Đường dẫn truy cập

Học được gì từ truyện ngụ ngôn cổ tích?


Hình minh họa
Hình minh họa

Nói về kho tàng văn học dân gian Việt Nam với một số tác phẩm được in ấn trong sách truyện ngày nay, tôi ưa thích hơn cả là ca dao, vì nghe cũng vui tai và ít nhiều thể hiện được sự phong phú của ngôn từ, văn hóa vùng miền cũng như đất nước nói chung. Nhưng riêng về chuyện ngụ ngôn, đa số được viết ra để giải thích các sự kiện tự nhiên, và cổ tích thì quả thật có rất nhiều truyện khá phổ biến mà mỗi khi vô tình đọc được, tôi không hiểu sao đến giờ vẫn được đưa vào sách truyện thiếu nhi, thậm chí là sách giáo khoa để dạy học trên trường lớp. Tháng 12 vừa qua, trong một tờ tạp chí song ngữ “nằm kệ” trên nhiều chuyến bay hãng hàng không nội địa, truyện “Gốc tích cái nốt dưới cổ con trâu” đã được in và dịch sang tiếng Anh. Truyện có nội dung như sau:

Ngày đó trâu cùng nói một thứ tiếng với người. Nhờ thế người dùng lời nói để sai khiến con vật theo ý muốn của mình rất tiện. Cũng nhờ thế, những gã mục đồng đối với trâu không dám đánh đập tàn tệ hoặc cho ăn thiếu thốn vì sợ trâu mách chủ. Có một người làm ruộng thuê một cậu bé để chăn con trâu. Cậu bé này tính ham chơi, nhiều khi quên mất phận sự của mình làm cho trâu nhiều lúc chả được miếng gì vào bụng. Những lúc đó, để che mắt chủ, hắn đã dùng một mẹo là lấy mo cau áp một lớp vào bụng con vật, rồi trát đất bùn ra ngoài. Chủ nhà nhìn thấy bụng trâu căng lớn tướng thì tỏ ý hài lòng mà không căn vặn gì nữa. Nhờ thế, cậu ta đã lừa được chủ nhiều lần nhưng cũng nhiều lần làm cho trâu rất tức tối. Một buổi sáng, người chủ dắt trâu ra cày ruộng. Trâu mách. Sự giả dối của cậu bé chăn trâu vì thế bại lộ. Hôm đó người chủ vừa lột những cái mo đầy bùn dưới bụng trâu vừa đánh cho hắn một trận mê tơi. Cậu bé ngồi trên bờ ruộng giọt ngắn giọt dài. Bỗng dưng có một ông lão hiện ra sau lưng, hỏi cậu bé vì cớ gì mà khóc. Hắn chỉ vào trâu và kể cho ông nghe hết đầu đuôi. Ông lão nghe xong dỗ dành cậu bé và nói: "Ta rất thương con gặp phải chuyện không may. Bây giờ con muốn gì ta sẽ làm cho con vui lòng". Hắn đáp: "Vì nó biết nói làm cho con phải đòn. Bây giờ chỉ muốn làm thế nào cho nó không thể nói được nữa. Ông lão rút trong người ra một cây hương đốt lên thư phù vào trâu, rồi bất thình lình ông lấy cây hương đó gí vào dưới cổ con vật. Trâu cố giãy giụa nhưng không kịp. Trâu kêu lên oai oái khản cả cổ. Tiếng nói của trâu dần dần mất hẳn, chỉ còn phát ra có mỗi một tiếng "nghé ọ..." mà thôi. Chỗ bị thương sau thành một cái sẹo như cái nốt ruồi, từ đó trâu không nói được nữa.

Chúng ta học được gì từ một truyện như vậy? Rõ ràng cậu chăn trâu là kẻ lười biếng, ham chơi, đã thế lại còn không biết điều, dối trá chủ mình và thù hằn, tàn nhẫn với trâu. Ông lão hiện lên, giống như ông Bụt, bà tiên hiện lên, một mô-týp rất quen thuộc trong các truyện cổ tích trong nước và nước ngoài, lại giúp đỡ cậu bé, như một cách cổ xúy hành vi xấu xa, ác độc của cậu. Không những thế, chính “ông lão” đã trực tiếp ra tay làm hại con trâu, vốn hiền lành và nghe lời con người hết mực từ xa xưa. Dẫu biết câu chuyện được kể thông qua nghệ thuật nhân cách hóa, với mục đích chính là giải thích sự xuất hiện của cái bớt dưới cổ trâu, nhưng đi kèm với nó, đồng thời cũng là ấn tượng sâu xa hơn trong tâm trí của trẻ nhỏ nếu được nghe kể đi kể lại, về sự khôn vặt, không trung thực, được người lớn ủng hộ. Chưa hết, nó còn được đem dịch ra tiếng Anh để bạn bè quốc tế biết đến, như một cách quảng bá một nền văn hóa đáng để vươn ngực tự hào của người Việt. Cũng giống như truyện ngụ ngôn “Trí khôn của ta đây”, khi con hổ đến bên người và hỏi “Trí khôn của ngươi đâu?” anh ta bảo để ở nhà rồi đề nghị trói hổ vào gốc cây để về lấy trí khôn, sợ hổ ăn thịt mất trâu. Hổ tin. Người nông dân ngay lập tức đốt lửa và dùng roi đánh hổ rồi hô lớn “Trí khôn của ta đây!”, rồi từ đó con hổ có màu lông vằn vện đen vàng lẫn lộn như vậy. Đọc xong thì không hiểu trí khôn ở đây là gì, có chăng đó cũng chính là sự dối trá, lừa lọc?

Văn học dân gian là những câu chuyện đơn giản truyền miệng đùa vui truyền từ đời này qua đời khác. Các chi tiết được nêm nếm kể lại qua giọng điệu của người kể và tình hình dân gian. Ngẫm về ngày xưa, khi hình tượng dũng cảm, anh hùng được trọng vọng, con người là trung tâm của vũ trụ, của những tư tưởng mạnh mẽ ngông cuồng bá chủ, thì việc đánh thắng động vật như một cách thể hiện thế mạnh. Hay cái thời mà người ta nghèo khổ, thì cô Tấm quả thị, ông Bụt, như một liều thuốc tinh thần giảm đau, kể ra để xoa dịu những khốn cùng của cuộc sống, để tạm mơ và hy vọng vào đâu đó có điều diệu kỳ trong cuộc sống. Cái ác như mẹ con Cám sẽ phải chết, vĩnh viễn biến mất, còn điều thiện như cô Tấm ở lại với tình yêu. Rõ ràng đặt vào suy nghĩ của ngày hôm nay để phân tích đúng sai sẽ để lại bao nhiêu điều khập khiễng. Những câu chuyện như thế, chỉ nên được kể lại với ý nghĩa trân trọng văn học dân gian Việt, chứ không nên tiếp tục được mang ra, in ấn trên các trang sách như một phương thức giáo dục các thế hệ tiếp nối. Bởi như tôi đã nói phía trên, chúng sẽ học được điều gì từ những truyện như vậy?

Cinderella, một truyện cổ tích tương tự như Tấm Cám, lần đầu tiên được hãng phim hoạt hình Disney sản xuất vào năm 1950. Nàng Cinderella là một trong những biểu tượng xinh đẹp và hoàn mỹ bất hủ của Disney, cũng như Snow White hay Aurora… không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng gần nửa thế kỷ trôi qua, Cinderella chẳng còn được khán giả “sùng bái” nữa, bởi giờ đây, việc một cô công chúa cứ phải đợi chờ hoàng tử đến, phải dựa dẫm vào chiếc gậy thần mang một ý nghĩa hết sức tiêu cực với phái đẹp. Ngay lập tức, Cinderella trở lại vào năm 2002, không còn bà tiên, không còn hoàng tử, một mình cô chống chọi với cả thế giới để tìm lại hạnh phúc trong “Cinderella 2: Dream comes true.” Cuối phim, hai cô chị kế của Cinderella cũng tìm được “true love” của chính mình.

Chúng ta không cứ nhất thiết phải vin mãi vào những câu chuyện cũ kỹ lâu đời mà cho rằng đó là bất hủ. Như một cái cây muốn lớn lên trong hình hài đầy đặn, đẹp đẽ và khỏe mạnh, nó cần được cắt tỉa mỗi ngày. Cũng như một dân tộc muốn phát triển ngày càng văn minh, bình yên, giàu nhân ái và vị tha, thì những truyện vốn có từ thuở sơ khai có lẽ cũng cần được nhanh chóng loại bỏ nếu không còn phù hợp.

* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG