năm tới nay và những hệ lụy nghiêm trọng đến xã hội nếu các yếu tố bất ổn này không được giải quyết, có thể nói Nghị quyết 11 thể hiện quyết tâm phản ứng nhanh của chính phủ. Nó cũng lần đầu tiên cho thấy chính phủ gạt mục tiêu tăng trưởng sang một bên và chỉ tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô trong năm nay. Trên bối cảnh từ nhiều năm nay Việt Nam luôn đặt nặng mục tiêu tăng trưởng, việc loại bỏ hoàn toàn mục tiêu này khỏi bức tranh kinh tế năm 2011 trong Nghị quyết 11 có thể nói là một bước ngoặt lớn về chính sách.

Nghị quyết 11 đã đưa ra 6 nhóm giải pháp để chống lạm phát và ổn định vĩ mô:

(1) Quản lý chặt thị trường tiền tệ: kìm giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng của năm 2011 ở mức dưới 20% (chỉ số này cho năm 2010 là 25%), thực hiện kết hối bắt buộc, trước hết là với khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và quản lý chặt thị trường vàng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.

(2) Thắt chặt đầu tư công: tăng thu ngân sách nhà nước khoảng 7% - 8% so với dự toán ngân sách 2011 đã được Quốc hội thông qua, giảm chi thường xuyên của 9 tháng còn lại xuống 10%, từ đó giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới mức 5% GDP.

(3) Tăng cường quản lý các thị trường hàng hóa: nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng cường quản lý giá.

(4) Tăng giá điện và xăng dầu, hỗ trợ các hộ nghèo sau khi điều chỉnh giá điện.

(5) Bảo đảm an sinh - xã hội.

(6) Đẩy mạnh thông tin - tuyên truyền

Trong 6 nhóm này, việc tăng giá xăng dầu và giá điện đã được thực hiện xong. Vì thế xét vì khía cạnh ổn định vĩ mô thì chỉ có 3 nhóm giải pháp đầu tiên là đáng được quan tâm. Cả ba nhóm giải pháp này đều đã được nhiều chuyên gia và think tanks nêu ra, vì vậy Nghị quyết 11 không có yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên, có một số điểm quan trọng cần được nêu ra:

Thứ nhấtNghị quyết 11 không đề ra nhiều biện pháp mang tính hành chính. Nghị quyết này có nhắc tới việc áp dụng kết hối đối với DNNN cũng như việc quản lý giá. Tuy nhiên các chính sách này cũng vẫn thường được nhắc đến từ trước tới nay và ngôn ngữ trong Nghị quyết 11 cũng không cho thấy việc chính phủ muốn quyết liệt sử dụng các chính sách này như là các công cụ chủ chốt để bình ổn vĩ mô. Việc không dựa nhiều vào các biện pháp hành chính trong một chừng mực nào đó cho thấy chính phủ chưa coi tình hình hiện tại là nghiêm trọng tới mức phải dựa vào mệnh lệnh hành chính để giải quyết bất ổn.

Thứ hai là Nghị quyết 11 dẫn ra 3 lý do gây bất ổn vĩ mô của năm 2011: (1) tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp với nhiều mặt hàng thiết yếu/cơ bản tăng giá; (2) trong nước thiên tai, thời tiết tác động bất lợi và nhiều mặt hàng thiết yếu buộc phải điều chỉnh tăng giá; và (3) do việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa giai đoạn trước để ngăn chặn suy giảm kinh tế. Các lý do được dẫn ra này đều là yếu tố “khách quan”. Nói cách khác, trong ngôn ngữ của nghị định này, chính phủ không coi tình hình bất ổn hiện tại có nguồn gốc một phần vì những bất hợp lý trong quản lý và điều hành kinh tế trong thời gian vừa rồi. Nghị định 11 cũng không nhắc tới các yếu tố nội tại mang tính nền tảng khác gây ra bất ổn vĩ mô. Và điều này dẫn tới điểm quan trọng thứ 3:

Thứ ba là các giải pháp được nêu ra đều là các giải pháp mang tính ngắn hạn và tình huống. Một số kinh tế gia cao cấp của Chính phủ khi bình luận về vấn đề này đã cho rằng khả năng các giải pháp này sẽ làm dịu bớt căng thẳng trong ngắn hạn nhưng câu chuyện về dài hạn thì vẫn không thay đổi.

Thứ tư là từ chỗ chỉ đạo của thủ tướng tới việc thực hiện của các ban ngành và địa phương là một khoảng cách mênh mông. Thí dụ, từ nhiều năm trở lại đây chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng luôn luôn bị vượt quá, và vì thế không có gì bảo đảm chắc rằng tăng trưởng tín dụng của năm 2011 sẽ nằm dưới mức 20% như thủ tướng mong muốn. Việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên tới 10% trong 9 tháng tới cũng là một mục tiêu đầy tham vọng và nếu thực hiện được thì có lẽ là một kỳ tích. Các nhóm chính sách khác như kết hối hay hạn chế nhập khẩu cũng có những khó khăn tương tự trong việc thực hiện.

Có lẽ vì thế chính phủ nên tính tới một “kế hoạch B” trong trường hợp các nhóm giải pháp trên không vận dụng được, hoặc không được như mong muốn. Việc thiếu vắng kế hoạch B chính là điểm quan trọng Thứ năm.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG