Đường dẫn truy cập

Hãy chu cấp cho nàng vì nàng đẹp (phần 5)


Kimberly Hoàng trở thành một cái tên được nhiều người Việt trong và ngoài nước quan tâm đến trong thời gian gần đây. Luận văn tiến sỹ của cô ở Đại học Berkeley, nghiên cứu về tình trạng mại dâm ở thành phố Hồ Chí Minh, được đánh giá rất cao trong giới nghiên cứu xã hội học. Một phần của luận văn này đã được đăng trên tạp chí Journal of Contemporary Ethnography.

Nghiên cứu của Kimberly Hoàng

Là một nghiên cứu xã hội học chứ không phải là một nghiên cứu kinh tế, công trình của Kimberly Hoàng không phân tích về lý thuyết như của Guista, Tommaso, và Strøm (2004) hay Edlund và Korn (2002) và cũng không thực hiện các điều tra và phân tích về thống kê và kinh tế lượng (econometrics) giống như Levitt và Venkatesh (2008). Công trình của cô mô tả một bức tranh về thị trường mại dâm ở thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở nghiên cứu thực tế của cô trong khoảng 07 tháng vào các năm 2006 và 2007. Trong giai đoạn này, Kimberly đã thâm nhập vào hệ thống các nhà hàng, quán bar, quán karaoke để tìm hiểu mà cách thức mà các giao dịch mại dâm diễn ra như thế nào.

Cô phỏng vấn cả những người đi mua dâm và những người đi bán dâm mà cô gặp. Dựa trên các trải nghiệm này, cô chia thị trường mại dâm thành 03 loại:

Loại cấp thấp là thị trường dành cho khách mua thuộc các đối tượng lao động thu nhập thấp. Đặc trưng của loại này là giá giao dịch rất thấp (khoảng US$3 đến US$4), người bán thuộc độ tuổi 30 – 40 và phần nhiều là những phụ nữ ngoại hình không hấp dẫn, đã từng có gia đình, có con cái, và không có cơ hội tham gia vào các ngành nghề thủ công bình thường. Kimberly cho rằng các quan hệ giữa người mua và người bán thuần túy là quan hệ qua đường và không liên quan đến bất kỳ cung bậc nào về tình cảm.

Loại thứ hai, theo Kimberly, là cấp trung bình được đặc trưng bởi quan hệ với khách tây ba lô. Theo cô những người cung cấp dịch vụ này là loại giữa các cô gái Việt Nam có cơ hội tham gia vào thị trường lao động khác nhưng làm mại dâm để có thu nhập cao hơn và có cơ hội hình thành những mối quan hệ tình cảm và thậm chí hôn nhân với khách hàng nước ngoài.

Loại cuối cùng, Kimberly gọi là cao cấp là loại mà những cô gái cung cấp dịch vụ này là các cô gái trẻ, có nhan sắc vượt trội, có trí tuệ và học vấn, thậm chí đang làm việc ở những ngành nghề bình thường có mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng thu nhập của Việt Nam. Khách hàng của các cô là các khách hàng trọn lọc, các Việt kiều và người bản địa giàu có, và sẵn sàng chi những khoản tiền lớn. Quan hệ giữa người bán và người mua cũng vượt xa quan hệ mua bán thông thường và luôn gắn với những quan hệ tình cảm ở mức độ nhất định. Các cô gái tham gia vào thị trường ở phân khúc cao cấp này thường không ngại vấn đề tổn hại uy tín mà Guista, Tommaso, và Strøm (2004) nói đến. Lý do là các cô không phục vụ nhiều khách hàng, và vì thế về mặt xã hội, rất ít người biết đến những việc làm này. Điều đó, theo cách tiếp cận của Edlund và Korn (2002), các cô không bị mất cơ hội lập gia đình.

Nhìn nhận từ góc độ kinh tế học, nghiên cứu của Kimberly mặc dù hết sức thú vị về mặt mô tả hiện tượng xã hội nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Thí dụ việc chia làm 3 loại (hay nhiều loại) tự nó đã không đúng về phương pháp. Nếu nhìn nhận trên góc độ chất lượng của dịch vụ được cung cấp, sẽ không có sự phân loại rời rạc (discrete) như loại A, loại B, hay loại C, mà là một giải liên tục (continous spectrum) từ chất lượng thấp nhất tới chất lượng cao nhất. Vì thế, tất cả các phân tích và mô tả khác về đặc trưng của 3 loại mại dâm của Kimberly dễ rơi vào bẫy cảm quan hoặc những trải nghiệm hạn chế của người nghiên cứu thay vì là một phân tích thực sự mang tính đại diện.

Mại dâm ở Việt Nam như thế nào?

Gần đây nhất, tháng 2 năm 2012, Chương trình Chung về Bình đẳng giới (do Chính phủ Việt Nam và Liên hiệp Quốc đồng thực hiện) xuất bản một báo cáo đặc biệt thú vị có tựa đề “Mại dâm và Di biến động nhìn từ góc độ giới”. Nghiên cứu này gặp một vấn đề lớn về cách thu thập mẫu (chủ yếu là mại dâm đường phố và các quán bia ôm, karaoke) và chắc chắn không đại diện cho các phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, các kết luận mà nghiên cứu này dẫn ra vẫn có nhiều điểm đáng quan tâm đặc biệt:
Thứ nhất, về độ tuổi bắt đầu tham gia hoạt động mại dâm, báo cáo này cho rằng có tới 21.6% người làm nghề mại dâm bắt đầu tham gia thị trường này từ tuổi 18 trở xuống. Cần nhớ rằng theo cách tính tuổi của nhiều người Việt Nam thì 18 tuổi đôi khi chỉ là 16 tuổi theo cách tính tuổi của phương Tây. Thí dụ một người sinh vào ngày 1 tháng 12 năm 1995 thì theo cách tính tuổi của phương Tây tại thời điểm tháng 6, 2012 người đó chỉ mới 16 tuổi nhưng theo cách tính tuổi của nhiều người Việt Nam (bao gồm cả tuổi mụ) thì người đó đã 18 tuổi. Vì thế nhiều khả năng là độ tuổi mà những người tham gia khai trong mẫu điều tra của báo cáo đã bị tăng lên từ 1 tới 2 năm. Theo pháp luật Việt Nam, mua dâm từ những người dưới 18 tuổi (tính theo kiểu phương Tây) bị khép vào tội hình sự. Vì thế, có vẻ như số lượng những trường hợp có thể truy tố hình sự theo báo cáo này là rất lớn nhưng con số bị truy tố thực tế hầu như chỉ có một vài trường hợp mỗi năm.

Thứ hai, độ tuổi trung bình của người bán dâm là rất trẻ, nhiều người có nghề nghiệp khác và trình độ học vấn cao. Có tới 52.7% số người trong mẫu điều tra có độ tuổi từ 25 tuổi trở xuống. Có tới 49.5% số người làm nghề này đồng thời cũng có những công việc bình thường khác trong xã hội và trình độ học vấn trung bình là 17.1% chỉ tốt nghiệp tiểu học, 39.3% đã tốt nghiệp trung học, và khoảng 10.3% đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng.

Thứ ba, về mặt thu nhập, thu nhập trung bình từ hoạt động mại dâm là 8,6 triệu đồng/tháng, cao hơn khoảng 4 lần so với thu nhập trung bình của dân cư đô thị ở Việt Nam (2,13 triệu) - trong đó đối với nữ là 10,6 triệu và nam là 6,55 triệu. Đặc biệt có khoảng 5% số người trả lời có thu nhập từ hoạt động mại dâm là từ 20 triệu trở lên. Kết quả này cũng tương đồng với các kết quả nghiên cứu thực nghiệm khác khắp nơi trên thế giới.

Thứ tư, về mặt cấu trúc thị trường, báo cáo này cho thấy chủ yếu người làm mại dâm ở Việt Nam hoạt động một cách độc lập mà không cần dịch vụ môi giới. Tính trung bình, khoảng 66% số người trong mẫu điều tra này có hoạt động độc lập, trong đó tỷ lệ hoạt động độc lập của nam cao hơn của nữ. Báo cáo này không so sánh thu nhập của những người hành nghề độc lập với những người hành nghề thông qua môi giới như trong nghiên cứu của Levitt và Venkatesh (2008). Nếu kết quả mà Levitt và Venkatesh (2008) tìm thấy ở Chicago cũng giống như ở Việt Nam – tức là mại dâm có môi giới đem lại thu nhập cao hơn cho người bán dâm – thì tại sao lại ít người ở Việt Nam lựa chọn việc bán dâm qua môi giới? Điều này có thể đơn giản vì pháp luật Việt Nam trừng phạt người môi giới rất nặng, trong khi nhẹ tay với người bán dâm và người mua dâm. Trong khi người mua dâm chỉ bị phạt hành chính, người bán dâm cũng chỉ bị phạt hành chính hoặc cùng lắm đi cải tạo một thời gian rất ngắn thì người môi giới phải lĩnh án hình sự và bị tù đày nhiều năm.

Thứ năm, về việc truy đuổi và bắt bớ của cảnh sát, báo cáo này cho thấy có tới 70% số người trong mẫu điều tra chưa từng bị cảnh sát làm phiền trong 02 năm liên tiếp gần nhất và chỉ có 6.5% số người trong mẫu bị truy đuổi từ 5 lần trở lên. Nếu so số liệu này với số liệu mà Levitt và Venkatesh (2008) thu thập được ở Chicago thì có thể thấy cảnh sát Việt Nam nhẹ tay hơn nhiều so với cảnh sát Mỹ xét trên góc độ trấn áp tội phạm mại dâm.

Hãy chu cấp cho nàng vì nàng đẹp

Quay lại câu truyện các scandals ở Việt Nam gần đây liên quan đến các người đẹp tên tuổi đổi tình lấy tiền, nếu bỏ khía cạnh đạo đức qua một bên thì có lẽ không khó để trả lời lý do tại sao các người đẹp lại đi bán dâm mặc dù họ có thể có những ngành nghề bình thường khác có thu nhập cao và ổn định:

Thứ nhất, họ là những người đẹp nhất, vì thế nếu tham gia vào thị trường này họ là những người được trả cao nhất. Một ngày làm việc của họ có thể đem lại thu nhập bằng hoặc gấp nhiều lần GDP bình quân đầu người của Việt Nam cho một năm (khoảng US$1100).

Thứ hai, vì mức thu nhập của họ cao như vậy, họ không cần phải cung cấp dịch vụ cho nhiều người, vì thế họ hiếm khi chịu bất kỳ loại rủi ro gì, bao gồm cả rủi ro bị cảnh sát bắt giữ, và rủi ro về uy tín. Trong nhiều năm trở lại đây, số vụ liên quan đến những người đẹp này bị phanh phui có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thứ ba, các cô gái đẹp, để tiếp tục duy trì vẻ đẹp thì cũng cần một nguồn tài chính lớn. Và trong lúc họ còn trẻ, khi chuyện lập gia đình chưa phải là thứ họ phải tính đến, thì động cơ để kiếm được nhiều tiền là một động cơ quan trọng. Việc cặp kè với, hay nói đúng bản chất là việc giao dịch với những người đàn ông giàu có là một việc rất quan trọng. Thế nên, đối với nhiều cô gái đẹp, thì như lời một cô gái đẹp có thương hiệu gần đây phát biểu trên báo chí thì “yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à”.

Về phía người mua, luật cung cầu cho thấy người mua phải trả giá càng cao cho các món hàng càng khan hiếm. Đấy là chưa kể yếu tố tâm lý mà Kimberly Hoàng mô tả là “đàn ông quan hệ với những phụ nữ [này] vì họ giúp các chàng khẳng định một đẳng cấp nhất định trước mặt công chúng”.

Giống như một khách mua dâm tên “Tuấn” trong nghiên cứu của Kimberly Hoàng chia sẻ với cô “khi tôi đi với một người phụ nữ trẻ đẹp mà những người đàn ông khác thèm muốn, tôi không ngại phải xài tiền vào những vật dụng đắt tiền cho cô ấy. Cô ấy không phải là một cô gái xấu bẩn hạ cấp và sẽ không mất thời gian của mình. Thêm nữa, khi những người khác nhìn thấy cô ấy có một chiếc điện thoại hay một túi sách đắt tiền thì nó cũng làm cho tôi được đánh giá cao hơn.

Và đó chỉ là một cô gái đẹp, nhưng không tên tuổi trong nghiên cứu của Kimberly.

Vì thế mà, việc được cặp kè với, hoặc đã từng được cặp kè với các người đẹp có tên tuổi đối với nhiều người đàn ông giàu có là một việc quan trọng. Nó giúp họ có được những giá trị về mặt đẳng cấp mà họ không có được bằng những cách khác. Vì thế, nói một cách bay bướm thì, hãy tài trợ cho nàng vì nàng đẹp, và có tên tuổi.

Nắm bắt được nhu cầu này từ hai phía, ngành công nghiệp giải trí ở Việt Nam đã và đang họat động hết công suất để tạo ra các người đẹp có tên tuổi. Có lẽ không ở đâu có nhiều cuộc thi người đẹp, hoa hậu, hoa khôi, người mẫu, siêu mẫu nhiều như ở Việt Nam. Bộ máy này đã liên tục tạo giúp các cô gái xây dựng được thương hiệu và tên tuổi cho mình. Và đến lượt nó, nhiều trong số các tên tuổi này lại hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu khẳng định đẳng cấp của nhiều chàng trai (cả già và trẻ) lắm tiền nhiều của.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG