Ra đời năm 1920 tại bang Kentucky mang giòng máu Li Băng, là một ký giả đã qua 10 đời tổng thống, làm việc cho thông tấn xã U.P.I từ năm 1943 sau khi tốt nghiệp đại học, bà Helen Thomas đã bắt đầu sự nghiệp bằng cố gắng và khả năng hiếm có. Trong suốt 12 năm đầu phục vụ cho U.P.I. bà phải có mặt tại sở làm để viết tin Radio cho U.P.I từ 5 giờ sáng. Sau đó bà được cử làm phóng viên phụ trách tường trình tại nhiều cơ quan chính phủ, từ bộ Tư pháp, FBI, bộ Y tế, Giáo dục và An sinh cho đến Quốc hội. Kể từ năm 1960 bà là ký giả chuyên tường trình về Tổng thống Kennedy trong nhóm ký giả của U.P.I tại tòa Bạch Ốc, và bà tiếp tục giữ công việc phóng viên tại tòa Bạch Ốc cho U.P.I. cho đến tháng 5 năm 2000.
Từ tháng 7 năm 2000, bà viết bài cho tổ hợp báo chí Hearst, một tổ hợp báo chí cung cấp bài vở và tin tức cho nhiều tờ báo nổi tiếng tại Hoa Kỳ cho tới trước ngày bà về hưu. Trong báo giới Mỹ, bà là nhân vật nữ đi tiên phong: Bà từng là phụ nữ đầu tiên được gia nhập Câu Lạc bộ Báo Chí Quốc Gia sau 90 năm tổ chức này khép kín đối với nữ giới. Trong những năm 1959- 1960, bà là chủ tịch Câu Lạc Bộ Báo Chí của Phụ Nữ. Bà còn là phụ nữ đầu tiên có chân trong Hiệp Hội các Thông Tín Viên tòa Bạch Ốc sau 50 năm tổ chức này bắt đầu hiện hữu, và là Chủ tịch của Hiệp Hội vào những năm 1975- 1976. Bà cũng trở thành phụ nữ đầu tiên được gia nhập Câu Lạc bộ Gridiron, câu lạc bộ qui tụ các ký giả trong khu vực thủ đô Washington, được thiết lập từ năm 1885 và là nữ Chủ Tịch đầu tiên của Câu lạc bộ này.
Tại phòng báo chí tòa Bạch Ốc, bà được dành riêng một chỗ ngồi ngay hàng đầu, ghế chính giữa, có gắn tên của bà, chỗ ngồi duy nhất ở đây để tên riêng của một cá nhân. Đủ biết, đó một vinh dự và sự kính nể hiếm thấy.
Bà từng có tiếng là ký giả thường đặt những câu hỏi hóc búa, nẩy lửa và những câu đối đáp làm cho các đồng nghiệp của bà phải rúm người lại.
Thế nhưng mới đây tổ hợp Hearst tuyên bố bà nghỉ hưu, mặc dù trước kia, khi có ai hỏi là bà sẽ còn làm việc bao lâu nữa, câu trả lời là: “chừng nào người ta khiêng tôi ra khỏi cửa, chân ra trước.” Ý nói chừng nào chết bà mới thôi.
Nguyên do cũng chỉ vì những lời lẽ phát biểu với một với một giáo sỹ Do Thái. Ngày 27 tháng 5 vừa qua, giáo sỹ này làm việc tại New York, đến tòa Bạch Ốc tham dự một buổi lễ di sản Do Thái, và đã tình cờ gặp bà tại thảm cỏ trong khuôn viên. Nhận ra ký giả lão thành, danh tiếng này ông chạy đến trình bày lý do ông có mặt tại tòa Bạch Ốc và cho biết là ông đang hỏi xem mọi người nghĩ gì về Israel.
Và ông đã nhận được câu trả lời: ”Người Do Thái hãy cuốn gói ra khỏi Palestine mà về lại Ba Lan, Đức, Mỹ và những nơi khác!”. Ông giáo sỹ Do Thái này, đồng thời cũng là một nhà báo, chưng hửng khi nghe những lời lẽ như vậy. Và lời nhận định của bà được ông ta phát tán nhanh như chớp, rồi kết quả ra sao thì quí vị đã biết: tổ hợp Hearst, nơi bà làm việc từ 10 năm nay, tuyên bố ngắn gọn: bà nghỉ hưu. Bà Helen Thomas đã kết thúc sự nghiệp báo chí kéo dài 67 năm, không phải trong hào quang của sự nghiệp mà cũng không có những lời từ biệt hoa mỹ theo thủ tục thông thường dành cho một người làm việc lâu năm nghỉ hưu.
Nhà báo Ngô Nhân Dụng, chuyên viết bình luận cho tờ Người Việt, đưa nhận xét về cá tính của bà:
"Bà Thomas là một nhà báo rất sắc bén, đầu óc nhanh nhạy và đặt những câu hỏi rất thông minh. Nhân đó bà đã gây khó khăn cho những người trả lời và đặc biệt là các ông tổng thống Mỹ, vì bà là phóng viên cho nhiều cơ quan báo chí, trước hết là hãng U.P.I và sau này là công ty truyền thông Hearst. Vì tính khí mạnh bạo, quả quyết không sợ hãi, là những đức tính giúp cho bà đặt những câu hỏi gây khó khăn cho các ông tổng thống. Có thể nói suốt 10 đời tổng thống Mỹ, họ rất e sợ bà, và đồng nghiệp kính nể; bà đã được bầu làm chủ tịch các phóng viên tòa Bạch Ốc. Tại phòng bọp báo tòa Bạch Ốc, các công ty khác người ta chỉ để tên ghế ngồi cho các tòa báo hay đài phát thanh chứ không để tên ký giả, riêng bà có một ghế đề tên riêng ngay giữa hàng đầu. Điều đó chứng tỏ là bà rất thành công trong nghề báo và được các đồng nghiệp và giới chính trị kính trọng."
Tuy nhiên chỉ vì một câu nói lỡ lời mà bà đã buộc lòng phải từ giã nghề ký giả mà bà đã theo đuổi hơn 60 năm.
Khi được hỏi là trong tư thế của một người viết báo lâu năm, ông nghĩ như thế nào về cách ứng xử cần phải có của một ký giả khi phát biểu ý kiến, nhà báo Ngô Nhân Dụng trả lời:
“Người ký giả, nhất là người đã từng là phóng viên, sao lại viết bình luận như bà Thomas, thì tôi nghĩ là có một qui tắc mà mình nên giữ, là phải luôn luôn có công tâm. Khi viết hay nói trên đài, hay phát biểu trước đám đông thì hãy nghĩ đến độc giả, thính giả của mình và không còn nghĩ đến mình nữa. Có thể nói người làm báo, dù làm tin hay viết bình luận thì phải đem cất cái ngã mạn của mình, cùng những thành kiến hay tình tự riêng tư ở nhà, đừng bao giờ đem ra chốn công cộng, nhất là trong lúc làm việc. Có như vậy mới phục vụ được cho công chúng, bởi vì giá trị của nhà báo là do sự tín nhiệm của độc giả, thính giả, khán giả. Nếu họ còn tin là mình có công tâm, thì họ mới tin những điều mình viết ra hay nói ra. Còn nếu mình để lộ những tư ý, những thiên kiến trong lòng mình thì người ta sẽ không tin nữa.
Riêng đối với trường hợp của bà Thomas, nhà báo Ngô Nhân Dụng nhận định:
"Phát biểu ý kiến rằng người Do Thái ở Israel hãy chạy về Đức hay là về Ba Lan thì điều đó cho thấy bà đã biểu lộ một thiên kiến có sẵn trong lòng từ lâu, và có lẽ chính vì lý do đó mà cuối cùng bà đã rút khỏi nghề báo, mà ở cái tuổi 90 thì về hưu cũng không sớm gì. Nhưng nếu bà còn tiếp tục nghề báo thì từ nay trở đi người ta sẽ không nghĩ bà là một ký giả chân chính, một ký giả đích thực, mà họ sẽ nghĩ bà là một người tranh đấu cho người Ả Rập, chống nước Israel, thì đó là một điều mà một nhà báo không bao giờ nên để cho người ta nghĩ về mình với một hình ảnh như vậy."