Thoả thuận quốc phòng mới giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đã gây ra những mối lo ngại ở hai lân bang Nam Triều Tiên và Trung Quốc. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, tuy Nam Triều Tiên có thể hưởng lợi từ một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của Nhật Bản để ứng phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc, các giới chức ở Seoul vẫn tiếp tục lo ngại vì những mối căng thẳng còn tồn đọng từ quá khứ quân phiệt của Nhật Bản.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Min Seok đã có thái độ không dứt khoát khi được hỏi về những hướng dẫn được sửa đổi về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật. Ông phát biểu như sau tại cuộc họp báo ngày hôm nay ở Seoul.
Ông Kim cho biết Nam Triều Tiên sẽ thảo luận về những vấn đề này dựa theo tình hình. Ông nói trong trường hợp xảy ra chiến tranh những hướng dẫn này sẽ được xác nhận bởi người lãnh đạo quốc gia là tổng thống.
Những hướng dẫn mới cho phép Nhật Bản hành sử “quyền tự vệ tập thể” để trợ giúp các nước trong khu vực khi những nước này bị tấn công. Thoả thuận mới cũng tán thành một nghị quyết hồi năm ngoái của nội các Nhật để nới rộng vai trò của Lực lượng Tự vệ Nhật bằng cách giải thích lại bản hiến pháp chủ hoà của nước này.
Mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên đã được viện dẫn để biện minh cho việc Nhật Bản cần có một lực lượng quân sự mạnh hơn.
Hãng thông tấn Trung ương của nhà nước Bắc Triều Tiên hôm nay đăng tải một bài bình luận lên án thoả thuận giữa Washington với Tokyo.
Tại Trung Quốc, giới hữu trách cho biết họ sẽ chờ xem liên minh Mỹ-Nhật phát triển như thế nào và đường lối mà liên minh này theo đuổi là gì. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng liên minh Mỹ-Nhật được thành lập trong thời Chiến tranh Lạnh, mà “Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt từ lâu.”
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày hôm nay, ông Hồng nói rằng điều quan trọng nhất là liên minh này có lợi cho hoà bình và ổn định khu vực hay không và phải không gây tổn hại cho quyền lợi của một nước thứ ba, kể cả Trung Quốc.
Ông Hồng Lỗi cho biết các giới chức Hoa Kỳ đã thuyết trình cho Bắc Kinh về thoả thuận mới trước khi văn kiện này được đúc kết. Ông nói rằng Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc thoả thuận này bao trùm quần đảo Điếu Ngư, là những đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông đang do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình. Thoả thuận Mỹ-Nhật khẳng định quần đảo Senkaku hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản.
Một bài bình luận của tờ Nhân dân Nhật báo ở Bắc Kinh nói rằng văn kiện hướng dẫn mới sẽ không “loại bỏ những sự hợp tác có tính chất thực dụng”, nhưng “Hoa Kỳ không thể thay đổi xu thế trỗi dậy của Trung Quốc cho dù họ dùng Nhật Bản như một con cờ.”
Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ là đồng minh quân sự mật thiết, nhưng Seoul cũng có những mối liên hệ kinh tế rất mạnh mẽ với Bắc Kinh. Cả Seoul lẫn Bắc Kinh đều phê phán một cách kịch liệt điều mà họ cho là những mưu toan của những thành phần dân tộc cực đoan ở Nhật, trong đó có thủ tướng Shinzo Abe, nhằm chối bỏ những hành vi tàn ác mà thực dân Nhật Bản đã làm từ đầu thế kỷ 20 cho tới khi thế chiến thứ hai chấm dứt.
Seoul và Tokyo cũng có tranh chấp chủ quyền đối với một quần đảo và thậm chí còn bất đồng với nhau về tên gọi của vùng biển nằm giữa hai nước. Nhật Bản gọi biển này là Biển Nhật Bản trong lúc Nam Triều Tiên gọi đây là Biển Đông.
Ông Hosaka Yuji, giáo sư chính trị học của Đại học Sejong, cho biết căng thẳng giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản khiến cho việc kiềm chế và răn đe kẻ thù chung là Bắc Triều Tiên trở nên phức tạp hơn.
Ông Hosaya nói những quyết định được thực hiện dựa theo liên minh Mỹ-Nhật ảnh hưởng tới quan hệ liên minh giữa Mỹ với Nam Triều Tiên và Nam Triều Tiên cần phải thảo luận một cách cặn kẽ về những phần có trùng lấp với liên minh Mỹ-Nhật.
Truyền thông Nam Triều Tiên đã chỉ trích các giới chức ở Seoul về điều mà họ cho là không trình bày một cách rõ ràng và bảo vệ lập trường của mình đối với những qui định mới về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đi thăm Hoa Kỳ và chuẩn bị đọc một bài diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Mỹ để nhấn mạnh tới mối quan hệ đồng minh gần gũi mà hai nước đã xây dựng sau khi giao chiến với nhau trong thế chiến thứ hai cách nay hơn 70 năm.