Đường dẫn truy cập

Môi trường HN vẫn ô nhiễm nặng trước Ðại lễ 1.000 năm Thăng Long


Môi trường HN vẫn ô nhiễm nặng trước Ðại lễ 1.000 năm Thăng Long
Môi trường HN vẫn ô nhiễm nặng trước Ðại lễ 1.000 năm Thăng Long

Chị Hoàng Thị Minh Hồng, người đã từng hai lần tham gia các chuyến thám hiểm Nam Cực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về viêc bảo vệ môi trường cũng như tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong câu chuyện Phụ nữ kỳ này, chị Hồng sẽ nói về nạn ô nhiễm môi trường ở Hà Nội và ý thức bảo vệ môi trường của người dân vào lúc chỉ còn khoảng 1 tháng nữa Hà Nội sẽ kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vào tháng 10 tới đây và hiện đang có nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, trong đó có vấn đề về môi trường của thủ đô.

Theo một đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố được báo Lao Động trích thuật hồi cuối tháng 6 thì tình trạng ô nhiễm môi trường không khí do bụi trên địa bàn thành phố đang ở mức “báo động đỏ” bởi nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 2-3 lần.

Chị Hoàng Thị Minh Hồng, người lâu nay vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, cho biết theo báo cáo mới nhất của chương trình môi trường toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (UNESCO Environmental Program) thì Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nằm trong số 6 thành phố ô nhiễm bụi nhiều nhất trên thế giới.

Chị Hồng cho rằng có rất nhiều nguyên đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm trầm trọng ở thủ đô. Trong đó có tình trạng người dân đổ về thành phố làm việc ngày càng gia tăng kéo theo một số lượng lớn các phương tiện giao thông cá nhân chạy trong thành phố, trong khi rất nhiều phương tiện giao thông này đã cũ kỹ và không đạt tiêu chuẩn môi trường, còn hệ thống cơ sở hạ tầng thì lại chưa phát triển kịp với tốc độ gia tăng dân số.

Ngoài ra, tình trạng đô thị hóa với các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi cùng với các khu công nghiệp, các nhà máy cũ kỹ, thậm chí có những nhà máy được xây dựng từ những năm 70-80, cũng góp phần vào nạn ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, y thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường cũng là điều đáng quan ngại.

Ở Hà Nội, xe máy hiện vẫn là một phương tiện giao thông chủ yếu của người dân, tuy nhiên xe gắn máy và xe tải nhỏ được xác định là tạo ra nhiều chất độc trong không khí nhất so với các loại phương tiện khác. Chị Hồng nói rằng phương tiện giao thông công cộng là một giải pháp tốt nhất cho một đô thị lớn như Hà Nội, thế nhưng hệ thống này ở Hà Nội hiện vẫn còn nhiều bất cập:

“Nếu như với một thành phố được phát triển và qui hoạch tốt thì những điểm dừng xe buýt phải được tổ chức tốt, có như vậy những phương tiện giao thông công cộng mới phát triển tốt được. Hiện nay, mình nghĩ ở Hà Nội vẫn chưa làm tốt, mặc dù bây giờ cũng có xe buýt, cũng có phương tiện giao thông công cộng, nhưng việc sử dụng chưa được nhiều và cũng chưa thuận tiện cho người dân. Nhiều người cũng muốn đi làm bằng xe buýt, nhưng lại xảy ra tình trạng tắc đường, hay là xe buýt không tới được chỗ họ ở, vì vậy họ phải đi bộ rất xa v..v. Chính sự bất tiện đó làm cho người ta ngại không dùng phương tiện giao thông.”

Chị Hồng cho rằng nhà nước và chính phủ cần phải có những sự đầu tư thích hợp để hệ thống giao thông công cộng được tốt hơn thì người dân mới có thói quen sử dụng.

Hà Nội không chỉ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm bụi, mà vấn đề rác thải ở thành phố cũng là một điều đáng lo ngại. Thế nhưng, ý thức của người dân trong vấn đề này vẫn còn rất kém. Chị Hồng nói rằng chị cảm thấy lo nhiều hơn vui trong dịp đại lễ khi nghĩ tới ý thức của người dân đối với môi trường thành phố.

“Người Hà Nội bây giờ có quá nhiều phốt liên quan đến việc xả rác vào những ngày đại lễ rồi. Trước kia, khi tổ chức những phố hoa thì người ta cũng đi phá hoa, bẻ cành, gây nên những hình ảnh rất là mất mỹ quan. Gần đây, tất cả những dịp bắn pháo hoa, hay tất cả những dịp đại lễ nào thì cuối cùng người khổ nhất vẫn là những anh, chị công nhân quét đường. Mình nghĩ người Hà Nội chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Môi trường sống của mình chính là cái mà mình hít thở hàng ngày, môi trường mà mình và con cháu mình sống trong đó, nhưng mọi người vẫn chưa có ý thức mà vẫn nghĩ là những nơi công cộng là không phải của mình. Có thể nhà người ta ở thì rất đẹp, sân người ta ở thì rất sạch, nhưng mà ra đường thị họ vẫn xả rác thỏai mái.”

Chị Hồng nói rằng chị và nhóm 2041 Việt Nam, gồm 6 thành viên tham gia Chuyến thám hiểm Quốc tế mang tên Hiệp ước Nam Cực năm 2009, mong muốn xây dựng một chiến dịch kêu gọi mọi người dân có ý thức bảo vệ môi trường một cách bền vững và lâu dài chứ không chỉ nhân dịp đại lễ này. Tuy nhiên, theo chị, nhà nươc cũng cần phải đứng ra tiến hành xây dựng và quản lý các chương trình môi trường như vậy và các cơ quan truyền thông cũng cần có những chương trình thường xuyên kêu gọi người dân có ý thức bảo vệ môi trường hơn.

Ngoài tình trạng ô nhiễm ở các thành phố lớn, Việt Nam cũng là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

Mới đây nhóm 2041 đã đưa ra một thông điệp kêu gọi các cơ quan, tập thể ở Việt Nam cùng tham gia Ngày hội Hành động Toàn cầu chống biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trùng với dịp Đại lễ 10/10/2010.

Theo nhóm 2041 thì sự kiện này do chiến dịch toàn cầu về biến đổi khí hậu 350.org khởi xướng, kêu gọi cộng đồng trên toàn thế giới có những hành động đơn giản mà thiết thực tại chính quê hương của mình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chị Minh Hồng, chị Phương Ngân cùng các thành viên trong đoàn thám hiểm Quốc tế mang tên Hiệp ước Nam Cực 2009

Chị Hồng cho biết sự kiện năm nay có tên là Ngày hội Hành động Toàn cầu (Global Work Party).

“Ý tưởng của nó là mỗi người, mỗi tập thể đều có thể làm một điều gì đó để chống lại sự tàn phá của môi trường. Bất cứ một việc gì đơn giản như là trong ngày hôm đó bạn đạp xe đi làm, hoặc bạn trồng một ít cây xanh, hoặc in giấy hai mặt, hoặc tái chế rác. Tất cả hàng nghìn việc như vậy đều có thể đóng góp để tạo nên một môi trường tốt hơn.”

Chị Hồng nói rằng đừng nghĩ là biến đổi khí hậu là vấn đề lớn quá, chúng ta sẽ chẳng làm được gì, và cũng đừng nên tin vào một điều kỳ diệu nào hay chờ đợi Ngân hàng Thế giới đến cứu. Chính chúng ta phải bắt tay vào việc. Và ngày 10/10 sắp tới sẽ là dịp đó.

Một thành viên khác trong nhóm 2041 là chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Giám đốc trường Quốc tế Úc Sài Gòn, người đang lên kế hoạch cho trường của mình, đồng thời kêu gọi các trường học khác tham gia ngày hội đầy tính giáo dục này. Chị Thủy nói trong một thông cáo báo chí của nhóm 2041, xin trích dẫn: “Tôi tin rằng nếu như ngành giáo dục làm được tốt việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thì trong tương lai chúng ta sẽ có một “thế hệ xanh” lãnh đạo đất nước”.

Do trùng với Đại lễ Nghìn năm Thăng Long, nhóm 2041 Việt Nam hy vọng ngày hội này sẽ có sự tham gia của nhiều người và nhiều tập thể ở Hà Nội, vì họ tin rằng đó sẽ là một hoạt động đầy ý nghĩa để kỷ niệm ngày lễ trọng đại của Thủ đô. Chị Nguyễn Thị Phương Ngân, thành viên của nhóm 2041 Việt Nam tại Hà Nội chia sẻ, xin trích: “Tôi muốn mọi người hãy hiểu rằng chỉ một thói quen vô thức của bạn, cũng có thể đóng góp vào sự xấu đi của tình trạng biến đổi khí hậu. Bạn có thể tham gia chỉ bằng một việc đơn giản nhất, ví dụ như đừng xả rác ra đường khi đi dự lễ hội”.

Chị Hoàng Thị Minh Hồng là người phụ nữ Việt Nam và cũng là công dân Việt Nam đầu tiên thám hiểm Nam Cực vào năm 1997, và vào năm 2009 chị cũng được lựa chọn cho chuyến thám hiểm mang tên Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực. Chị đã thực hiện nhiều buổi thuyết trình về môi trường tại các trường đại học, các câu lạc bộ thanh niên. Chị cũng tham gia vào Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam, và vào năm 2002 chị được lựa chọn là đại diện của Việt Nam trong nhóm ‘Nhiệm vụ Nam Cực’ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về phát triển Bền vững và Môi trường ở Nam Phi để thuyết trình trước các nhà lãnh đạo thế giới về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG