Con đường thăng tiến của ông Hồ Xuân Hoa, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, ngày càng rộng mở sau khi một đối thủ tiềm năng của ông rớt đài, hãng tin Reuters nhận định.
Có biệt danh là “Tiểu Hồ” để phân biệt với cựu Chủ tịch Hồ Cầm Đào – người nâng đỡ ông, Hồ Xuân Hoa lâu nay vẫn được xem là một ngôi sao trên chính trường Trung Quốc. Giờ đây, cú ngã ngựa đột ngột của ông Tôn Chính Tài, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ông Hồ, càng củng cố cơ hội thăng tiến của ông tại Đại hội Đảng lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm nay.
Các nguồn tin thân cận với lãnh đạo Đảng lâu nay vẫn ca ngợi ông Hồ, 54 tuổi, là “một trong những nhân vật hứa hẹn nhất” của thế hệ lãnh đạo thứ sáu – tức thế hệ sẽ lên thay dàn lãnh đạo của ông Tập Cận Bình khi ông Tập về hưu.
Cho đến giữa tháng Bảy năm nay, ông Tôn Chính Tài, bí thư Thành ủy Trùng Khánh, vẫn được xem là có nhiều triển vọng trong thế hệ lãnh đạo thứ sáu. Thế nhưng, ông Tôn, vốn nhỏ hơn ông Hồ một tuổi, đã đột ngột bị cách chức và, theo nguồn thạo tin trong Đảng, đang bị điều tra.
Ít được biết đến trên trường quốc tế, Hồ Xuân Hoa đã trải qua phần lớn sự nghiệp chính trị của mình tại khu tự trị Tây Tạng đầy bất ổn rồi sau đó trở thành chủ tịch tỉnh Hà Bắc trước khi được điều sang làm người đứng đầu Đảng ủy Nội Mông. Tại Đại hội Đảng lần thứ 18 hồi cuối năm 2012, ông được đề bạt sang lãnh đạo tỉnh Quảng Đông – một trong những tỉnh giàu có nhất và quan trọng nhất của Trung Quốc.
Trong thời gian làm lãnh đạo ở Quảng Đông, ông Hồ đã phải xử lý những đợt bùng phát biểu tình tại làng Ô Khảm vốn có biệt danh là “làng dân chủ”. Ông đã ra lệnh đàn áp để chứng tỏ bản lĩnh của mình trước các lãnh đạo trung ương.
Làm bí thư một tỉnh quan trọng như Quảng Đông được xem là một bệ phóng chính trị để vươn tới những vị trí lãnh đạo quốc gia. Người tiền nhiệm của ông Hồ, ông Uông Dương, đã được cất nhắc lên làm phó thủ tướng sau Đại hội 18.
Một số người đã từng gặp ông Hồ cho biết ông có tác phong lãnh đạo tương đối thoải mái và dễ gần. Họ nói ông đã rất cố gắng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại những khu vực kém phát triển của tỉnh Quảng Đông cũng như thúc đẩy sự sáng tạo với việc giúp phát triển khu vực công nghệ cao của Thâm Quyến. Bản thân ông Hồ đã nói nhiệm vụ trọng tâm của ông là nâng cấp và tái cơ cấu nền kinh tế của Quảng Đông và làm giảm bất ổn xã hội cũng như những vụ tranh chấp đất đai với chính quyền.
Trong nhiệm kỳ của ông Hồ, Quảng Đông vẫn giữ vững vị trí là tỉnh đứng đầu cả nước về kinh tế với GDP năm 2016 đạt 1.160 tỷ đô la – chiếm 10% tổng thu nhập quốc nội và 28% giao thương của cả nước.
Ông Hồ không cho thấy nhiều về quan điểm chính sách của ông ngoại trừ việc ông quan tâm đến những vùng cách trở về địa lý và nghèo đói – một phần nguyên nhân là do có tuổi thơ nghèo khó tại một làng miền núi ở tỉnh Hồ Bắc.
Một nguồn tin ở Quảng Châu đã từng gặp Hồ Xuân Hoa nói với Reuters:
“Uông Dương dám nghĩ, dám làm, dám cải cách, còn Hồ Xuân Hoa không dám nói nhiều. Ông là người kín tiếng. Nhưng trong nền chính trị Trung Quốc chỉ cần anh không gặp rắc rối gì là đủ.”
Ông Hồ được cho là người của “Đoàn phái”, tức Đoàn thanh niên cộng sản vốn là cơ sở quyền lực của Cựu chủ tịch Hồ Cầm Đào. Đây được xem là một bất lợi của ông đối với ông Tập vốn thuộc phái “Thái tử Đảng”.
Tuy nhiên, gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy con đường thăng tiến mở rộng của ông Hồ. Hồi tháng Tư, Chủ tịch Tập Cận Bình nói ông “hoàn toàn tán thành” công tác lãnh đạo của chính quyền Quảng Đông kể từ Đại hội Đảng lần thứ 18, theo truyền thông Trung Quốc. Đây được xem như ông Tập gián tiếp ủng hộ Hồ Xuân Hoa.
Hồi tháng Năm, ông Hồ đã nhiều lần cam kết trung thành với ông Tập. Hồ khẳng định rằng ông Tập là lãnh đạo “hạt nhân” của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Ông cũng đi công cán đến Israel, Ireland và Anh Quốc hồi tháng Sáu. Những chuyến công du này được xem là để tăng cường hình ảnh quốc tế của ông Hồ để chuẩn bị cho những chức vụ cao hơn.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Hồ Xuân Hoa đã tình nguyện đến công tác ở Tây Tạng sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh. Ông phục vụ ở đó gần hai thập niên và đã học giao tiếp bằng tiếng Tạng. Ông đã leo lên chức phó bí thư Tây Tạng. Cũng chính ở khu tự trị này Hồ Xuân Hoa đã gặp và gây ấn tượng với ông Hồ Cẩm Đào, bí thư Tây Tạng trong giai đoạn 1988-1992. Ông Hồ Cầm Đào đã trở thành người nâng đỡ cho “Tiểu Hồ”.
Khi về Nội Mông, Hồ Xuân Hoa đã giành được sự khen ngợi của lãnh đạo Đảng, các nguồn tin thân cận với lãnh đạo Đảng nói với Reuters, vì đã đàn áp các cuộc biểu tình của người bản địa Nội Mông phản đối các công ty khai khoáng tàn phá các đồng cỏ chăn thả gia súc.
“Trong số những nhân vật tiềm năng cho thế hệ lãnh đạo thứ sáu, Hồ Xuân Hoa là người có uy tín lớn nhất,” một nguồn thạo tin trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, “Trừ phi ông ấy phạm sai lầm nghiêm trọng thì không có lý do gì mà ông Tập không đề bạt ông ấy.”